Mở rộng vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn

Ngọc Quỳnh| 31/05/2020 07:10

(HNM) - Với mục tiêu đến cuối năm 2020 đạt tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp khoảng 6%, huyện Ba Vì tập trung vào phát triển những mô hình có lợi thế theo hướng chất lượng cao, hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn như: Chăn nuôi bò thịt, bò sữa, gà đồi, nuôi trồng thủy sản. Theo đó, huyện sẽ hỗ trợ người dân về xây dựng thương hiệu, các chuỗi liên kết để đẩy mạnh khâu tiêu thụ; đầu tư cơ sở hạ tầng…

Chăm sóc gà đồi tại huyện Ba Vì.

Tập trung phát triển sản phẩm chủ lực

Những năm gần đây, chăn nuôi gà đồi vẫn là một trong những lợi thế của huyện Ba Vì, mang lại thu nhập cao cho nông dân nơi đây. Bà Nguyễn Thị Bài, người dân xã Thụy An chia sẻ: Để kiểm soát tốt dịch bệnh cho hơn 10.000 con gà đồi, gia đình bà quyết định chăn nuôi theo hướng khép kín. Hiện nay, mỗi tháng gia đình cung cấp cho các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội từ 600 đến 800 con gà, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, trong khi các loại gà đồi khác gặp khó khăn về khâu tiêu thụ cũng như về giá, nhưng nhờ thương hiệu “gà đồi Ba Vì” luôn bảo đảm chất lượng nên giá ổn định 80.000-100.000 đồng/kg.

Không chỉ phát triển chăn nuôi, nhiều mô hình phát triển cây trồng cũng đang là lợi thế của huyện Ba Vì, đặc biệt là cây chè, đã giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu. Theo ông Nguyễn Văn Dũng, người dân xã Ba Trại, cây chè đã nuôi sống nhiều hộ gia đình ở Ba Trại hơn nửa thế kỷ nay, nên dù nhiều loại cây trồng khác có thể mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhưng bà con nơi đây vẫn duy trì cây chè để chăm sóc và xây dựng thương hiệu “chè Ba Vì”...

Đánh giá về những mô hình phát triển nông nghiệp của huyện, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Giáp Đông cho biết, mặc dù gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng huyện chỉ đạo các xã phát triển nông nghiệp tập trung quy mô lớn như: Vùng trồng cây ăn quả, vùng trồng rau an toàn, vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, vùng nuôi trồng thủy sản...

Hiện nay, toàn huyện đã gieo cấy hơn 6.100ha lúa xuân, gieo trồng hơn 1.500ha cây vụ xuân. Ngoài ra, huyện còn trồng hơn 2.300ha cây lâu năm; 1.500ha nuôi trồng thủy sản; hơn 5 triệu con gia cầm. Tổng đàn lợn 184.077 con, đạt 76,2% so với trước khi bệnh Dịch tả lợn châu Phi năm 2018; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 3.497 tấn. Đặc biệt, huyện chú trọng tới phát triển chăn nuôi bò với 32.229 con, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, huyện đã hình thành 12 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Đặt mục tiêu tăng trưởng 6%/năm

Từ nay đến cuối năm, Ba Vì  phấn đấu tăng trưởng ngành Nông nghiệp huyện trong năm 2020 đạt từ 6% trở lên. Để đạt mục tiêu này, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Trần Quang Khuyên cho biết, trước mắt, huyện tập trung thu hoạch lúa xuân, triển khai sản xuất vụ mùa, vụ đông ngắn ngày như đậu tương, khoai tây, giảm tối đa diện tích bỏ ruộng không cấy, thực hiện các biện pháp thâm canh ứng dụng công nghệ cao để nâng cao sản lượng, chất lượng các loại cây trồng lâu năm.

Cụ thể, huyện duy trì diện tích lúa vụ mùa 6.000ha, năng suất dự kiến đạt từ 58 tạ/ha trở lên, sản lượng 34.800 tấn; duy trì diện tích trồng cây ăn quả là 2.369ha, diện tích trồng chè là 1.750ha. Đặc biệt, về chăn nuôi huyện phấn đấu tái đàn lợn đạt 220.000 con, tăng 104% so với năm 2019; đàn bò thịt là 33.000 con, tăng 103,7% so với năm 2019; xây dựng mô hình chăn nuôi gà thả vườn 10ha tại xã Vật Lại, Phú Sơn...

Để làm tốt công tác phát triển nông nghiệp, huyện tiếp tục hỗ trợ 50% giá lúa, ngô, khoai tây năng suất, chất lượng cao, thực hiện chương trình hỗ trợ đưa cơ giới hóa vào sản xuất; tạo điều kiện tối đa cho các hộ dân có nhu cầu vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ tín dụng nhân dân để các hộ khôi phục sản xuất, nhất là tái đàn lợn. Cùng với đó, huyện đầu tư kinh phí nạo vét, tu bổ hệ thống kênh mương phục vụ chống úng trong mùa mưa bão, chống hạn trong mùa khô để bảo đảm đủ nước phục vụ sản xuất, hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.

Huyện cũng đề nghị thành phố hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết, tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là xây dựng thương hiệu các mặt hàng chủ lực của huyện. Các sở, ngành tham mưu cho thành phố có cơ chế hỗ trợ tích tụ ruộng đất, tạo vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, kêu gọi các nhà đầu tư để phát triển sản xuất.

Mới đây, trong buổi làm việc với huyện về tình hình phát triển nông nghiệp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh: Để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng của huyện đạt 6% trở lên, góp phần vào tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp Thủ đô, huyện Ba Vì cần xây dựng kịch bản chi tiết cho tăng trưởng ngành Nông nghiệp năm 2020. Trong đó, tập trung vào phát triển những sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của địa phương như: Rau an toàn, đàn gia cầm, đàn trâu, bò thịt, bò sữa, đặc biệt là tái đàn lợn. Mặt khác, huyện cần tập trung đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP; đẩy mạnh xúc tiến thương mại để tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mở rộng vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn