Viết cho tháng tư

Nguyễn Minh Hoa| 28/04/2022 09:08

(HNMCT) - Tháng 4 năm ấy, cây bưởi góc sân chẳng còn hoa rụng, trên cành đã lấp ló quả non. Tháng 4 về trong niềm vui hân hoan của các bà mẹ mong ngóng đứa con đi trong đoàn quân chiến thắng trở về.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Chiến tranh không chỉ ở chiến trường, mà hiện diện khắp nẻo quê hương. Ngày cuối tháng 4 năm ấy ngưng tiếng súng, mẹ đón con, vợ đón chồng, con gặp cha. Mùa cưới năm ấy bao chú rể mặc nguyên quân phục đón người yêu về căn buồng hạnh phúc sau những đợi chờ, lo lắng. Họ đã đi qua cuộc chiến, vượt qua cái chết để về bên nhau.

Sau tháng 4 năm ấy, có những người trở về mới vụng dại yêu, khi đám bạn cùng trang lứa yên ấm cả rồi. Đôi khi có người không dám, không thể vượt qua mặc cảm. Mới có mấy năm mà một người như hoa đến độ, còn mình giờ đã thành tàn phế. Đã định im lặng, tự an ủi “mối tình đầu thôi mà”. Nhưng khi người con gái đã chọn anh, người ta sẽ chung thủy. Trong suốt thời gian chiến tranh, có một tình yêu thủy chung đã sưởi ấm tâm hồn anh và luôn chờ đợi đoàn tụ, hạnh phúc cùng anh.

Mùa xuân trở lại khắp nẻo non sông, nhưng có những người phụ nữ tuổi xuân không trở về. Ngày thăm thẳm, mùa trải ra những nóng lạnh nối nhau. Bộ quân phục gấp nếp, một năm mặc vài lần khi gặp đồng đội. Hết chiến tranh nhưng mất mát còn đây, nóng hổi, ngay cả khi đôi mắt đã mấy lần thay kính. Chị ở vậy, lỡ thì, chiến tranh đi qua duyên phận.

Chùa bên sông, tiếng chuông tiếng mõ vang đều bất kể nắng mưa. Từ ngày thầy về chùa, thời gian đã đủ để cây thành cổ thụ. Đã lâu rồi thầy không còn khóc vì cô đơn, hay vì lý do gì đó nữa. Chốn này bình an, thế là đủ để đi nốt quãng đường đời. Nhưng khi tháng 4 vắt sang mùa, đồng đội cũ bảo nhau trở lại. “Không biết thì đành, chứ biết là phải về đây, trước là vãng cảnh, lễ Phật, sau là đồng đội nhìn thấy nhau”. Ngày còn bom đạn đã hẹn, hết chiến tranh nhất định về quê nhau, thăm thầy u, dự đám cưới. Thế mà giờ có người con đàn cháu đống, có người vẫn lẻ bóng thế này, không tìm nhau sao được.

Tháng 4, với nhiều nhà nỗi đau vẫn còn đây. Nếu không có chiến tranh, ông ấy không thương tật, nhà sẽ được xây mới, đồng ruộng, vườn tược có thêm bàn tay rắn rỏi chăm lo. Con cái sẽ lớn khôn, đến tuổi là dựng vợ, gả chồng, đằng này... Nhưng thôi, còn yêu thương nhau đến giờ là đủ, còn đồng đội, còn con cái bên nhà, còn họ mạc, xóm làng, đoàn thể, đừng nghĩ nữa mà buồn...

Tháng 4, đã mấy mươi năm, tóc mẹ không bạc hơn được nữa. Chuyện hôm nay, chuyện gần đây mẹ quên hết cả rồi. Nhưng mẹ nhớ tháng 4 năm ấy, rồi đến cả tháng 4 năm sau và đến tháng 4 bây giờ con mẹ vẫn không trở về. Người trong làng, người xã bên đã về cả, có đứa thương tật, có đứa lên cấp chỉ huy, cũng có đứa dăm năm trước mẹ cùng bà con đi đón về nghĩa trang liệt sĩ, cờ Tổ quốc bọc vuông vức, thương lắm! Thế mà con mẹ vẫn bằn bặt, chẳng tin tức gì, không biết nằm lại nơi nao. Nhiều lúc nhớ con quá, mẹ mong giời sớm gọi mẹ đi, chỉ có cách ấy mới gặp được con...

Nắng mới rồi, chói cả mắt, chẳng mấy mà vào vụ tháng 5. Mẹ nhớ 16 tuổi con đã thạo cày bừa, nhổ mạ khéo lại còn cấy nhanh, cấy thẳng, nhìn con làm ruộng ai cũng bảo, sau này cô nào có phúc mới lấy được con. Thế mà, hết chiến tranh, cách này cách kia con người ta đã về cả, nhưng con mẹ mãi không về. Tháng 4, tháng 7, Tết, hội làng, hay ngày nào cũng được, nhớ là mẹ vẫn chờ con về đấy nhé!

Tháng 4, tôi viết, kể về nỗi đau của những người mẹ mất con, và xin được cùng bao người nói lời biết ơn những bà mẹ.

Tháng 4, tôi viết cho chị, cho anh. Khi tóc đã vương sợi bạc, khi những buồn đau đã trải, chị có anh, một người lính già trung thực và yêu chị. Chị tặng anh tất cả tình yêu đang có, còn anh bảo: “Anh chẳng có gì cả, ngoài em”. Đó phải chăng là tình yêu, là hạnh phúc, là điều mà chúng ta vẫn đang kiếm tìm và chờ đợi.

Tháng 4, sau tất cả những mất mát, thương đau là thật nhiều hạnh phúc!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Viết cho tháng tư