Trong dài ngắn cuộc người

Hoàng Đăng Khoa| 26/06/2022 05:39

(HNMCT) - Alan Lightman, trong cuốn sách “Những giấc mơ của Einstein”, có viết, đại ý rằng khi sự vận động của con người không lường trước được thì sự vận động của thời gian lại lường được, rằng trong lúc con người vùi đầu suy tính thì thời gian cứ nhảy về phía trước không hề ngoái lại.

Ngõ nhỏ Hà Nội. Ảnh: Cao Anh Tuấn

Trong ngắn ngủi dằng dặc của một cuộc người, thử hỏi bao nhiêu suy tính dự định được hiện thực hóa, hay chính cái cuộc người kia sau cuối vẫn cứ là một file có tên dự thảo treo ở desktop cuộc đời?

Mỗi lần đi trên đường Giải Phóng (Hà Nội), ngang qua Bệnh viện Bạch Mai, tôi lặng đi khi nghĩ về ba tôi, vì đây là điểm đến duy nhất, trong chuyến trở lại Hà Nội đầu tiên cũng là cuối cùng của ba, sau 35 năm xa Hà Nội.

Đến bây giờ, tôi vẫn rất khó hình dung, một cậu bé 13 tuổi, là con thứ 10 (con út) trong một gia đình nông dân nghèo, ở một làng công giáo nghèo đất Quảng Bình, lại có thể một mình khăn gói quả mướp ra tận Hà Nội để học cấp ba, rồi học tiếp Đại học Sư phạm, sau đó trở về quê nhà dạy học.

Tôi nhớ như in, vào đầu những năm 1980, tức là khoảng 20 năm sau khi ba tôi xa Hà Nội, một hôm ba từ trường đạp chiếc xe Thống Nhất về, hoan hỷ như một đứa trẻ, báo tin rằng ba được trên duyệt suất đi nghỉ mát ở Hà Nội. 

Khi hành lý của ba tôi đã đâu vào đấy thì đùng cái trên lại thông báo hoãn chuyến đi. Ba thở dài, không ngăn được sự tiếc rẻ. Rồi cuộc sống khó khăn cứ thế cuốn đi. Một hôm ba xoa đầu tôi và bảo, khi nào thằng cu này học xong cấp ba thì hai cha con ta ra Hà Nội, ba vừa đi chơi vừa đưa con đi thi đại học. Những ngày nghỉ hè nhớ lớp nhớ trường, tôi lò dò bò lên cây khế đầu hồi, phóng tầm mắt qua mấy cánh đồng để chờ nhìn đoàn tàu như con rắn từ Hà - Nội - về trườn vào ga Minh Lệ, và nôn nao chờ xong lớp 12 để cùng ba ra Hà Nội.

Khi tôi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp thì ba tôi ngã bệnh. Thay vì đi Hà Nội thi đại học như bao năm dự tính, tôi vào Huế thi. Ở Huế có anh tôi, chứ ba trọng bệnh thì tôi không tự tin một mình xoay xở 4 năm nếu đỗ đại học tại Hà Nội. 

Ngày tôi vào Huế nhập học, ba tôi bệnh trở nặng và phải chuyển ra Bệnh viện Bạch Mai. Và có ai ngờ, đây là chuyến trở lại Hà Nội lần đầu tiên và cũng là cuối cùng của ba, sau 35 năm xa Hà Nội.

Đời người thì ngắn mà dãy dự tính thì dài, đa phần trong dãy này là chủ nhân không thực hiện hoặc mất cơ hội thực hiện.

Nơi desktop máy tính bàn của tôi có một file lớn tên là "DỰ THẢO", trong đó gồm rất nhiều file nhỏ như “Thơ dự thảo”, “Truyện ngắn dự thảo”, “Phê bình dự thảo”, “Tiểu luận dự thảo", “Tản văn dự thảo”, “Tự truyện dự thảo”... Tôi chờ cảm hứng đến, bởi nghĩ, ý tưởng nào đã găm vào hồn mình thì sẽ tự đầy dần lên, một khi đã sắp tràn thì khó mà cưỡng lại, không thể không gõ phím; ý tưởng nào một khi đã chết lâm sàng ngay sau khi khởi sinh, nếu cố đấm ăn xôi thì chữ cũng chỉ được một nhúm rạc rời như cơm nguội đáy nồi mà thôi. Rồi trong đầu tôi là bao nhiêu dự định bên ngoài văn chương chữ nghĩa...

Gần đây, tôi đọc được trong một bài trả lời phỏng vấn, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói: “Tôi sợ nhất là tuổi tác thời gian. Anh có thể có cấu trúc tiểu thuyết rất lớn, có tư tưởng đồ sộ nhưng lúc mệt mỏi già nua sẽ không còn thực hiện được. Chỉ còn phác thảo. Sợ nhất là đến một lúc tất cả mọi thứ đều trở thành phác thảo. Kể cả tình yêu cũng trở thành phác thảo, văn chương cũng trở thành phác thảo, mọi dự định đều trở thành phác thảo... Phác thảo là một sự thất bại rất lớn. Phác thảo với tư cách là khởi đầu thì nó tuyệt vời. Nhưng nếu không thành cái gì thì nó là sự thất bại”.

Kể từ khi đặt chân lên phố phường Hà Nội năm 13 tuổi cho đến khi đặt lưng lên giường bệnh của Bệnh viện Bạch Mai năm 60 tuổi, ba tôi thành công hay thất bại? Tôi không biết. Chỉ biết là, như một sự quy hồi huyền nhiệm, tôi đang nối dài giấc - mơ - Hà - Nội của ba tôi. Và, dẫu tôi có sống gấp đôi con số 60 đi chăng nữa, có tận tụy bao nhiêu đi chăng nữa, thì file dự thảo lớn đời tôi vẫn cứ dang dở. 

Nhà thơ Quang Huy từng kết lại thi phẩm "Hư vô giàu sức phản tỉnh" như sau: "Gắng ngồi viết cạn bài thơ/ bài thơ rồi cũng hư vô như mình". Có thật không, con người và các thành phẩm lao động sáng tạo vật chất lẫn phi vật chất của mình rốt cục đều là hư vô giữa lễ hội đời? 

Suy cho cùng, đời chẳng ngắn chẳng dài, mà đời là đời thôi. Trong lúc con người lẩn thẩn ngồi tự vấn thì đời cứ bình thản minh triết chảy trôi về phía trước. Không hề ngoái lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trong dài ngắn cuộc người