Đĩa cam dâng cha

Truyện ngắn của Nguyễn Trọng Văn| 09/10/2021 06:57

(HNMCT) - Gió sớm se lạnh chợt ùa vào phòng làm bà Tú so người rùng mình. Như thuận tay bà nắm nhẹ chiếc khăn vải dù. Chợt có gì đấy khiến bà nghèn nghẹn. Giữ chặt vạt khăn, bà nâng lên mũi hít hà mấy lượt. Nước mắt khẽ lăn xuống gò má.

Minh họa: Lê Trí Dũng.

Mới đầu thu nhưng đâu đây đã dậy mùi hoa sữa, hương hoa hăng hắc cộng với mùi vải dù để lâu ngày trong tủ làm bà hắt hơi một tràng dài. Nắng soi vào khung cửa sổ, thứ nắng hanh hanh càng làm bà Tú chộn rộn nỗi niềm. “Vậy là đã sang thu rồi”. Bà thầm nói với mình. Với bà, mỗi độ thu sang là thời gian của cuộc đời dài thêm một nấc.

“Hép pỳ bớt đầy thu iu... Hép pỳ bớt đầy thu iu...”. Giọng trẻ con líu lo đủ cho bà Tú trấn tĩnh lại. Bé Nhã Thy miệng véo von lò dò từng bước tiến sát cánh cửa mở rộng, hai tay giấu quặt sau lưng. Nó ngước đôi mắt tròn trong veo nhìn vào mắt bà. Bà mỉm cười: “Cún bông hôm nay dậy sớm thế?”. Nhã Thy miệng vẫn véo von hát nhưng mắt nó đang nở nụ cười: “Hép py bớt đây... Chúc mừng sinh nhật bà ngoại”. Rất chững chạc, con bé dừng lại giữa phòng, đứng thẳng người rồi chìa hai tay về phía bà: “Cháu tặng bà. Chúc mừng sinh nhật bà ngoại ạ!”. Ra vậy, bà Tú cười sung sướng, thảo nào sáng nay con bé không cần ai gọi dậy. Cúi xuống nhận bông hoa từ tay Nhã Thy, bà cười hỏi: “Cún bông muốn bà ngoại cho quà gì nào?”. Như chỉ chờ có thế, con bé sà vào lòng bà: “Bà ngoại ơi, cháu muốn bà kể chuyện cụ ngoại kia”.

Bà Tú hơi thẫn thờ. Không lẽ đứa cháu ngoại mới lên bốn đọc được suy nghĩ của mình? Bà quay đầu nhìn lên ban thờ. Những sợi khói hương thong thả tỏa những vòng tròn màu xanh nhạt. Khói hương ôm quanh tấm ảnh chân dung chỉ nhỉnh hơn bàn tay đặt trịnh trọng ở chính giữa ban thờ. Đôi mắt của người trong ảnh đang nhìn bà khích lệ.

***

“Ngày 21-9-1968.

Sáng. Đi kiểm tra cung đường mới. Mưa rà rã. Muỗi bay ra nhiều quá. Hôm qua D7 báo cáo đã thêm chục đồng chí phải nằm bệnh xá vì sốt rét.

Chiều. Họp Đảng ủy Binh trạm. Nghe các D than phiền về muỗi và mưa. Anh em kêu “Nạn “hai mờ” khiếp quá chính ủy ơi”. Kể cũng thế thật. Quân số ốm nhiều nên kế hoạch khó thực hiện.

Tối. Nằm mà không ngủ được. Chắc giờ này ở nhà mẹ con đã ngủ. Không hiểu Cẩm Tú thế nào? Nó là đứa hay ốm vặt. Chuyển mùa thế này con bé dễ lại ốm”.

Cung đường giống như một đại công trường. Sáng sớm đã dậy tiếng đá lăn, tiếng đục, tiếng choòng, tiếng người cười nói, thở phì phò... Chính ủy Lê Phong nhảy từ chiếc xe com măng ca xuống, một tay chống gậy, một tay giữ chiếc túi đeo bên sườn, miệng gọi to: “Chào anh em!”. Tính ông là thế. Đi thì tất tả như chạy. Chưa thấy người đã thấy tiếng. Ở tuổi ngoài bốn mươi nhưng tóc đã bạc gần hết, vì thế cánh lính Binh trạm M. đều gọi ông là “Bố”.

- Chúng con chào bố! Hôm nay bố có mang quà cho chúng con không?

Tiếng chào lao nhao, tiếng gọi râm ran lẫn trong tiếng cành cây gãy, tiếng đá rơi ào ào.

- Có chứ! Thuốc lào Vĩnh Bảo mới vào đây. Cứ từ từ rồi tất cả anh em sẽ được quà.

- Bố ơi! Tình hình chiến sự trong kia sao rồi? Nghe nói bọn Mẽo làm dữ lắm ạ?

- Ừ! Nhưng không có gì ngại cả. Sau đận “Mậu Thân” nên trong đó thiếu thốn nhiều lắm. Tùy thuộc vào chuyện làm đường của anh em mình đấy.

- Bố không thấy chúng con đang dốc sức đấy thôi.

- Thấy rồi. Nhưng...

- Nhưng con xin bố tý thuốc lào ạ!

- Thằng Minh D4 phải không? Mày ranh quá. Thuốc để cả bọc đây nhé! Thay nhau lên hút. Tuyệt đối không được nghỉ nhiều. Tích cực là mẹ thành công, nhớ chưa?”...

“Ngày 2-10-1968.

Cuối cùng cung đường cũng đã hoàn thành. Nhẹ hẳn người. Không hiểu thằng D5 làm ăn kiểu gì mà để 4 người bị đá rơi đè phải nằm bệnh xá. Chắc phải triệu tập họp gấp về công tác an toàn. Nhắc mãi rồi.

Hôm nay bụng dạ như có lửa. Không biết ở nhà có mong không mà mình thấy nôn nao quá. Cậu công vụ hứa chiều nay có món cá suối nấu lá tai chua. Hình như mình ốm thì phải. Không được. Không được ốm vào lúc này...”.

- Báo cáo Chính ủy!

Lê Phong gấp vội cuốn sổ. Ông có hai cuốn sổ luôn mang theo bên người, ngoài sổ công tác thì cuốn sổ này ông dùng để ghi chép những việc riêng tư.

- Báo cáo Chính ủy! Điện của Bộ vừa gửi tới ạ!

- Cậu đưa mình. Xe hàng chuyển tới Binh trạm V đã xuất phát chưa?

- Dạ đi được nửa tiếng rồi. Chính ủy ơi!

- Gì nữa?

- Toàn xe mới tinh Chính ủy ạ! Phen này chắc đánh lớn nữa lắm đây. Phục thù “Mậu Thân” Chính ủy nhỉ?

- Dưới các D có gì mới không?

- Dạ, dăm ba cái lặt vặt thôi...

- Lặt vặt thôi. Lại khâu an toàn phải không?

- Dạ. Cũng nhè nhẹ thôi. Anh em khắc phục được rồi.

- Ẩu quá! Nói mãi rồi. Cậu chờ đấy rồi cùng tớ qua bên Tham mưu.

- Nhưng Chính ủy đang mệt. Vả lại cậu công vụ nói món cá nấu canh chua xong rồi ạ.

- Để sau đi. Chuyện an toàn quan trọng hơn.

***

“Bà ngoại ơi! Bà ngoại khóc nhè à?”. Cái giọng véo von như lôi tâm trí bà Tú trở lại. Bà lắc lắc đầu, cười cười: “Bà bị khói hương bay vào mắt thôi. Nhã Thy của bà ngoan lắm”. Dường như con bé không tin câu trả lời của bà, nó nhón chân ngước nhìn ban thờ rồi quay lại nhìn bà: “Bà ngoại, hôm nay sinh nhật của bà mà?”. “Ừ! Sinh nhật bà vào hôm nay. Nhã Thy chúc bà gì nào?”. Con bé mím môi rất lâu rồi đột ngột hỏi nhỏ: “Bà ngoại ơi! Sao sinh nhật bà lại... lại thắp hương... hương ạ?”. Bà Tú khẽ “à” một tiếng. Thì ra con bé quan sát và nhận ra điều khác thường. Vào ngày sinh nhật của nó hay của những đứa trẻ khác nó đều thấy mọi người vui vẻ, ngồi quây quần bên nhau ăn bánh kẹo, ăn hoa quả và thổi nến chứ đâu thấy chuyện thắp hương và rồi lại còn khóc như bà ngoại hôm nay.

