Bước chuyển ở làng nghề Chuyên Mỹ

Bạch Thanh| 19/02/2021 06:23

(HNM) - Làng nghề khảm trai, sơn mài xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên) đã có bước chuyển mạnh mẽ. Bên cạnh những sản phẩm truyền thống, làng nghề đã tạo ra nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường hơn như bình hoa, đôn đặt chậu hoa khảm trai, khảm vỏ trứng có cốt bằng bìa cứng hoặc mây tre giang đan…

Sản phẩm khay sơn mài làm từ nguyên liệu bìa ép thân thiện với môi trường của thôn Bối Khê, xã Chuyên Mỹ ngày càng được người tiêu dùng ưa thích.

Đa dạng sản phẩm thân thiện với môi trường

Nghề truyền thống khảm trai, sơn mài ở Chuyên Mỹ có từ xa xưa. Nhiều thế hệ thợ tài hoa của làng nghề đã góp phần tạo ra những sản phẩm độc đáo giàu tính mỹ thuật. Chị Đoàn Thị Xuyên ở quận Nam Từ Liêm chia sẻ: “Đến chọn mua sản phẩm của làng nghề truyền thống Chuyên Mỹ, tôi thêm cảm phục tài hoa của những nghệ nhân nơi đây. Từ những nguyên liệu bình dị như vỏ trai, vỏ ốc, bìa cát tông ép, mây tre giang đan…, qua bàn tay khéo léo của người thợ đã trở thành những sản phẩm tuyệt mỹ. Gia đình tôi đã lựa chọn được rất nhiều sản phẩm, từ bàn ghế cao cấp, lọ hoa đến các khay sơn mài đựng mứt, bánh kẹo, đũa ăn, hộp giấy ăn, đĩa lót cốc chén, ly…”.

Nói rõ thêm về sự phát triển của sản phẩm làng nghề, ông Đặng Xuân Trường chủ một cơ sở sản xuất hàng sơn mài mỹ nghệ ở thôn Bối Khê, xã Chuyên Mỹ cho biết: "Bên cạnh những sản phẩm cao cấp có giá hàng trăm triệu đồng, chúng tôi đã có những chuyển dịch, hướng tới sự đa dạng để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ví như các loại lọ hoa, chậu cây cảnh, bên ngoài được khảm, sơn mài với các loại vỏ ốc, trai bắt mắt nhưng cốt bên trong được tận dụng từ các loại vỏ thùng cát tông ép, hoặc đồ mây tre giang đan đã qua nhà máy xử lý để chống thấm, mối mọt… Sản phẩm có tính mỹ thuật cao, nhẹ nhưng bền, khách hàng có thể sử dụng để trưng bày, trang trí vài chục năm, không bị thay đổi màu sắc, kiểu dáng".

Còn nghệ nhân Nguyễn Văn Lăng ở thôn Chuôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ chia sẻ thêm: Những năm gần đây, theo xu thế chung, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ không chỉ đẹp, bền mà còn phải thân thiện với môi trường nên các cơ sở sản xuất đã liên kết với doanh nghiệp đầu tư vào mẫu mã, cốt sản phẩm… Nhờ đó sản phẩm của làng nghề được người tiêu dùng ưa chuộng.

Tín hiệu lạc quan của làng nghề 

Từ khi có sự chuyển dịch theo hướng đa dạng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường, làng nghề sản xuất sôi động hơn. Anh Lâm Văn Hào ở xóm Giếng Đông, thôn Bối Khê cho biết: Dịp cuối năm vừa qua, thợ trong làng hối hả làm việc từ sáng sớm tới tối muộn cho kịp giao hàng. Bận rộn, mệt nhọc, nhưng hàng hóa bán chạy lại được giá nên người làm nghề rất phấn khởi…

“Để đáp ứng các đơn hàng đã được đặt từ trước, ngay từ chiều mùng 2 Tết Nguyên đán, mọi người đã bắt tay vào công việc. Dịp đầu năm này, gia đình tôi xuất gần 2.000 sản phẩm, gồm đĩa lót cốc, hộp đựng giấy ăn, bình hoa… và rất mừng là các sản phẩm làng nghề thân thiện với môi trường đã chinh phục được thị trường trong nước và quốc tế... Điều đó cho thấy sự chuyển dịch này là hướng đi đúng. Nghề truyền thống của ông cha được phát huy, người làm nghề càng gắn bó với quê hương…”, anh Lâm Văn Hào chia sẻ.

Hiện xã Chuyên Mỹ có 1 hợp tác xã thủ công mỹ nghệ, 8 doanh nghiệp và 1.340 hộ gia đình tham gia sản xuất, kinh doanh các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp với 4.450 lao động (chiếm 90% tổng số lao động trong xã), chưa kể hàng nghìn lao động đến từ các địa phương lân cận. Năm 2020, tổng doanh thu từ tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ của Chuyên Mỹ đạt trên 650 tỷ đồng. Đây là tín hiệu lạc quan về sự hưng thịnh của một làng nghề truyền thống đang chuyển mình mạnh mẽ.

Chủ tịch UBND xã Chuyên Mỹ Vũ Quốc Thương cho hay: Năm 2019 xã được UBND thành phố Hà Nội công nhận điểm du lịch làng nghề. Cùng với đó ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường được địa phương chú trọng nhiều hơn. Chuyển hướng sản xuất đa dạng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường, làng nghề đã tận dụng được nhiều nguyên liệu và phụ phẩm. Ví dụ những phần gỗ dư thừa sau khi sản xuất bàn ghế, tủ… sẽ được lựa chọn để làm các loại khay đựng mứt, hộp đựng giấy… Vỏ trai, ốc mọi kích cỡ đều được tận dụng để sản xuất các sản phẩm khác nhau. Gỗ mùn cũng được các đơn vị thu mua để ép tạo ra các sản phẩm phù hợp. Đặc biệt, dịp Tết Tân Sửu vừa qua, các loại đôn chậu khảm trai, sơn mài dùng để cắm hoa lan Hồ Điệp và các loại hoa cao cấp khác… được tiêu thụ rất mạnh. Điều này đã mang đến nhiều niềm vui cho người làm nghề và cho làng nghề.

Không khí hối hả, tất bật với những đơn hàng từ đầu năm 2021 đang hứa hẹn nhiều thành công mới với nghề khảm trai, sơn mài của xã Chuyên Mỹ. Sự chuyển dịch theo hướng đa dạng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường đã đem đến sức sống mới cho làng nghề nơi đây. Hướng đi thành công này của xã Chuyên Mỹ cần được nhân rộng, đặc biệt với những địa phương có nghề thủ công mỹ nghệ bởi không chỉ góp phần tăng thu nhập cho người dân mà còn làm cho các làng nghề của Thủ đô ngày giàu đẹp, thân thiện với môi trường hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bước chuyển ở làng nghề Chuyên Mỹ