Ngày 30-4-1975 ở Hà Nội

Nguyễn Ngọc Tiến| 30/04/2023 06:38

(HNMCT) - Tháng 4-1975, phố phường Hà Nội náo nức với những đoàn xe diễu hành trên phố để cổ động cho kỳ bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, mừng Hà Nội vừa chuyển đổi đơn vị hành chính từ khối sang thành tiểu khu (tương đương như phường hiện nay). Nhưng vui hơn cả là tin chiến thắng từ miền Nam liên tục dội về.

Người Hà Nội đổ ra phố Đinh Tiên Hoàng sau khi nghe tin Sài Gòn giải phóng. Ảnh tư liệu

Những ngày này, trên đường đi học, đập vào mắt tôi là các khẩu hiệu “Quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, “Hoan hô Quân giải phóng miền Nam Việt Nam anh hùng” treo ở ngã ba, ngã tư. Nhà tôi có đài Hồng Đăng, lại ở ngay sát nơi có loa truyền thanh nhưng sáng sớm, cha tôi đưa 1 hào, sai đi mua tờ báo Hànộimới ở quầy báo cuối phố Đại La để biết thêm tin tức. Trước giờ học, trường cấp III Đoàn Kết cho học sinh xếp hàng ở sân, nghe thầy hiệu trưởng thông báo tin chiến thắng rồi mới lên lớp. Trường tôi cũng như các trường cấp III khác trong thành phố thay nhau tổ chức cho học sinh lên nhà Thông tin thành phố ở 93 Đinh Tiên Hoàng xem triển lãm tranh cổ động về chiến đấu và sản xuất cùng các bức ảnh chiến sĩ đang xung phong đánh địch. Quanh hồ Gươm, Nhà hát Lớn giăng đầy pa nô, áp phích và cờ Tổ quốc. Câu lạc bộ Thống Nhất (16 phố Lê Thái Tổ) - nơi sinh hoạt, gặp gỡ của cán bộ và đồng bào miền Nam tập kết - từ sáng cho đến khuya đông nghẹt người đến nghe đài và đọc báo. Bà con bàn tán, nhiều người dự tính trở về quê sau khi đất nước thống nhất.

Các rạp chiếu bóng Tháng Tám, Bắc Đô, Hòa Bình, Đặng Dung... người chen người mua vé xem phim, vì dịp ấy các rạp đều chiếu phim tài liệu như “Giải phóng Huế”, “Giải phóng Đà Nẵng” trước khi chiếu phim truyện. Rạp nào cũng ưu tiên cho khán giả người miền Nam. Ai cũng háo hức muốn biết con người, cảnh vật và không khí chiến thắng ở Huế, Đà Nẵng vì họ đã xa cách quê hương hơn 20 năm. Phước, bạn học cùng lớp tôi có ba mẹ là người Đà Nẵng tập kết ra Bắc năm 1954, kể rằng ba mẹ khóc nấc trong rạp khi xem phim tài liệu. Dù chúng tôi học năm cuối cấp nhưng nhà trường vẫn yêu cầu tập múa tập thể. Mọi người nắm tay nhau giơ cao theo tiếng nhạc bài “Giải phóng miền Nam”, có lẽ chờ ngày liên hoan mừng chiến thắng.

Và ngày ấy đã đến. Sáng 30-4, hôm đó là thứ tư, tôi đến nhà người bạn cùng trường rủ đi học như mọi khi. Bất ngờ loa truyền thanh báo tin, Sài Gòn đã giải phóng. 12h trưa, hai chúng tôi đi học nhưng trường thông báo cho nghỉ. Từ ngõ Mai Hương, đám học trò cuối cấp III chúng tôi đạp xe ùa ra phố, lao về hồ Gươm. Xe đạp, người đi bộ làm tắc cả phố Bạch Mai, tàu điện không chạy nổi. Có lẽ đây là lần tắc đường đầu tiên ở Hà Nội dù thời điểm đó dân số nội thành chưa đến một triệu người.

Lên đến Bờ Hồ, phố Đinh Tiên Hoàng chật ních, pháo nổ khắp nơi. Bố bạn tôi làm phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam nên hai chúng tôi len lỏi đạp xe ra phố Quán Sứ. Tại cột phát sóng, người ta nối các bánh pháo lại với nhau rồi treo từ đỉnh cột xuống tận đất, tiếng pháo nổ kéo dài mấy phút mới hết. Bài hát “Sài Gòn quật khởi” và “Tiến về Sài Gòn” được phát đi phát lại trên loa truyền thanh, không khí phố phường nhộn nhịp hơn cả đêm giao thừa Tết Nguyên đán. Nhiều xí nghiệp, nhà máy cho công nhân lên xe ô tô, tay dâng cao ảnh Bác Hồ đi quanh các tuyến phố. Học sinh trường nhạc vừa đi vừa kéo đàn phong cầm và violon. Tàu điện chạy trên phố Hàng Gai liên tục leng keng xin đường.

Khi thành phố lên đèn, tôi mới đạp xe về nhà, có lẽ cha tôi vui mừng nên quên không mắng. Mẹ tôi vui nhất vì chiến tranh kết thúc có nghĩa là em ruột mẹ ở chiến trường sẽ trở về, và bà vui hơn khi loa truyền thanh thông báo, ngành Thương nghiệp bán thêm thịt lợn bằng bìa gia đình cho mọi người liên hoan mừng nước nhà thống nhất.

Tôi có thời gian sưu tầm đồ thời bao cấp. Một lần, nghe câu chuyện cảm động về bà Nguyễn Thị Minh Thi ở phố Khâm Thiên. Ông bà đều làm ở Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo. Năm 1973, con trai cả của bà Thi nhập ngũ, biết con hay bị viêm họng vào mùa đông, bà đan cho con chiếc áo nhưng vì thiếu len nên chiếc áo dở dang. Kết thúc huấn luyện ở Bắc Giang, người con vào chiến trường, tàu đi qua ngã tư Khâm Thiên, anh thả lá thư xuống gửi cha mẹ. Có người nhặt thư mang đến tận nhà cho bà. Tháng 4-1975, tin chiến thắng dồn dập, bà vay tiền mua thêm lạng len hoàn thành chiếc áo. Tháng 6-1975, đơn vị có người ra Bắc đến nhà báo tin con bà hy sinh ở rừng cao su Xuân Lộc, gần cửa ngõ Sài Gòn. Bà lặng người, đau đớn đặt chiếc áo lên ban thờ khóc con. Đất nước thống nhất, không riêng nhà bà Thi, nhiều bà mẹ Hà Nội và cả nước không được đón đứa con thân yêu trở về. 

Thấm thoắt đã 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ôn lại ký ức hào hùng năm xưa, cũng là dịp tưởng nhớ những người đã ngã xuống vì Tổ quốc. Khép lại quá khứ nhưng không có nghĩa là quên quá khứ...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày 30-4-1975 ở Hà Nội