Buồn vui quanh máy nước công cộng

Nguyễn Năng Lực| 20/02/2022 05:09

(HNMCT) - Bây giờ sống trong căn hộ mà chỗ nào cũng có vòi nước sạch, từ vòi sen, vòi lavabo đến vòi xịt toa lét, vòi chậu rửa bát, lại cả vòi máy lọc nước, chưa kể vòi nước ngoài ban công để tưới cây..., tôi lại càng nhớ đến những ngày cả ngàn người chung nhau một cái máy nước công cộng với bao chuyện buồn vui. Mà lạ, chuyện vui là chính, dù rằng có lúc xung đột dữ dội, bươu đầu mẻ trán cũng chỉ vì tranh giành nhau ở máy nước công cộng.

Những câu chuyện buồn, vui quanh máy nước công cộng thực sự là những nét chấm phá tiêu biểu của bức tranh Hà Nội một thời gian khó. Ảnh: Tư liệu

Tôi sinh ra dưới hàng cây sao đen vào đầu những năm 1950. Gia đình tôi sống tại một khu phố nghèo ở ven cái quầng sáng của trung tâm thành phố. Tuổi thơ tôi gắn liền với những cuộc đổ dế, bắt ve, những chuyến trốn nhà ra bến Phà Đen bơi lội trong dòng nước đỏ ngầu phù sa, xem người lớn vớt củi rều. Ngày ấy, nhà nào cũng có một cái chum, cái vại hay oách hơn là cái thùng phi đựng nước. Tắm táp, giặt giũ, rửa rau vo gạo, tất tần tật nhu cầu hằng ngày trông vào những chum, vại, thùng ấy.

Cả hai khu Thúy Ái 1 và Thúy Ái 2, gọi là khu nhà viện trợ Mỹ, có hàng trăm gian cấp 4 mái lợp tôn rộng chừng hơn hai chục mét vuông, có gian hai hộ ngót chục người ở chung, ngăn bằng tấm liếp mỏng thủng lỗ chỗ. Hàng ngàn nhân khẩu lớn bé già trẻ chỉ có nguồn cấp nước duy nhất là vòi nước công cộng ở ven đường Lương Yên. Vì thế, lấy nước là một kỳ công, nhưng cũng là dịp để bọn trẻ con thích thú chơi đùa trong khi chờ đến lượt. 

Lên 7 tuổi tôi đã phải gánh nước. Nhà có đôi thùng tôn đen, cái móc xích phải làm thêm móc phụ ở giữa, đòn gánh đóng thêm hai cái đinh để móc xích khỏi tuột ra đầu đòn, quá dài thì thằng bé không điều khiển nổi. Mỗi khi gánh nước, tôi móc cái móc phụ vào đinh thùng, chùng chân nhấc gánh lên vai, thõng thượt đi hàng trăm mét ra máy nước. Ngày nào thằng bé cũng làm vài ba chuyến, mỗi bên chỉ lấy non nửa thùng, ì ạch gánh về. Sau này lớn lên dần, thùng nước cũng đầy thêm nhưng chưa bao giờ tôi đủ sức gánh hai thùng đầy.

Năm tôi học lớp 5, trong dịp nghỉ hè, bạn Thư cùng lớp xin được cho mấy đứa làm công nhật phụ việc cho công trường xây dựng cửa hàng lương thực Thúy Ái. Bọn tôi háo hức lắm, chăm chỉ làm việc để được nhận đồng tiền thù lao ít ỏi nhưng vô cùng ý nghĩa. Cửa hàng xây xong, máy nước công cộng ở ngay đầu nhà, dưới bóng cây phượng mát rượi. 

Khu tôi ở có nhiều đứa ngỗ ngược, đánh nhau, ăn cắp vặt, móc túi ngoài chợ, nhảy tàu điện, nhưng cũng có những đứa tuy ngỗ ngược nhưng rất “quân tử”. Ở máy nước có thằng Thanh “khuyên” là chúa trùm. Gọi là Thanh “khuyên” vì một bên tai nó được bố mẹ đeo cho cái khuyên bạc từ bé, chắc là để cho dễ nuôi. Thanh lớn hơn tôi 4 - 5 tuổi, chuyên bắt nạt bọn bé hơn. Tôi vốn học giỏi, năm nào cũng được nhà trường khen thưởng. Có lần đứng chơi với nhau, một đứa chỉ vào tôi bảo "thằng này học giỏi lắm", Thanh “khuyên” lừ lừ nhìn, "chắc lại nịnh hót chứ gì", thằng kia cãi, "không, nó không thế đâu". 