Đã thành lệ, bà Tú thường đón ngày sinh nhật của mình bằng một việc làm khá kín đáo. Vào mỗi buổi sáng ngày sinh nhật, bà lại lặng lẽ đặt lên ban thờ một đĩa cam Vinh chín vàng tươi ngon. Rồi bà mở tủ lấy chiếc khăn vải dù cũ choàng lên cổ, hít hà, nắm níu như báu vật. Bà đứng trước ban thờ và nhìn sâu vào tấm ảnh chân dung cha mình, lặng lẽ như một đứa trẻ biết lỗi. Một thứ lỗi đã hơn bốn chục năm rồi mà bà vẫn khôn khuây.

Ánh nắng đã ùa khắp căn phòng. Những làn khói hương cũng đã nhanh chóng tan vào màu nắng. Bà Tú kéo Nhã Thy vào lòng. Bà thấy ở đứa cháu ngoại hình bóng của mình ngày xa xưa. Con bé ép sát vào lòng bà, ngước ánh mắt trong veo như an ủi bà.

***

Những cơn mưa chuyển mùa sang thu rền rĩ mãi không dứt. Đoạn đường vừa san gạt gặp mưa nên nhão nhoẹt, bùn đất bám chặt đôi ủng khiến Lê Phong không thể rút chân lên được. Mệt và cũng muốn dừng nghỉ nên ông ngồi xuống mỏm cây cụt kế đó. Ông bỏ mũ rồi ngửa mặt nhìn trời, mưa đã tạnh hẳn, bầu trời chợt quang và trong xanh đến lạ lùng. “Thu thật rồi”. Lê Phong thốt lên rồi chạnh nhớ đến con gái Cẩm Tú của mình.

“Ngày 6-10-1968.

Sáng nay nhận được thư nhà. Mừng là mọi người đều khỏe. Cẩm Tú viết thêm vào cuối thư. Những dòng chữ non nớt viết rằng: Bố ơi. Con nhớ bố lắm. Con cũng rất thèm ăn cam nữa. Con muốn sinh nhật sắp tới của con được bố về thăm nhà. Bố mang cho con những quả cam Vinh chín vàng như lần về phép năm ngoái đã kể ấy. Con chúc bố khỏe.

Con chỉ viết có thế thôi nhưng mình thấy thương nó quá. Giá như mấy ngày tới được trên cho phép mình sẽ mang cam Vinh về làm quà sinh nhật cho con”.

“Ngày 26-10-1968.

Vậy là mình đã trở lại chiến trường. Một đêm được tranh thủ rẽ qua nhà thực vô cùng đáng quý. Mừng nhất là đúng vào ngày sinh  nhật của Cẩm Tú. Mình đã mang về cho con những quả cam Vinh như đã hứa và cả chiếc khăn làm từ vải dù pháo sáng. Có điều làm mình day dứt là những quả cam đều đã hỏng. Cẩm Tú miệng nói rất vui nhưng ánh mắt nó buồn buồn. Cẩm Tú ơi, con đừng trách bố nhé!”...

***

“Bà ngoại ơi! Cụ ngoại là chú bộ đội à?”. Bé Nhã Thy bất ngờ lên tiếng hỏi. Với nó, chỉ có “chú bộ đội” chứ không có “cụ ngoại bộ đội”. Khép lại những trang nhật ký đã ố vàng bởi thời gian, bà Tú gật gật đầu. “Ừ đúng vậy cháu ạ! Cụ ngoại là chú bộ đội, một chú bộ đội rất thương các em bé đấy”. Khuôn mặt hớn hở, con bé Nhã Thy cười khanh khách: “Có cả cháu bà ngoại nhỉ?”.

Bà Tú đưa tay quệt nước mắt rồi đứng dậy dắt tay bé Nhã Thy đến trước ban thờ: “Bố ơi! Mãi sau này con mới biết những quả cam đó là tiêu chuẩn của bố trong những ngày nằm điều trị vết thương ở Bệnh xá Binh trạm. Bố đã không ăn mà cất đi chờ ngày trở ra Bắc. Bố đã dành dụm để mang về đúng ngày sinh nhật của con. Câu chuyện này con luôn nhắc nhở với các con của con. Hôm nay con tiếp tục nhắc nhở với cháu của con bố ạ! Con tin các cháu sẽ ghi nhớ tấm lòng cùng tình thương yêu bao la của bố”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đĩa cam dâng cha