Tháng Mười hai

Bùi Việt Phương| 11/12/2021 14:25

(HNMCT) - Tháng cuối cùng của một năm thật đặc biệt. Dẫu chưa phải là Tết, chưa là lúc gác lại cày cuốc nhưng vẫn khiến người ta sống chậm lại, một thoáng giật mình trước tuổi tác, trước năm tháng, trước điểm kết thúc của một vòng quay: Xuân sinh - hạ trưởng - thu liễm - đông tàng...

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Tháng Mười hai, tùy vào lịch mặt trăng của từng năm, bao giờ cũng là tiết đông rồi. “Đông tàng” đó, tàng là giữ, là cất, là ẩn chứa, là nhún nhường khiêm cung mà dày dặn, khí phách.

Mùa đông ở xứ nhiệt đới khắc nghiệt với con người và vạn vật. Có nơi, đến cỏ còn khô cháy vàng trong hanh hao vì sương muối, vì thiếu độ ẩm. Có năm, không chỉ rét mà còn băng tuyết. Thử hỏi, những ngày tháng gió lạnh, mưa phùn, tuyết rơi ấy, những hạt hoa, những mầm sống, những tiếng ve của mùa hạ... đang nương náu ở đâu để gìn giữ sự sinh tồn, để không bị biến đổi, để làm “hạt giống của mùa sau”.

Nhưng, mùa đông của tháng Mười hai mới chỉ là khởi đầu cho sự khốc liệt đó. Vẫn còn những cơn bão mang mưa tới. Bão ngày càng muộn màng, bão đến cả khi xuân đã cận kề. Ngày nắng hửng lên bao nhiêu thì đêm đến lạnh bấy nhiêu, một sự chuyển giao của thời tiết thật nhịp nhàng, uyển chuyển, linh hoạt, cứ thế tự nhiên diễn ra.

Tháng Mười hai ghi dấu những chuyển vận, cho người ta quen với giá rét, một điều tưởng như vô lý mà ngẫm ra rất thuyết phục. Ở miền nhiệt đới Á Đông, con người thường giải thích về mọi hiện tượng bằng quy luật âm - dương, đó là sự tương khắc, tương sinh. Mưa bão và khô hanh, nắng và mưa, ấm áp và giá rét tưởng như đối nghịch, xung khắc nhưng thật ra là sự dùng dằng người đi, kẻ ở để tạo sự tích tụ cho mùa xuân sẽ về.

Có lẽ, từ cái hạt cây tươi mới của mùa thu căng mọng đến mầm cây của mùa xuân bừng lên mặt đất là cả một câu chuyện dài mà tháng Mười hai là lúc bắt đầu kể câu chuyện đó. Để sinh tồn, muôn loài cần đến sự cứng cỏi, gai góc từ vỏ cây già đến vỏ hạt cứng. Chỉ có cái lạnh tê tái của mùa đông mới tôi rèn được. Người ta thường nói vàng thử lửa. Nhưng thiết nghĩ, không phải lúc nào “lửa” ấy cũng là đống than lửa đỏ rực bởi “lửa” là biểu tượng của thử thách. Cái lạnh của mùa đông miền Bắc âu cũng là một thứ “lửa” như vậy chăng? Những hạt mầm đủ khỏe khoắn, tích tụ đủ dưỡng chất và được thiên thời, hòa thuận nắng mưa mới tự sinh lớp vỏ đủ để đợi đến mùa xuân.

Tháng Mười hai, không chỉ cây cối mà lòng người cũng đang “thử lửa”. Những ý nghĩ nào đủ dày dặn, đằm sâu sẽ lắng kết, đọng lại sau một năm với những biến động, đổi thay. Mùa màng vẫn diễn ra trong một không khí thật đặc biệt. Điều đọng lại mới mẻ nhất sau tất cả là ý thức sống hài hòa giữa sự an toàn chặt chẽ và khéo léo, kiên cường phát triển. Từng chiếc khẩu trang, chiếc mũ, kính... bắt nhịp vào đời sống mới cùng với những áo choàng, khăn, giày, bốt, găng tay... vốn có của mùa đông. Cuộc sống đang thử thách mỗi người ở sự bình tĩnh, kiên cường, những gì đủ sức vượt qua sự vội vàng, nóng giận, sơ sảy mới bền bỉ.

Một người lặng lẽ tự pha ly cà phê sáng cho mình. Anh ta chỉ có vài phút ngắn ngủi của một ngày dành để suy nghĩ. Chất hạt đắng và sánh đến tận tâm hồn đủ để anh thoát ra khỏi quán tính của cuộc sống, để lắng lòng. Có thứ hạt không bao giờ được mọc thành cây, hạt đắng và đằm men say nhưng lại nảy mầm trong tâm hồn một người. Trong ngày đầu đông, người đó lặng lẽ bước ra đường, hòa vào cuộc sống vừa đều đặn, vội vã, vừa cẩn trọng trước dịch bệnh. Thoắt cái, không ai còn nhận ra anh giữa dòng người tấp nập như hương cà phê thoảng bay, như sương tháng Mười hai thoảng bay...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tháng Mười hai