Kỷ niệm hai lần gặp hổ

Vũ Công Chiến| 28/01/2022 10:11

(HNMCT) - Ngày xưa rừng Việt Nam đâu đâu cũng có hổ. Cứ có rừng già là có hổ. Khi có việc vào rừng, người ta sợ nhất là gặp hổ. Đêm đen mịt mùng và hổ thường được liên tưởng với tên gọi "Ông ba mươi".

Hồi tôi ở bộ đội, vào những năm sau 1970, dù chủ yếu đóng quân trong rừng nhưng đơn vị tôi cũng ít khi gặp hổ. Càng về sau càng hiếm. Người ta bảo do bị săn bắn quá nhiều để lấy xương nấu cao nên số lượng hổ giảm, cộng thêm bom đạn chiến tranh nên chúng di cư về những vùng rừng rậm và sâu hơn. Vậy mà ở chiến trường Nam Lào tôi đã hai lần gặp hổ.

Mùa mưa năm 1972, đơn vị tôi "lật cánh" sang phía nam đường 23 trên cao nguyên Boloven để lập các chốt ngăn địch, tạo bàn đạp chuẩn bị cho trung đoàn đánh căn cứ ngã ba Lào Ngam. Khu vực này nhiều dốc cao, suối sâu, rừng già, chẳng có bản người Lào nào cả. Mỗi chốt có một tiểu đội gồm bốn hay năm người. Bình thường thì cứ sớm tinh mơ lên chốt, chiều tắt nắng lại rút về khu đóng quân của đại đội.

Hôm ấy đến lượt tiểu đội tôi đi chốt. Tiểu đội trưởng Sơn là người dân tộc Tày, còn tôi, Nhâm, Trung, Tiếu là người Kinh. Vũ khí ngoài Trung giữ khẩu chống tăng B40, Tiếu mang súng phóng lựu M79, còn lại là ba khẩu AK.

Nhâm (quê Hà Tây) đang đi đầu, khi còn cách chốt khoảng ba trăm mét bỗng cậu ta thấy có vật gì đó loang loáng vọt ngang trước lối đi. Trong đầu chỉ kịp nghĩ "thám báo", thế là Nhâm quạt ngay một loạt AK. Cả bọn ngồi thụp xuống, tay lăm lăm súng, nhìn ngó tứ tung. Chờ lúc lâu không thấy động tĩnh, chúng tôi mới lò dò đi về hướng Nhâm nổ súng. Chẳng nhìn thấy gì nhưng anh Sơn hít hít mũi rồi phán: "Có hổ". Cả bọn xanh mắt vội kéo nhau lên chốt. Ổn định vị trí rồi mà vẫn run, nghĩ về địch thì ít mà nghĩ về hổ thì nhiều. Anh Sơn còn bảo, nếu nó mà trúng đạn, bị thương thì thể nào cũng phục kích trả thù, nên chiều về phải cảnh giác. Một ngày ngồi chốt dài dằng dặc vì chỉ lo chiều về tránh hổ.

Chưa tắt nắng anh Sơn đã giục mọi người thu xếp về. Nghe nhiều về chuyện hổ trả thù nên bây giờ Nhâm dứt khoát không chịu đi đầu và cũng không đi cuối. Cậu ta bám sau anh Sơn đi đầu, tiếp theo là Trung và Tiếu, còn tôi đi cuối. Đoạn đường từ chốt xuống chỗ gặp hổ ban sáng chúng tôi vừa đi vừa run, ai cũng lăm lăm khẩu súng đã mở chốt an toàn. Qua chỗ đó rồi thì cả bọn "tăng tốc". Và sự việc xảy ra sau đó rất nhanh.

Anh Sơn chợt phát hiện con hổ ngồi ở mé đường phía trước liền quát to một tiếng "hổ" rồi quạt một loạt AK. Hai khẩu súng của Nhâm và tôi cùng lúc nhả đạn túi bụi. Trung cũng “nện” luôn một trái B40 nổ rầm trời. Con hổ có lẽ đang trong tư thế thu mình ngồi rình bên lối đi, chưa kịp chồm ra đã bị trúng đạn nên chết ngay tại chỗ. Thế mà cả bọn vẫn sợ, thăm dò chán mới dám tiếp cận. Cũng may là con hổ chết vì trúng đạn AK nên còn nguyên xác. Anh Sơn làm ngay một việc mà theo anh nói đó là quy ước bắt buộc của những người thợ săn. Anh bật lửa đốt hết râu mép con hổ, dùng dao chặt những cái vuốt gom lại rồi vun củi châm lửa đốt hết. Anh bảo làm thế để kẻ xấu không thể dùng những thứ đó mà ám hại người khác.