Để lấy được nước, phải xếp hàng, cả dãy thùng dài dằng dặc, có lúc dài quá, lấn cả ra đường, người ta phải xếp hàng đôi. Trong lúc chờ đến lượt, bọn trẻ túm tụm nói chuyện “ba chi khơ”, chọc những cánh hoa phượng trên cao, mút cái chất ngòn ngọt ở giữa nhụy hoa, có lúc nhai thử cánh hoa chua chua, cũng thú vị. Được cái vòi nước thường chảy khá to, cứ ào ào, chả mấy chốc mà đầy thùng. Những hôm mất nước, tôi lại phải thất thểu gánh đôi thùng không về.

Hôm ấy, sau khi chờ cả nửa tiếng đồng hồ, đôi thùng của tôi cũng được đẩy đến sát vòi nước. Tôi đưa thùng vào hứng, chợt một bàn tay khỏe mạnh lôi cái thùng của tôi ra, là thằng Thanh “khuyên”. Nó giật chiếc thùng của tôi ra ngoài để đưa thùng của nó vào. Một cuộc tranh giành dữ dội xảy ra. Tôi đỏ mặt tía tai, ghì chặt đầu gối giữ thùng của mình lại, thằng Thanh cố hết sức kéo ra, vừa kéo vừa đe dọa. Cuối cùng, không chen ngang được, nó để cho tôi lấy xong hai nửa thùng nước. Vừa móc xích, cất gánh lên vai, tôi chợt nghe tiếng cười của bọn trẻ con ré lên. Ngoảnh lại, tôi thấy thằng Thanh “khuyên” đang vốc bùn từ vũng nước thả vào thùng nước sạch mà tôi đã phải mất bao công chờ đợi, mất bao công tranh giành với nó mới có được. Thùng nước đục ngầu. 

Quá uất ức, tôi thả đôi móc xích ra, hai tay nắm chặt một đầu đòn gánh, vung lên cao, nhằm đầu thằng Thanh bổ xuống. Chiếc đòn gánh vẽ một vòng cung lao chéo xuống. Thằng Thanh nghiêng đầu tránh, chiếc đòn gánh sượt qua tai, giáng trúng cánh tay nó. Lúc ấy, tôi chẳng nghĩ ngợi gì, chỉ vì uất ức quá nên phản ứng lại cho hả giận. Thằng Thanh ôm cánh tay đã sưng vù, nhìn tôi ngỡ ngàng. Tôi thầm nghĩ phen này mình no đòn với nó, nó lớn hơn mình, khỏe hơn mình, lại có tiếng là đầu gấu, mình làm sao đọ được. Hai tay tôi vẫn lăm lăm cái đòn gánh, sẵn sàng chống cự, nhưng bụng đã run lắm rồi. Trong lúc tưởng như đã bị dồn vào bước đường cùng, sẵn sàng chấp nhận một cuộc quyết đấu không cân sức trong tuyệt vọng, tôi chợt thấy thằng Thanh gật gù cái đầu: “Thằng này được”, rồi thôi. Không biết là nó sợ, nó nể, nó chợt nhận ra nó đã rất sai, hay máu “quân tử” của nó bỗng thức dậy mà nó “tha” cho tôi. Và từ đó, thằng Thanh có vẻ hiền lành hơn.

Sau này lớn lên, được đi lại, tiếp xúc nhiều hơn, tôi mới biết rằng những chuyện tranh giành, cãi cọ nhau, thậm chí xô xát, "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" như thế từng là "chuyện thường ngày" ở các máy nước công cộng - vốn khả phổ biến ở 4 khu phố nội thành thời chiến tranh, bao cấp. Và những lúc "trà dư tửu hậu", ngồi "ôn cố tri tân" cùng bạn bè, chúng tôi đều cho rằng đó thực sự là những nét chấm phá tiêu biểu của bức tranh Hà Nội một thời gian khó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Buồn vui quanh máy nước công cộng