Huyện Hoài Đức: Xây dựng vùng nông sản đặc sản

Bạch Thanh| 11/01/2019 07:33

(HNM) - Là huyện nằm trong quy hoạch phân khu đô thị của thành phố, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh... tuy nhiên, không vì thế mà Hoài Đức coi nhẹ sản xuất nông nghiệp.

(HNM) - Là huyện nằm trong quy hoạch phân khu đô thị của thành phố, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh... tuy nhiên, không vì thế mà Hoài Đức coi nhẹ sản xuất nông nghiệp. Huyện đã kiên trì thực hiện chương trình phát triển sản xuất hàng hóa có giá trị cao, bền vững; hình thành nhiều vùng nông sản đặc sản tiêu biểu của Thủ đô.

 Như mọi năm, dịp cận Tết Nguyên đán, vùng phật thủ tập trung 73ha của huyện Hoài Đức tấp nập khách hàng và thương lái ghé thăm. Ngoài các xã Yên Sở, Đắc Sở... nhiều nông dân ở đây đã thuê đất ở các địa phương lân cận để trồng phật thủ với quy mô lớn (khoảng 200ha). Hiện giá trị cây phật thủ đạt bình quân từ 600 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm. Riêng xã Đắc Sở hiện có 80% người dân thu nhập chính từ cây phật thủ.

Cùng với phát triển cây phật thủ, diện tích rau tập trung của huyện đạt khoảng 2.000ha (3 vụ sản xuất/năm), trong đó rau chuyên canh đạt 520ha, rau an toàn 58,4ha...; giá trị sản xuất bình quân đạt 500-700 triệu đồng/ha. Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Phạm Tiếp cho biết, từ năm 2009, Hoài Đức đã đầu tư xây dựng mô hình rau an toàn điểm trên diện tích 2,5ha tại xã Tiền Yên. Theo đó, huyện hỗ trợ đầu tư nhà lưới, nhà sơ chế, đường điện trục chính với tổng kinh phí 600 triệu đồng; hỗ trợ Hợp tác xã Tiền Lệ xây dựng vùng rau theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm, giới thiệu cho các bếp ăn trường học, tập thể trên địa bàn sử dụng rau an toàn trong vùng… Sau 10 năm, cùng sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp, từ 2,5ha rau an toàn ban đầu, đến nay, vùng rau an toàn của xã Tiền Yên đã mở rộng thêm 31ha…

Ngoài ra, đến nay, trên địa bàn Hoài Đức có hơn 800ha cây trồng hiệu quả cao, như: Bưởi 260ha, nhãn chín muộn 138ha, cam 68ha, ổi 118ha, táo 84ha, hoa lan 5ha... với 15 vùng chuyên canh tập trung.

Từ thành công trong xây dựng các vùng nông sản chất lượng tốt theo hướng đặc sản, giá trị cao... của huyện Hoài Đức cho thấy, địa phương đã tranh thủ tốt sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp và các cơ quan chức năng; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn và triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp cho nông dân. Nông dân huyện Hoài Đức cũng năng động và nhanh nhạy trong tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất. Đặc biệt, Hoài Đức là một trong số ít các huyện có chính sách khuyến khích, tập hợp nông dân giỏi để thành lập các hiệp hội ngành nghề trong nông nghiệp, như: Hội nhãn chín muộn Hoài Đức, Hội bưởi đường Quế Dương… Đây là những diễn đàn kết nối nông dân giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, cách ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản... Với nông sản thế mạnh, huyện chú trọng chỉ đạo và hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu rau an toàn, phát triển nhãn hiệu tập thể, như: Nhãn chín muộn Hoài Đức, Bưởi đường Quế Dương, Cam đường Canh, Bưởi ngọt Đông La... từ đó, tăng giá trị và tạo hiệu ứng tích cực trong tiêu dùng.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, huyện Hoài Đức đã có nhiều vùng nông sản chất lượng cao với những đặc sản tiêu biểu của Hà Nội dù diện tích đất nông nghiệp đang giảm dần. Đây là kinh nghiệm hay để nhiều địa phương khác tham khảo trong quá trình đô thị hóa và đầu tư nông nghiệp theo hướng khai thác thế mạnh, sản xuất an toàn gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Hoài Đức: Xây dựng vùng nông sản đặc sản