Bóng người trong mưa

Phạm Giai Quỳnh| 03/09/2022 17:39

(HNMCT) - Tiết Trung thu thong thả đến trong những cơn mưa dai dẳng. Đã có mấy nhà lục tục làm bánh sên nhân, nhà kỹ tính thì phải chuẩn bị trước ngày rằm cả tháng để có được những chiếc bánh ngon. Cây ngọc lan vàng lại nở rộ ngoài cửa sổ, tôi châm một điếu thuốc nhưng không hút, tưởng tượng sắc hoa qua làn nước dày đặc, sau đó đuổi con ốc sên đang cố bò qua song sắt để vào phòng, kéo cánh cửa lại.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Trong tiếng mưa rả rích, tôi như ngửi thấy nơi vòm không lành lạnh có hương khói bếp quen thuộc. Khói tỏa ra từ vài thanh củi ẩm, thoạt tiên khiến người ta cảm thấy hơi cay mắt, phải tới một lúc sau mới có thể nỏ lửa, bọt nước rỉ ra ở hai đầu thanh củi. Còn nhớ cách đây hơn mười năm, cũng vào thời điểm này, bão ập về cô lập cả ngọn núi nơi tôi sinh sống. Trời giông gió, nếu có củi khô để đốt thì là một điều may, còn không đành bắt vạ với giời, than rằng sao ông cứ để thần Mưa ngang nhiên đến thế.

Mưa dầm dễ đánh được cá sặc bùn, cá mua rẻ như cho. Ông tôi thường bỏ vào kho với nước dưa chua, mấy lát ớt, sau khi cá chín thì lại cời than ở cửa bếp ra để cho âm ỉ, cứ vậy là một nồi cá có thể ăn được cả một tuần. Bà tôi khéo tay, ủ rau dưa, cà mà nước muối trong và thơm, có mấy bận tôi đi học về vì háo nước nên thường lấy nước dưa chua đó chan với cơm, lùa nhanh rồi buổi chiều lại đến trường. Nhưng chẳng hiểu sao cũng bằng đấy nguyên liệu và vẫn cách làm ấy, vào tay tôi thì dưa cà nếu chẳng khú thì cũng không ngon.

Ngày tôi còn nhỏ, ông tôi dựng nhà cũ ở lưng dốc, đường gập ghềnh đầy sỏi đá thường bị các xe tải chở hàng xén hoặc măng nứa cày bửa lên, nom chẳng khác ruộng là bao. Nhất là khi mưa xuống, nước và đất hòa thành một thứ bùn nhão. Sau nhà là con suối mà bây giờ đã cạn đi nhiều. Ngày ấy lòng suối rộng mọc đầy lau sậy, cỏ đá cũng có vẻ đáng yêu riêng, nhìn con suối rộng mà cứ tưởng sông. Ông tôi từng cõng tôi đi qua suối để vào bản ăn cỗ. Những năm đi học ở thị trấn, tôi phải quấy mãi mới lấy được của ông một cánh áo nâu, có như vậy đêm nằm ngủ một mình mới an giấc.

Xung quanh nhà tôi lác đác vài nóc nhà của người Dao, hễ đi vào rừng tìm được món gì là hàng xóm lại đùm túm đi chia cho mọi người. Khi thì rau, nấm, khi thì thịt lợn rừng hoặc thịt bê tươi. Đổi lại, nhà tôi hay bán chịu lúc chai nước mắm, lúc gói mì chính hoặc bánh xà phòng. Núi đồi quạnh quẽ vắng bóng chân người. Chốc chốc lại có thể thấy một con rắn trườn qua đường, tiếng chim lách chách trên mái. Nhà thắp nến và đèn dầu, màn thủng lỗ chỗ vì thỉnh thoảng dính phải tàn thuốc hoặc bị đóm lửa vảy vào. Ông tôi luộc măng đêm còn tôi trải bao tải xanh cạnh bếp xem ông làm việc, nhưng một chốc sau đã ngủ quên mất. Bên bếp thỉnh thoảng om một lon cá suối với rau rừng, có khi là cá mắm và rau răm, cũng có lúc các tài xế lái xe đường dài ghé chân vào nghỉ ngơi và ăn cơm chung với nhà tôi. Ông tôi yêu thương con cháu nhưng nghiêm khắc và không giỏi thể hiện ra bằng lời nói, dần dà tính của tôi cũng như vậy, chỉ đành lấy bút mực như một cách thể hiện đạo hiếu.

Nhà văn Trương Trào từng nói: “Mùa thu mưa nên lục những đồ cất trong rương”. Ở phố lâu ngày chẳng có rương, đành mở vò rượu đục thưởng hương thơm nồng ngọt, lần hồi vào chiếc rương ký ức thơ ấu, và chuẩn bị đồ đạc để về núi...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bóng người trong mưa