Hiệp sĩ của mùa xuân

Vũ Công Chiến| 02/04/2023 07:10

(HNMCT) - Ở nước ta, mùa xuân là mùa hoa của nhiều loại cây trái, vì chúng đều là thứ quả mùa hè. Đa phần các loại hoa ấy đều mang sắc trắng. Trắng tinh như hoa mơ, hoa mận, hoa sưa. Trắng ngà như hoa nhãn, hoa vải, hoa lê, hoa táo. Trắng tím như hoa ban, hoa xoan. Những bông hoa ấy có điểm chung là bé li ti và ken chi chít thành chùm. Nhưng có một loại hoa đặc biệt có bông rất to, màu đỏ rực. Đó là hoa gạo. Chúng càng nổi bật hơn khi xung quanh tất cả chỉ là màu trắng của hoa và màu xanh của lá những cây hoa khác.

Minh họa: Văn Cường.

Hà Nội không có tuyến phố trồng cây hoa gạo, chỉ có những cây hoa gạo trồng đơn lẻ ở đường Hoàng Hoa Thám hay trong vườn ươm cây La-pho cạnh vườn Bách Thảo. Cây nào cũng to, cao vút. Hoa gạo có năm cánh, bông rất to, màu đỏ rực, thường chỉ nở khi lá đã rụng hết. Cả cây hoa gạo đỏ rực không lẫn một sắc xanh, màu đỏ của hoa độc tôn và tự do khoe sắc. Đến khi có hoa phượng đỏ rực rỡ trong nắng đầu hè, màu hoa có thể cạnh tranh với màu đỏ của hoa gạo, thì hoa gạo đã rụng hết từ lâu. Nếu coi nữ hoàng của mùa hè là hoa phượng thì hoa gạo xứng đáng là hiệp sĩ của mùa xuân. Quả của cây hoa gạo khi đã già sẽ vỡ bung ra và thả những sợi bông trắng nõn bay khắp nơi trong gió sớm. Hạt hoa gạo nằm lẫn trong bông được gió cuốn đi sẽ rơi xuống những nơi xa, gieo mầm cho những cây gạo mới. Nhưng cũng có nhiều quả gạo rụng xuống đất khi chưa kịp vỡ. Đem những quả bông gạo này về, gỡ bỏ hạt hoa gạo, có thể dùng thay bông, tuy chất lượng không bằng. Không dùng để dệt vải, nhưng dùng làm những thứ cần êm ái như ruột gối thì rất tốt. Những năm sống ở trường Chu Văn An với bà nội, chị em tôi hay nhặt hoa gạo về chơi, xếp hình trên mặt đất. Đến đầu mùa hè, khi có quả gạo vỡ rơi xuống thì nhặt bông gạo, đem về cho bà nội nhồi làm ruột gối.

Cây gạo to, thân gỗ nhưng lại mềm, không dùng để đóng đồ gỗ được. Người ta dùng gỗ cây gạo phổ biến cho nghề khắc dấu, khắc tranh gỗ. Quanh thân cây hoa gạo có rất nhiều mấu gai to để bảo vệ cây trước động vật. Gỗ của các mấu gai này dùng cho khắc gỗ cũng rất tốt. Em trai tôi có chút hoa tay, thời còn học sinh rất hay lấy gỗ gạo để làm tranh điêu khắc tặng bạn bè. Chúng bạn thích lắm, vì chỉ cần bôi mực màu lên đó rồi in ra giấy là được một tờ tranh đẹp. Những cái gai gạo, em tôi dùng khắc tên các bạn trong lớp cho vui bạn vui bè.

Cây hoa gạo còn được người dân phía Bắc gọi là hoa mộc miên, hồng miên. Ngày còn ở bộ đội, hành quân qua các vùng quê, tôi nhiều lần thấy cây hoa gạo. Thường gặp nhất là trên ngả đường từ ruộng hay từ bãi tha ma đi vào phía sau làng, một cây hoa gạo to đứng lẻ loi cạnh đường, cạnh một con mương. Dưới gốc gạo có khi là một cái lều nhỏ lợp tranh, vách đất và một quán nước chè, kê cái chõng tre nhỏ. Phong cảnh mộc mạc làng quê. Người ta bảo cây hoa gạo được trồng án ngữ ở những nơi như thế là để trừ ma quỷ. "Thần cây đa, ma cây gạo", các cụ xưa bảo thế.

Mỗi khi đi xa, chúng ta thường có một sự liên tưởng khi thấy cảnh vật ở nơi nào đó giống quê nhà. Khi tôi vào chiến đấu ở Tây Nguyên, mới biết cây hoa gạo có tên là hoa pơ-lang, theo tiếng dân tộc. Hầu như ở đầu bản làng nào cũng trồng một cây hoa pơ-lang. Có lẽ theo phong tục, giống như ở ngoài Bắc, làng nào cũng có cây đa. Người Tây Nguyên trồng cây pơ-lang không phải để trừ ma. Họ coi hoa pơ-lang là loài hoa đẹp, tượng trưng cho vẻ đẹp người con gái. Năm 1974, trong một trận đánh vào làng Bảo Đức ở phía Tây Pleiku, đại đội tôi hy sinh tới hơn chục chiến sĩ trước một hỏa điểm địch đặt sau cụm ba gốc cây hoa gạo. Mấy tháng sau trận đánh, đơn vị tôi lại hành quân qua đây, lúc này đã là vùng đất của ta. Nhìn lại mấy cây hoa pơ-lang đã nở hoa đỏ ối, nhưng dưới gốc vẫn còn dấu vết đạn làm vỏ cây tướp táp như xơ mướp mà chợt thấy nhớ đến mấy cây hoa gạo thời tuổi thơ ở Hà Nội, nhớ đến xót xa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệp sĩ của mùa xuân