Thanh Oai thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP

Quỳnh Dung| 25/12/2020 06:38

(HNM) - Để nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề, nông sản đặc trưng của địa phương, thời gian qua, huyện Thanh Oai tăng cường hỗ trợ các chủ thể xây dựng thương hiệu tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đây được coi là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, phát triển nông thôn, tạo thêm nhiều sản phẩm chủ lực, qua đó tăng thu nhập cho nông dân trên địa bàn...

Sản phẩm nón lá của cơ sở sản xuất Tạ Thu Hương (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai) vừa được công nhận sản phẩm OCOP đạt “4 sao”. Ảnh: Hương Giang

Là một trong những cơ sở vừa được chấm điểm sản phẩm OCOP đạt 4 sao trở lên, bà Tạ Thu Hương, chủ cơ sở nón lá xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) cho biết, trung bình mỗi năm, cơ sở xuất khẩu 5.000 chiếc nón lá, quạt... bán cho các doanh nghiệp để xuất khẩu tới Nhật Bản, Australia... Các sản phẩm nón lá của cơ sở được thành phố chấm điểm công nhận đạt OCOP sẽ tăng giá trị, giúp cơ sở thuận lợi trong tìm kiếm đối tác ký kết hợp đồng, trực tiếp bán sản phẩm ra nước ngoài.

Cũng về vấn đề này, ông Lê Văn Trẻo, ở xã Liên Châu (huyện Thanh Oai) chia sẻ, với diện tích 10ha, tổng đàn 20.000-25.000 con vịt, mỗi ngày trang trại bán 17.000-18.000 quả trứng cho thương lái, nhà hàng, bếp ăn tập thể... Vừa qua, sản phẩm trứng vịt Liên Châu được thành phố chấm điểm công nhận sản phẩm OCOP đạt "3 sao" - đây là cơ hội để trang trại tiếp cận ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm, siêu thị, cửa hàng tiện ích... qua đó, đẩy mạnh tiêu thụ qua hợp đồng, nâng cao giá trị sản phẩm...

Đánh giá về tiềm năng sản phẩm OCOP trên địa bàn, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Dương Bá Mẫn cho biết, năm 2019, Thanh Oai có 11 sản phẩm được UBND thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn OCOP "4 sao". Vừa qua, huyện có thêm 22 sản phẩm được thành phố chấm điểm công nhận sản phẩm OCOP đạt từ "3 sao" đến "4 sao". Như vậy, đến thời điểm này, Thanh Oai đã có 33 sản phẩm làng nghề, nông sản được công nhận đạt chuẩn OCOP. Đây là điều kiện thuận lợi để các chủ thể nâng cao giá trị sản phẩm bán ra thị trường. Ngoài ra, huyện có 51 làng nghề với những sản phẩm tiềm năng như: Kim khí, điêu khắc, tạc tượng, lồng chim, chẻ tăm hương, quạt, mộc, may mặc, tương, miến, bún, bánh, giò chả, nem chua... Đây là những sản phẩm tiêu biểu, hứa hẹn đạt chuẩn OCOP cho Thanh Oai trong tương lai...

Để đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển khẳng định, năm 2021, huyện tiếp tục phối hợp với các chủ thể xây dựng thương hiệu cho những mặt hàng nông sản đặc trưng của địa phương và các sản phẩm làng nghề để đăng ký sản phẩm OCOP. Cùng với đó, huyện xây dựng cơ chế hỗ trợ cho sản phẩm được xếp hạng "sao"; lồng ghép vào các chương trình, như: Xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi, công nghệ cao… có hỗ trợ về kinh phí, khoa học, kỹ thuật, mặt bằng sản xuất cho các chủ thể. Thanh Oai xác định rõ, các sản phẩm được công nhận OCOP sẽ là nguồn lực để các làng nghề, hộ sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã... tạo sức bật về kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông dân...

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội), hiện nay các sản phẩm OCOP đã và đang góp phần quảng bá, phục hồi, phát triển một số sản phẩm truyền thống trên địa bàn huyện Thanh Oai. Cùng với đó, việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm làng nghề trên địa bàn huyện tiếp tục góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân; tạo thêm nguồn lực cho Thanh Oai thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Oai thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP