Hàng cây tháng Giêng

Bùi Việt Phương| 18/02/2023 07:18

(HNMCT) - Chẳng biết vì lẽ gì, tháng Giêng người ta hay tìm về cội rễ. Từ bó mùi già để thêm hương lành thanh tịnh đón năm mới đến những gốc mai, gốc đào và những chuyến hồi hương để tìm về cội nguồn. Còn tôi, mỗi tháng Giêng trở về quê nhà nơi phố núi lại nhớ hàng cây hai bên đường như dẫn lối về một trời kỷ niệm.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Tôi nghe nói, ngày xưa nơi đây có hai dãy nhà lá của khu tập thể nam và nữ. Chẳng cần nhắc nhiều hẳn ai cũng nhớ đến cái thời tuổi trẻ của thế hệ ông bà lên xây dựng quê hương mới. Sau những bữa cơm tập thể là tiếng đàn ghi ta vọng ra từ những căn nhà lá. Mùa xuân đến, những người trẻ lại đàn hát bài ca về tương lai và trong mắt họ, mùa xuân là sự hứng khởi, trỗi dậy sức vóc tuổi trẻ.

Thế là, một phong trào trồng cây được khởi xướng, mỗi người trồng một cái cây, hàng cây bên phải là của các nữ công nhân, bên trái là của nam công nhân. Cứ thế, cây lớn lên, người già đi như một sự bù trừ, đắp đổi vừa công bằng, vừa nghiệt ngã của tạo hóa. Chúng tôi mỗi khi về ngoại lại đi dưới hàng cây với nhiều cảm xúc. Lúc tới thì hồ hởi cảm thấy như từng chiếc lá reo mừng, khi về cảm nhận được cái bóng cây trầm buồn lưu luyến. Mùa xuân, khi lá đã trút hết, hai hàng cây khẳng khiu như một sự tạo hình ngẫu nhiên của thiên nhiên, tạo nên vẻ đẹp của cái xóm nhỏ này. Có người từng hỏi mua cây, có kẻ từng mưu toan chặt cành, đào gốc nhưng cuối cùng họ chẳng thể làm gì được bởi người người, nhà nhà ở đây đều muốn lưu giữ ký ức thanh xuân của ông bà, cha mẹ mình. Chúng tôi ngày bé từng hồ hởi đem vôi quét trắng gốc cây để diệt sâu bệnh, giờ những gốc cây bạc trắng ấy như cột cây số đếm từng bước chân khấp khởi của người xa quê trở về nhà.

Mùa xuân, lại đi dưới hàng cây đang lấm tấm lộc biếc. Chẳng nhớ đây là mùa xuân thứ bao nhiêu cây lại đâm chồi, nảy lộc mà vẫn hồn nhiên xanh, mà vẫn cả tin vi vút dưới nắng xuân. Đi giữa hàng cây mới thấy thời gian tuyến tính đôi khi không còn nhiều ý nghĩa bởi sự ngưng kết của kỷ niệm. Chỉ có ở đây mùa xuân mới vẹn nguyên từng tiếng chim hót, tức vết xước trên thân vỏ, từng cái chạc lưu giữ vết chân leo trèo của tụi trẻ chúng tôi. Tôi nhớ những chiếc lá mùa đông nào đó đã rớt xuống, bà lão tóc trắng như cước đã gom lại để đun nấu. Xuân sau, khi cây thay lá mới rồi lá rụng đi, đã không còn thấy dáng bà. Thế mới hay, một đời người trồng được bao nhiêu cây nhưng một đời cây lại bằng mấy đời người...

Có điều gì đó khác biệt khi sống giữa “cộng đồng người”, cây rón rén nhú từng chiếc lá, sợ chiếc này che lấp cửa sổ, chiếc kia xòa trước mắt mà bị cắt tỉa... trong khi, đi giữa “cộng đồng cây”, con người lại tìm thấy sự bình yên đến lạ. Gốc cây này là bà tôi trồng, gốc kia là ông tôi từng chăm, cứ thế lũ trẻ chúng tôi nhớ chính xác từng cái gốc rồi cùng nhau lớn lên, cùng nhau già đi, để khi cùng về dưới hàng cây mỗi mùa xuân lại thấy mình bỗng lạ, bỗng khác đi quá nhiều bởi những toan tính của cuộc đời...

Về dưới hàng cây mùa xuân trong chiều phố núi mà như nghe được từng chiếc lá đang nô đùa. “Đám trẻ” chồi non, lộc biếc lại tung tăng như chúng tôi thuở nào. Đi dưới cây bỗng gặp một tuổi thơ đang tung tăng ngược lối...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng cây tháng Giêng