Chúng tôi còn đang loay hoay với con hổ thì lại nghe tiếng sột soạt phía hướng về hậu cứ. Cả bọn ngồi thụp xuống, thật may không phải hổ mà là một tốp lính đến tiếp ứng. Nghe súng nổ loạn lên phía chốt, nghĩ anh em gặp địch nên đại đội điều ngay một tổ lên chi viện. Gặp nhau, biết chuyện, tất cả cùng thở phào nhẹ nhõm. Chúng tôi chặt cây làm đòn khiêng con hổ về. Con hổ rất to, hai người khiêng lặc lè. Tối đó anh nuôi đại đội cùng anh Sơn xả thịt hổ. Tấm da hổ không dùng được vì bị quá nhiều vết đạn. Còn thịt lọc ra được khá nhiều. Hiềm một nỗi trong rừng không có gia vị gì, kể cả gừng nên món thịt hổ xào ăn thấy gây gây. Thế nhưng ai cũng khoái vì đã bao giờ được ăn thịt “chúa sơn lâm”.

Lần thứ hai tôi gặp hổ sau khi đình chiến theo Hiệp định Viêng Chăn. Đại đội lúc ấy đóng quân ở gần bản Tùm Nho thuộc tỉnh Saravan. Khu vực này nhiều rừng già nhưng cũng có bản dân. Một lần tôi một mình lên tiểu đoàn lấy thực phẩm, lúc qua con suối cạn chợt nhìn thấy mấy vết chân hổ, thế nhưng về đơn vị kể mà chẳng ai tin. Mấy ngày sau tôi tháp tùng đại đội trưởng Chèo lên tiểu đoàn họp. Hôm đó "trời quang mây tạnh".

Họp xong đã gần trưa, hai anh em lên đường trở về đại đội. Lúc qua dốc cạnh chỗ hôm trước tôi nghĩ mình gặp hổ thì tự nhiên đại đội trưởng đi vượt lên trước. Gần đến đỉnh dốc bỗng anh dừng phắt lại. Trên đầu dốc, hiện lên giữa khoảng trời trong là một con hổ khá to. Nó đi ngang qua đường và thấy chúng tôi nên đứng lại, quay đầu nhìn. Lúc này nó đứng ngang, chỉ là quan sát đối phương chứ không phải tư thế đối đầu săn mồi. Hai anh em đứng im, gần như không cử động. Anh Chèo đặt tay lên bao súng K54 nhưng chưa dám bật nắp rút ra. Khẩu AK của tôi cũng đang chúc mũi xuống đất, tay đặt vào lẫy cò nhưng tôi cũng chưa dám bật chốt an toàn. Hai bên gần như bất động. Thời gian trôi qua hết sức nặng nề. Tôi không xác định được bao lâu, nhưng có lẽ cũng khá lâu, rồi con hổ đột nhiên quay đầu lững thững đi vào rừng. Có vẻ như nó không thèm đếm xỉa gì đến chúng tôi. Phải mấy phút sau chúng tôi mới bừng tỉnh. Hai anh em lau vội mồ hôi trán rồi khẩn trương rút lui. Lúc đầu còn thỉnh thoảng ngoái đầu lại nhìn, về sau thì cắm cổ mà đi, về đến sân đại đội mới dám thở phào.

Giờ thì mọi người đều tin chuyện vùng này có hổ là thật. Ai cũng cho là chúng tôi gặp may. Mấy anh người dân tộc thì bảo cách xử trí của anh em tôi là rất chuẩn. Họ bảo bình thường hổ không tấn công người. Nếu mình hoảng mà nổ súng trước thì nó tấn công ngay. Điều thứ hai là phần lớn những con thú hoang đều có một bản năng là luôn tránh xa con người. Con hổ này có lẽ chưa ăn thịt người bao giờ nên nó lảng... Thôi thế cũng may chứ gặp con hổ đã từng ăn thịt người, "quen mui" rồi thì chưa chắc chúng tôi đã thoát.

Về sau trong đơn vị tôi cũng không ai gặp con hổ ấy nữa, có lẽ nó chỉ "quá giang" qua vùng này mà thôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm hai lần gặp hổ