Cố Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ: ''Việc thiện gắng làm, điều ác tránh xa...''

Chí Công| 22/10/2021 19:15

(NSHN) - Khi những Phật tử đầu tiên đưa lên Facebook hình ảnh Đức Pháp chủ - Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ - cùng dòng status "Nam mô A Di Đà Phật", dường như có một cơn nhói đau trong tim tôi: Những người gần cận "Cụ" đang kín đáo cho biết, "Cụ mệt nặng"! Và rồi, Cụ đã "theo hầu Phật tổ", rời xa cõi tạm, để lại niềm kính ngưỡng trong đông đảo Phật tử từ Bắc chí Nam cùng lời khuyến tu "Việc thiện gắng làm, điều ác tránh xa...".

... Cách đây chừng 15 năm, ngày đầu tiên đứng trên triền đê sông Hồng nhìn xuống chùa Ráng (Tổ đình Viên Minh, xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, Hà Nội), tôi đã rất ngỡ ngàng khi thấy nơi tu hành của Đức Đệ tam Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam - bậc giáo phẩm cấp cao nhất của Phật giáo Việt Nam - lại đơn sơ, bình dị đến vậy. 

Không có chùa to, tượng lớn; cũng không có tòa ngang dãy dọc, chỉ là nếp chùa nhỏ nép dưới khóm xanh của tre, của cau, của mít với một vuông ao, vài vuông rau nhỏ. Đó thật sự chỉ là một ngôi chùa làng thôi! 

Thế mà, đây lại là nơi mà bậc tôn quý nhất của Phật tử Việt tu hành thường ngày. Và, đây cũng là rất nhiều Phật tử ao ước được đặt chân đến, để được đảnh lễ, được nghe một cao tăng giảng Phật pháp.

"Không thể quay lưng lại Đức Phật"

Để nghe giảng pháp, anh em Phật tử chúng tôi xúm nhau kê một chiếc bàn, đặt một chiếc ghế ngay phía trước tượng Phật tổ trong chùa Ráng, dành cho cụ Thích Phổ Tuệ ngồi. Thong thả từ sau chùa đi lên với cuốn kinh sách và cặp kính, cụ hiền hậu nhìn các Phật tử rồi bất ngờ... tự tay kéo bàn ghế xoay ngang 45 độ, chênh chếch nhìn xuống đại chúng phía dưới. "Đức Phật là bậc tôn quý nhất. Và tôi không thể ngồi quay lưng lại với ngài. Các bác bỏ quá cho nhà chùa nhá...". Cả trăm Phật tử chúng tôi có mặt khi ấy thật sự ngỡ ngàng, chỉ biết đỏ mặt nhìn nhau. Một cử chỉ nhỏ như thế thôi đủ thấy, cụ tín kính Phật đến nhường nào, hành trì nghiêm cẩn đến bực nào!

Và, cụ Phổ Tuệ bắt đầu giảng pháp nhưng đại chúng bên dưới chẳng ai biết đấy là cụ đang giảng pháp, chỉ nghĩ giống như nghe một người ông, người cụ trò chuyện với bọn con cháu. 

"Ấy, đạo Phật thì có tới tám vạn tư pháp môn tu học nhưng các bác đừng câu nệ quá. Chẳng phải vào chùa mới tu được. Cũng chẳng phải cứ cạo đầu xuống tóc mới tu thành Phật. Nếu các bác muốn "tu" thì tôi bày cho cách tu thế này...".

Rồi cụ Phổ Tuệ thong thả, nhẹ nhàng: Tu, hiểu đơn giản là "sửa", sửa những gì chưa tốt, chưa đẹp để làm cho chính mình, cho gia đình mình, cho xã hội mình tốt đẹp hơn lên. Bản thân mình có suy nghĩ, lời nói, việc làm nào chưa hay, chưa tốt, chưa đẹp thì "sửa" bằng cách cố gắng nghĩ cho kỹ, nói cho hay, làm cho tốt. Thấy anh em, vợ chồng, con cái, bạn bè, đồng liêu, đồng nghiệp có lời hay, việc tốt thì khuyến khích người ta; thấy có gì chưa đúng, chưa tốt thì gần gũi, thân mật mà khuyên bảo, giúp tránh bớt cho người ta. "Cũng như các bác ăn cơm, rửa mặt, quét nhà ấy, phải làm sao ăn uống, vệ sinh cho thanh sạch để tránh bệnh tật. Mỗi người ai cũng tự mình thanh sạch, thì gia đình thanh sạch hòa thuận, xã hội cũng được yên ả", cụ Phổ Tuệ lấy ví dụ.

"Thế nếu không tu, hay vụng tu thì sao? Tôi thấy nhiều bác đến chùa cứ lễ cầu cho thoát địa ngục gì gì ấy, nhưng như thế chưa đúng lắm đâu. Địa ngục, cứ như tôi hiểu, chả ở đâu xa mà nó hiện ra ngay nếu các bác vụng tu, nghĩa là không biết, không dám sửa mình. Tôi ví dụ nhá, các bác đi đường mà không chấp hành luật lệ là bị xử phạt ngay chứ không phải chờ chết đi mới bị trừng phạt đâu. Nhìn rộng ra cũng thế, ai cũng tham lam, đòi hỏi riêng, giận dữ mà bất chấp đạo đức, bất chấp luật lệ thì cái đau khổ xảy đến ngay với mình, địa ngục hiện ra ngay trước mặt mình".

