Khai bút đầu năm

Nguyễn Trọng Văn| 05/02/2023 06:04

(HNMCT) - Thời tôi học cấp 1 - 2, hễ vào ngày đầu năm, cha tôi lại nhắc mấy chị em khai bút. Tục “khai bút tại gia” ấy xuất phát từ việc cha tôi vốn là “thầy” từ thời Pháp, từng tham gia Hội Truyền bá quốc ngữ hồi trước cách mạng, là thành viên tích cực của phong trào Bình dân học vụ và được Bác Hồ tặng bức chân dung với dòng chữ: “Tặng chiến sĩ ziệt zốt” do chính tay Người viết. Có lẽ vì vậy nên cha tôi rất quan tâm đến việc học, cho dù là vào những ngày Tết.

Tái hiện tục khai bút đầu xuân tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Mới sáng mùng 1 Tết, cha đã gọi chị em chúng tôi dậy. Đánh răng rửa mặt xong, chúng tôi ngồi vào bàn học. Cha tôi yêu cầu mỗi đứa mở vở, lấy bút và nói: “Khai bút đầu xuân để các con luôn nhớ rằng, đầu năm mới nên làm những việc mà các con đang và sẽ làm cho tới khi đi làm”. Cha tôi ít nói nhưng rất nghiêm khắc, đứa nào chểnh mảng là “ăn” một cái củng đầu đau điếng.

Vì đã thành nếp nên từ sáng 30 Tết, cha tôi đã ra đề cho việc khai bút đầu năm. Mỗi năm lại có một đề thích hợp. Tôi nhớ đề của năm 1965, ấy là năm Ất Tỵ - năm con rắn. Cha tôi đứng cạnh bàn học. Ông bảo chị em tôi mở vở ra chép thơ. Sau khi hắng giọng, cha tôi bắt đầu đọc từng câu: “Chẳng phải liu điu cũng giống nhà/ Rắn đầu biếng học lẽ không tha/ Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ/ Nay thét mai gầm rát cổ cha”. Cha tôi đọc trước sự ngỡ ngàng của mấy chị em vì khổ thơ này không liên quan gì đến bài học ở lớp. Mọi năm, cha tôi thường ra đề kiểu như mỗi đứa làm một bài toán cô giáo giao trước khi nghỉ Tết, hay đọc thuộc một bài thơ trong sách giáo khoa. Cũng có năm, cha tôi ra đề chung là luyện viết chữ đẹp. Tất cả những bài “khai bút” đó đều được cha tôi chấm điểm. Tôi là đứa hiếu động, năm nào cũng bị điểm kém nhất.

Bài khai bút năm ấy hơi lạ nên sau khi chép xong khổ thơ đầu, cha tôi dừng lại. Ông đến sau từng đứa rồi cúi nhìn vào vở xem chúng tôi chép có đúng và nắn nót không. Khi đứng sau lưng tôi, cha thường xem lâu hơn vì tôi nhanh nhẩu đoảng nên chữ viết không được như ý. Tôi biết vậy nên co rúm người chờ một cái củng vào đầu, nhưng cha tôi không làm thế. Ông chỉ nhắc nhở: “Viết nhanh, viết đúng, viết đẹp mới là khai bút. Viết cho xong thì cả năm việc học của con sẽ không tiến bộ được. Con có muốn được bạn bè, thầy cô khen ngợi là học sinh giỏi không?”. Tôi đứng phắt dậy, hai tay khoanh trước ngực: “Con xin lỗi. Con sẽ viết lại. Con muốn được là học sinh giỏi cho cha mẹ vui ạ”. Cha tôi cười thành tiếng, lại nói: “Khai bút không chỉ nhắc nhở các con không quên việc học, mà còn là dấu hiệu báo trước các con sẽ có một năm mới học hành tiến bộ. Các con nhớ điều cha nói đấy”.

Rồi cha tôi đứng ở đầu bàn và bắt đầu giảng giải về bài thơ. Thì ra, cha tôi nhân năm mới đã kể cho chúng tôi câu chuyện thời nhỏ của nhà bác học Lê Quý Đôn. Tuy có tiếng học giỏi từ bé nhưng giống như các cậu bé hiếu động khác, Lê Quý Đôn cũng có lúc làm cha mẹ không vui. Bài thơ mà chúng tôi vừa chép là khổ đầu của bài “Rắn đầu biếng học”, xuất phát từ “đề bài” do một vị khách đến chơi nhà giao cho cậu bé Lê Quý Đôn. Chuyện là, ông khách khi đến đầu làng, thấy bọn trẻ con trần truồng nhảy ao hò hét ầm ĩ bèn hỏi thăm nhà của cha Lê Quý Đôn. Nhưng một cậu bé lại “hoạnh họe”, thất lễ khiến ông rất giận và bỏ đi, tự tìm nhà. Ai dè tới nhà mới hay, chính cái thằng bé “hỗn” kia là con trai gia chủ. Biết chuyện, cha của Lê Quý Đôn giận quá, bắt cậu bé nằm lên giường để đánh đòn. Ông khách vội can, xin tha cho cậu bằng cách ra “đề” làm một bài thơ tạ tội. Cậu bé Lê Quý Đôn khoanh tay nhận lỗi và nhanh chóng ứng khẩu đọc liền một mạch bài thơ “Rắn đầu biếng học”. Bài thơ không chỉ nói đúng “chuyện” của cậu bé mà còn đưa được tên của một loài rắn trong mỗi câu thơ. Hơn nữa, bài thơ lại như một lời hứa chăm học của cậu bé hiếu động. Mấy chị em chúng tôi nghe cha tôi giảng giải thích quá, bèn đề nghị cha tôi cho chép hết bài thơ: “Ráo mép chỉ quen tuồng lếu láo/ Lằn lưng cam chịu vệt dăm ba/ Từ nay Trâu, Lỗ xin siêng học/ Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia”. 

Tục khai bút ấy được cha tôi duy trì cho đến khi chị em chúng tôi lớn lên phương trưởng. Thì ra cha tôi yêu cầu chị em chúng tôi khai bút để không vì nghỉ Tết mà quên việc học hành, mà còn bởi mỗi lần khai bút, ông lại khéo léo dạy dỗ giúp chúng tôi nhớ lâu. Những bài học luân lý không bị khô khan, nhàm chán bởi cha tôi đã lồng vào những câu ca dao, tục ngữ có tính giáo dục phù hợp với độ tuổi. 

Nhiều năm trôi qua, cha tôi đã về với tiên tổ, nhưng mỗi năm Tết đến xuân về, tôi vẫn nhớ và duy trì tục khai bút. Tôi thường lấy những điều năm cũ chưa đạt được để khai bút, coi như là cách phấn đấu đến thành công trong năm mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai bút đầu năm