Mùi của Tết

Thu Hằng| 21/01/2023 12:39

(HNM) - Tết là một dịp để sống chậm lại và suy ngẫm về những giá trị cũ, mang tính truyền thống. Có lẽ vì thế mà khi đã xấp xỉ ở tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”, dù không còn phấn khích như lũ trẻ con được mặc quần áo mới, được lì xì mừng tuổi, tôi vẫn chờ mong đến Tết để được thấy ký ức tuổi thơ trở về, giữ mãi cho mình những ấm áp, thân thương...

Những ngày này, tôi thường bắt gặp trong không gian những mùi hương của ký ức. Với lũ trẻ chúng tôi, Tết bắt đầu nổi vị từ sau rằm tháng Chạp. Gần Tết, không khí nhộn nhịp với người đi ngoài phố đông hơn, những gánh hàng hoa từ ngoại ô đã tràn vào thành phố. Hương hoa mùa giáp Tết nồng nàn quyến rũ, như thiếu nữ Hà Nội căng tràn sức sống... Nhưng có ba thứ mùi độc đáo của mùa Tết vẫn ám ảnh tôi đến tận bây giờ.

Mùi bánh chưng mới luộc thơm ngon bốc khói...

Thời bao cấp, dù thiếu thốn nhưng Tết đến thì nhà nào cũng phải lo nồi bánh chưng. Không có bánh chưng thì không ra không khí, phong vị Tết. Cả nhà cùng chăm chút. Củi phải để dành, phải gom từ rất lâu. Rồi ngày sát Tết, hai chị em tôi rộn ràng rửa lá dong, ngâm gạo, đãi đỗ xanh; còn mẹ đi xếp hàng từ sớm tinh mơ để mua được thịt ưng ý về gói bánh. 

Bánh gói xong, bố nhóm bếp bắc nồi luộc bánh. Bên nồi bánh chưng, cả nhà quây quần trong không gian ấm áp của gian bếp, mặc cho bên ngoài gió bấc thổi ù ù. Bố bảo luộc bánh lửa phải đều, nước vừa cạn phải chêm ngay thì bánh mới rền, mới ngon. Bên bếp củi đỏ rực, sôi lục bục, mấy chị em tranh thủ nướng ngô, khoai cho đậm đà những câu chuyện thủ thỉ trong đêm.

Rồi khi bánh được vớt ra, mùi lá dong quyện mùi gạo nếp, mùi đậu xanh chín, mùi thịt lợn ướp tiêu hành, mùi khói bếp, hơi nước từ nồi bánh đang sôi tỏa ra một mùi thơm “tổng hợp” của Tết. Với tôi, cái mùi no ấm thiêng liêng này là khởi sự cho thời khắc trọng đại của năm mới. Vì thế, miếng bánh chưng bóc ra đầu tiên, nóng hổi là miếng ngon nhất, thơm nhất trong cả kỳ Tết.

Mùi hương thơm nước mùi già...

Ngửi thấy nước mùi già là đã thấy Tết ập bên ngoài cửa sổ. Chừng độ dăm ba ngày trước tất niên, trong rộn ràng âm sắc mùa xuân, khi giá lạnh đã tràn về mọi nẻo, làn mưa bụi ẩm ướt làm vương trên không gian những sợi tơ trời, là lúc các chợ bắt đầu bán lá mùi già. Mẹ thường dắt tôi ra chợ mua sẵn vài bó, về phơi một hai buổi dưới gió bấc, nắng hanh cho mùi già héo đi.  

Vào cuối chiều tất niên, khi mọi việc dọn dẹp tạm xong, mẹ đun một nồi nước mùi già để cả nhà tắm gội. Tắm nước lá mùi vào chiều ba mươi có ý nghĩa như một nghi thức thanh tẩy tinh thần.

Tôi cảm nhận đó là thứ hương của đất, cho ta một sức sống diệu kỳ để tiếp tục hành trình cùng vòng tuần hoàn của vũ trụ. Và mùi hương ấy cứ phảng phất trên da, trên tóc vừa dễ chịu, vừa thanh khiết mà không có thứ dầu gội, xà phòng tắm nào sánh được.

Mẹ cũng thường đun một nồi nước mùi già để xông nhà. Khi nồi nước sôi sùng sục, mẹ tắt bếp, mở vung để khắp nhà tràn ngập mùi thơm ấm áp này. Khi nước nguội, hương đã nhạt thì mẹ cho thêm vỏ bưởi khô vào đun cùng để không gian lưu hương thơm mãi. Bây giờ chỉ cần nghĩ đến Giao thừa là mũi tôi lại xộc lên vị cay ấm của hương mùi già và mùi thơm nồng của nhang khói.

Từ ngày ra ở riêng sống xa mẹ, trong chiếc làn đi chợ cuối năm, tôi không bao giờ quên mua những bó mùi già để mỗi chiều tất niên, mùi hương của nó lại tỏa thơm ngào ngạt, để tôi lại được hít thật sâu vào lồng ngực cảm nhận năm mới đang đến thật gần và nhớ mẹ nhiều hơn.

...và mùi pháo Tết

Ngày ấy, mỗi hộ gia đình chỉ được mua một bánh pháo theo bìa tem phiếu. 12h đêm Giao thừa, nơi nơi rộn trong tiếng pháo báo hiệu xuân về. Trong lúc mẹ thắp hương lên ban thờ thì bố lấy phong pháo treo lên thanh xà trước hiên nhà và đốt. Những lần đốt pháo đón Giao thừa như thế, chị em chúng tôi vừa sợ, vừa thích thú nhìn từng quả pháo chớp lòe rồi nổ tung, xác pháo hồng bay rải khắp sân, khói mù mịt, hơi ngào ngạt. Mùi thuốc pháo ấm nóng, nồng nồng, thơm thơm, bay ra lan tỏa làm cho mọi người rộn ràng hẳn lên…

Sang thời mở cửa, phong tục này đã bị biến tướng, dẫn đến có quá nhiều những vụ tai nạn liên quan đến pháo. Vì thế, Nhà nước phải ban hành chỉ thị về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo nổ.

Dù rất nhớ mùi pháo, nhưng tôi ủng hộ quyết định này và cảm thấy rất vui khi Giao thừa bây giờ mọi người được xem bắn pháo hoa. Những màn pháo hoa rực rỡ đã làm nên bầu không khí lễ hội tuyệt vời, đem đến niềm hân hoan như là lời chúc cho những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới.

“Nguyệt thị cố hương minh” là một câu thơ của Đỗ Phủ với ý rằng ở quê nhà trăng lúc nào cũng sáng. Có lẽ vì đó là thứ ánh sáng soi rọi mọi ký ức của miền thơ ấu, thấm sâu vào trái tim và lưu giữ trọn vẹn trong đời người. Mùi hương cũng vậy, đây là thứ hiển hiện rõ ràng nhất trong ký ức mà bất cứ khi nào chạm đến lại ùa về, như thể những câu chuyện ngày xưa chưa từng bị cất xuống những tầng sâu.

Một mùa xuân nữa đang đến thật gần. Hương vị Tết cho dù có thay đổi theo thời gian và hoàn cảnh khác nhau, song trong tôi vẫn luôn nồng nàn, ấm áp...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mùi của Tết