Khám phá một Hà Nội trong nhiếp ảnh

An Định| 04/05/2023 19:30

(HNMCT) - Với hơn 20 triển lãm và các sự kiện bên lề, cùng với sự tham gia của khoảng 100 nhiếp ảnh gia, giám tuyển, diễn giả và chuyên gia về nhiếp ảnh của Việt Nam và quốc tế, “Photo Hanoi’ 23 - Biennale nhiếp ảnh quốc tế” là sự kiện lớn, thu hút sự quan tâm đặc biệt của những người yêu nhiếp ảnh Thủ đô. Thông qua sự kiện này, công chúng một lần nữa được khám phá một Hà Nội thú vị trong nhiếp ảnh xưa và nay.

Khán giả chăm chú xem triển lãm “Hà Nội - Một thành phố trong nhiếp ảnh”. Ảnh: Nhật Quang

Thành phố trong nhiếp ảnh

Viện Pháp tại Việt Nam nhận định: Hà Nội là một chủ đề được yêu thích trong nghệ thuật nói chung và nhiếp ảnh nói riêng. Hà Nội không những là chủ đề hay đối tượng nghệ thuật của rất nhiều nghệ sĩ địa phương, mà còn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho nhiều nghệ sĩ nước ngoài.

Chính vì thế, triển lãm “Hà Nội - Một thành phố trong nhiếp ảnh” được chọn là triển lãm khai mạc, được đặc biệt chú ý trong chuỗi hơn 20 triển lãm nhóm và cá nhân trong khuôn khổ sự kiện “Photo Hanoi’ 23 - Biennale nhiếp ảnh quốc tế” đang diễn ra ở Hà Nội. Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn chia sẻ: “Để thực hiện triển lãm này cũng như các hoạt động bên lề, tôi và các đồng nghiệp đã mất khoảng nửa năm chuẩn bị. Triển lãm “Hà Nội - Một thành phố trong nhiếp ảnh” chính là câu chuyện về sự đa dạng trong cách tiếp cận của các thế hệ nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế về một đề tài quen thuộc là Hà Nội”.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo cũng cho rằng, thông qua ngôn ngữ nhiếp ảnh, công chúng có cơ hội hiểu sâu hơn về Hà Nội. "Triển lãm có 16 tác giả là 16 phong cách, nhiều khi chỉ là những nét rất nhỏ nhưng rất trung thực, thông qua đó để thấy Hà Nội sôi động đến nhường nào. Những triển lãm như thế này kích thích tôi, dù tuổi đã lớn, để tiếp tục sáng tác dù 40 năm qua đã chụp về Hà Nội” - nghệ sĩ Nguyễn Hữu Bảo nói.

Khoảnh khắc hôm nay, lịch sử ngày mai

Điều đặc biệt là tại triển lãm này, ngoài những tác phẩm mới sáng tác gần đây của 16 tác giả, còn có phần trưng bày các bức ảnh đen trắng chụp những gánh hàng rong thời đầu thế kỷ XX của nhiều nhiếp ảnh gia người Pháp và loạt ảnh màu phục dựng 3D tái hiện kiến trúc, bối cảnh của những những ngôi nhà với kiến trúc Đông Dương đặc sắc của kiến trúc sư Đàm Quang Trung. Việc chọn những tác phẩm xưa, nay được Ban tổ chức thực hiện như một phần đối thoại với không gian di sản của Hội quán Quảng Đông, ở địa chỉ 22 Hàng Buồm, nơi diễn ra triển lãm, cũng từng là một trong những điểm giao thương tấp nập nhất trong khu phố cổ Hà Nội suốt những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Trong cuộc “đối thoại” về chủ đề Hà Nội, công chúng được “nghe” một câu chuyện thú vị về phương tiện chụp ảnh. Có người tiếp cận bằng kỹ thuật nhiếp ảnh truyền thống trong buồng tối với phim đen trắng âm bản như nhiếp ảnh gia Phạm Tuấn Ngọc, Nguyễn Duy Kiên hay Nguyễn Hữu Bảo, Peter Steinhauer. Có nghệ sĩ sử dụng máy ảnh nhựa lomo “rẻ tiền” như nhiếp ảnh gia Maika; người khác lại sử dụng những loại máy ảnh phim có đầu ống kính quay 360 độ, như nhiếp ảnh gia Lê Thịnh. Có nghệ sĩ sử dụng máy phim màu như Nguyễn Thế Sơn hay Maika, có người sử dụng máy phim lớn như Peter Steinhauer, có người sử dụng máy ảnh số - từ loại nhỏ như điện thoại như nhiếp ảnh gia Lê Xuân Phong cho tới loại máy số medium format Phase One như nghệ sĩ Bert Danckaert hay Peter Steinhauer… Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn chia sẻ: “Các tác giả sử dụng cách thức khác nhau mà chúng ta có thể nghĩ về nhiếp ảnh, từ máy phim thời xưa, máy phim khổ lớn đến những máy ảnh số phổ biến ngày nay, và điện thoại cũng trở thành phương tiện trong triển lãm lần này. Chúng tôi muốn đưa đến câu chuyện: Liệu phương tiện có phải là yếu tố quyết định chất lượng cũng như sự phát triển của nhiếp ảnh nghệ thuật hay không?”.

Cùng với đó là cuộc đối thoại về góc nhìn đối với cùng một chủ đề của giới nghề. Theo đánh giá của Ban tổ chức: Không có một Hà Nội nào trùng khít hay giống nhau qua các tác phẩm dự triển lãm. Các tác phẩm được sáng tác trong suốt nhiều năm, ở nhiều thời điểm khác nhau, có bối cảnh Hà Nội trước năm 1954, Hà Nội thời “bao cấp”, Hà Nội thời “mở cửa”, Hà Nội thời hội nhập toàn cầu… Những câu chuyện cá nhân hay suy tư riêng biệt của từng tác giả cho chúng ta thấy hiện thực đa dạng và phong phú về Hà Nội. Với khán giả, có lẽ họ sẽ lại một lần nữa tìm thấy Hà Nội của mình qua các tác phẩm tại triển lãm lần này.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo đánh giá: “Hình ảnh Hà Nội hôm nay sẽ là hình ảnh của lịch sử trong tương lai. Những hình ảnh của Hà Nội do người nước ngoài chụp khi nhiếp ảnh Việt Nam còn non trẻ chưa có điều kiện để chụp, những hình ảnh đó từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã cho tôi hình dung Hà Nội qua từng mốc lịch sử cho đến ngày nay. Tập hợp tất cả lại, đó là kho tư liệu rất lớn về Hà Nội, như một kho di cảo về mặt hình ảnh để truyền đạt lại cho thế hệ sau, qua đó giúp họ nâng lên tình yêu và trách nhiệm của mình đối với mảnh đất này. Mỗi tác giả có một khuôn mặt riêng, góc nhìn đa dạng, phương tiện khác nhau nhưng đều chung một tình yêu Hà Nội”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khám phá một Hà Nội trong nhiếp ảnh