Nỗi nhớ giăng tơ

Tản văn của Thái Hương Liên| 19/01/2023 14:48

(HNMCT) - Từ rằm tháng Chạp, công cuộc dọn dẹp nhà cửa được bắt đầu khi mẹ tôi mua về một cái chổi có cán rất dài. Cây chổi ấy là để quét mạng nhện trên tường, trên mái của mấy gian nhà ngói. Tết đã sắp đến.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Tôi không hiểu lũ nhện ẩn nấp ở đâu mà chúng giăng tơ nhanh đến thế, chỉ sau mấy nhát khua mà chổi đã vương đầy mạng nhện. Những cái lưới ấy được đan rất đẹp làm tôi nhiều lần tay cầm chổi nhưng lại mất hàng giờ để đứng xem nhện đan lưới. Lũ nhện bé tí nhìn thì yếu ớt vậy thôi nhưng chúng khéo léo và làm việc chăm chỉ kinh khủng. Cái bụng tròn vo chứa đầy tơ đi tới đâu là sợi tơ kéo ra dài tới đó, nhìn nó tôi cứ nghĩ đấy là một người thợ dệt điêu luyện, chỉ một lúc là có ngay tấm lưới bẫy lũ ruồi muỗi lớ ngớ bay qua. Lưới nhện giăng bất chấp không gian, dù xa gần hay rộng hẹp. Mỗi cái lưới một hình dáng nhưng đều hoàn hảo và đẹp lạ lùng. Dọn nhà đón Tết, những tấm lưới bám đầy kẽ ngói làm chúng tôi mệt nhừ, đầu tóc mặt mũi dính đầy bụi vì phải ngỏng cổ quét mãi mà chưa hết. Phải cố sức quét cho sạch bóng vì mẹ tôi bảo nhà ai để nhiều mạng nhện bám thì năm mới sẽ nghèo lắm, mà tôi thì không muốn nhà mình nghèo tí nào cả.

Bởi thế tôi chẳng ưa gì lũ nhện, kể cả những con nhện chân dài giăng lưới rất đẹp ấy. Bọn chúng có những cái chân mảnh khảnh dễ bị gãy rời, nhiều khi gãy rồi mà vẫn cử động, nhìn giống hệt chiếc kim giây đồng hồ giật giật không biết mệt mỏi. Nhện có nhiều loại, con thì chân ngắn nhưng chạy rất nhanh, con thì mắt lồi, chân đen sì đầy lông lá hay leo trên cột nhà. Lại có con ôm trước bụng một bọc trứng khổng lồ màu trắng. Nhiều lần tôi thấy lũ nhện con đã nở mà nhện mẹ vẫn giữ khư khư cái bọc trắng rỗng không trước bụng. Tôi nghe thằng Còi bảo những con nhện cắp trứng đó là một vị thuốc tốt, bắt về nướng lên ăn có thể chữa được bệnh “dấm đài”. Chả thế hôm trước tôi thấy mẹ nó sang hàng xóm tìm bắt những con nhện ấy. Chắc có lẽ thằng Còi mắc “bệnh” này cũng nên.

Chỗ gốc cau gần cây ổi thường xuyên có một con nhện chân ngắn miệt mài làm việc, thân mình nó tròn lẳn nhưng cực kỳ nhanh nhẹn. Con nhện này vô cùng siêng năng, mỗi khi tấm lưới bị rách là nó đến vá lại tinh tươm ngay tức khắc. Tôi không biết bằng cách nào mà nó có thể giăng sợi tơ đầu tiên vắt từ cây cau sang tận cây ổi để có thể tạo ra một tấm lưới rộng đến thế. Hôm nào cũng vậy, tấm lưới mang lại cho nó rất nhiều chiến lợi phẩm, chủ yếu là ruồi và muỗi. Tôi đoán nó phải có một cái kho lớn để cất mồi chứ làm sao có thể ăn hết một lượng lớn thực phẩm như thế. Hoặc giả nó còn một bầy con nhỏ đang chờ mang đồ ăn về cũng nên. Chính con nhện này đã lấy mất của tôi khá nhiều thì giờ học bài ở nhà khi mải ngắm nhìn nó giăng lưới. Thật tình cờ, tôi phát hiện ra con mướp nhà mình cũng có sở thích y như tôi, nó cứ ngồi thu lu trên nắp chum tương chăm chú dõi theo từng vòng dệt lưới của con nhện. Có lần ngắm chán chê, nó trèo hẳn lên thân cau, lấy chân khều khều những sợi tơ mảnh dẻ như muốn thử độ bền của tấm lưới. Kết quả là cái lưới rách tan, còn con nhện hốt hoảng leo vội sang cây ổi thoát thân. Bữa ấy, đám ruồi muỗi mắc trên lưới cuốn vào khiến mặt mũi con mướp nhọ nhem, nó phải liếm láp đôi tay rửa mặt mãi mới sạch.

Những con nhện lớn có nhiều cặp chân to, thân mình mang màu sắc tía pha xanh óng ánh thường chỉ có ở cây bưởi ngoài vườn. Sợi tơ mà chúng giăng ra cũng chắc, dai và nhiều chất dính hơn nên ngoài ruồi muỗi còn có những con bướm to tướng bị vướng vào, không thể thoát ra được. Lũ nhện này rất hung dữ, khi thấy con mồi bị mắc lưới, chúng nhanh chóng dùng hàm răng sắc khỏe cắn và dùng những đôi chân lông lá bắt chặt lấy con mồi lôi về tổ...

Một bữa đang chơi, tôi thấy một con bướm màu sắc sặc sỡ bị mắc lưới giãy giụa, con nhện óng ánh màu xanh tía thì đang nấp trong cái tổ cuốn tròn từ chiếc lá bưởi giương đôi mắt lồi dữ tợn nhìn ra. Tự nhiên tôi thấy thương con bướm và ghét con nhện kia kinh khủng, tôi lấy cành củi khô phá cái mạng nhện giúp con bướm bay đi. Khi về nhà, tôi phấn khởi kể lại cho bố nghe việc mình vừa giúp con bướm sặc sỡ thoát chết, bố tôi cười bảo, con bướm đó sẽ đẻ ra những con sâu xanh lét gớm ghiếc ăn trụi cả tán lá bưởi và những con sâu đó chính là thủ phạm làm cho tôi bị ngứa ran như phải bỏng mỗi khi chạm phải. Lúc tôi biết điều này thì con bướm kia đã sinh ra những con sâu xanh rồi cũng nên. 

Suốt thời thơ ấu, gia đình tôi vẫn nghèo như bao gia đình trong xóm có thể bởi lũ nhện cứ giăng tơ để tôi quét mãi không hết được cũng nên. Những tấm lưới vương khói bếp chiều hôm và rắc trên mình những hạt ngọc sương trong suốt của buổi ban mai xưa cũ vẫn cứ giăng trong lòng tôi mãi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi nhớ giăng tơ