"Việc thiện gắng làm, điều ác tránh xa"

Duyên may có được đôi lần về chùa Ráng đảnh lễ bậc long tượng của Phật giáo Việt Nam, lần nào tôi cũng được chứng kiến sự nghiêm cẩn của Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, đặc biệt là khi giảng pháp. 

Dù thời gian giảng Phật pháp có hôm được dài, có hôm chỉ mươi mười lăm phút, nhưng không khi nào cụ quên cầm theo vài cuốn kinh Phật. "Không phải là tôi cao tuổi mà quên, lẫn đâu, nhưng nói chuyện với các bác thì phải "nói có sách, mách có chứng". Đây, như nói về tham, sân, si, Đức Phật đã dạy rất rõ trong kinh này...", và cụ thoăn thoắt lật giở kinh sách, rành rọt đọc từng đoạn cho đại chúng nghe rồi tỉ mỉ cắt nghĩa, lý giải kinh sách cao siêu chỉ bằng những câu rất đơn giản, dễ hiểu. 

"Ấy tôi cho rằng, mỗi anh em chúng ta ngồi đây hãy cứ thực hành cho rốt ráo những cái "lý" đơn giản, những cái "pháp" sơ tiện ấy là tất nhiên sẽ được an lành, được may mắn, được hanh thông rồi chứ nào phải tìm cầu đâu xa? Mà Đức Phật cũng không có ngồi ở chùa to, ngự ở tượng lớn đâu. Ngài có trong tâm các bác đấy, chỉ là các bác vô tình hay hữu ý mà để bị che mờ, khuất lấp, tiêu biến đi đó thôi".

"Bạch thầy! Chúng con ai cũng nghe, cũng nói về "tâm". Vậy xin thầy giảng cho chúng con hiểu về "tâm" rõ hơn ạ". Nghe một bác cao tuổi đề nghị, cụ Phổ Tuệ lại cười rất hiền lành mà sảng khoái: "Đấy, các bác cứ hỏi ngắn gọn như thế thì cũng là biết cách tu rồi đấy. Hỏi thì nên hỏi vào trọng tâm việc mình cần biết, làm thì làm đúng, làm tốt việc mình phải làm, nên làm thì là tu rồi...".

Và cụ tiếp tục rành rọt từng chữ: "Các bác phải phân biệt cho rõ nhá. Tâm thiện là cái tâm thực thà, tốt lành, chỉ một niềm xây dựng cho mình, xây dựng cho đời được tốt đẹp. Ác tâm, vọng tâm là cái tâm kèn cựa, tranh đoạt, ức hiếp, cậy mạnh hiếp yếu, cậy khôn hiếp dại, là cái tâm điên đảo, mê hoặc, cậy mình cậy thế mà dễ tạo nên oán hận, là nguyên nhân của cảnh khổ... Tâm thiện, thì nên giữ và nên làm cho càng ngày càng sáng lên. Còn ác tâm, vọng tâm thì phải trừ diệt, đoạn tuyệt ngay từ lúc nó mới khởi lên trong lòng mỗi chúng ta. Ngắn gọn lại, các bác cứ nhớ việc thiện gắng làm, điều ác tránh xa thì không cần phải vào chùa tụng kinh gõ mõ làm gì nhưng chắc chắn sớm nên quả Phật".

Từng chủ trì nghiên cứu, biên soạn, dịch thuật nhiều tác phẩm đồ sộ về Phật học như Đại từ điển Phật học, Đề cương Kinh Pháp Hoa, Phật tổ Tam Kinh, Kinh Bách Dụ rồi Đại Luật, Đại Tạng kinh Việt Nam; được suy tôn làm Đệ tam Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, song Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ "thanh bần lạc đạo" dưới mái chùa Ráng đơn sơ, không một chút màng đến danh vị thế gian. Ngày ngày, cụ nghiêm cẩn tu hành, chăm chỉ cấy cày với tinh thần "nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực" (một ngày không làm thì một ngày không ăn); rất nhẫn nại quảng bá Phật pháp, giảng dạy giáo lý, khuyên răn đệ tử, Phật tử phải luôn cố gắng làm sao cho "tốt đời, đẹp đạo". Chẳng thế mà khi đặt bàn tay gày gò, nhăn nheo lên đầu chúng tôi, cụ đầm ấm "thọ ký" mấy lời thế này: "Thọ ký cho con kiếp sau lại thủ tướng nam, dốc lòng dốc sức cho việc dân việc nước hơn nữa nhá, gắng làm sao cho lợi lạc quần sinh, thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc...".

... Với 105 năm tuổi đời, 85 năm hạ lạp (tính từ lúc 20 tuổi, được thụ đại giới Tỷ khiêu), tấm gương đạo hạnh, chân tu của Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ lấp lánh trong lòng mỗi Phật tử khắp trong Nam ngoài Bắc. 

Những ai không có duyên được nghe cụ tuyên kinh giảng pháp, thì cứ nhẩm đọc đôi câu đối chính tay cụ Phổ Tuệ viết trên hai bên trụ cổng chùa Ráng: "Đường chính sáng thông tiến bước tránh xa tội lỗi/ Ao chùa thuận tiện chuyên dùng gột rửa bùn nhơ" hẳn rồi sẽ lĩnh hội được lời khuyến tu đơn sơ, giản dị mà cực kỳ sâu sắc của bậc cao tăng.

Đã khuất rồi bóng dáng mảnh khảnh, cao gầy trong bộ áo nâu sồng và đôi guốc mộc! Như vẫn còn văng vẳng bên tai lời ân cần ngày ấy "gắng làm cho lợi lạc quần sinh..."!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cố Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ: ''Việc thiện gắng làm, điều ác tránh xa...''