Về thương gốc khế sau nhà

Tăng Hoàng Phi| 28/08/2021 13:08

(HNMCT) - Hôm qua, trong lúc “cà phê qua chat” với chị bạn đồng nghiệp, nghe chị bảo rằng đang nhớ quê nhà vô cùng, nhớ những bữa cơm gia đình có đầy đủ ba mẹ và đàn em thơ. Bữa cơm đạm bạc ngày xưa chỉ có bát canh rau muống, bát cà dầm tương dân dã mà khiến lòng chị luôn đau đáu, cồn cào nhớ thương. Nghe chị tâm sự mà lòng tôi rưng rưng nhớ về mái nhà thân thương với cây khế sau hồi nhà.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Lạ lắm, mỗi khi nhớ quê nhớ nhà, tôi luôn nhớ về cây khế. Bố tôi kể ông nội tôi đã trồng nó từ khi tôi còn chưa chào đời. Khi tôi lên bảy lên mười, cây khế đã vươn cao những tàng lá xanh ngời, mùa hè cho bóng mát rượi. Quanh năm tôi quan sát cây khế, từ đợt cây trổ từng chùm tim tím rồi hoa rụng xuống, những quả non xanh ló ra, và to dần cho đến khi hái xuống ăn được. Thích nhất là những ngày mùa hạ trời trong vắt, nắng trải vàng lênh loáng như mật rót, lũ ve từ đâu kéo về râm ran không ngớt. Tôi được nghỉ hè, nằm vắt vẻo trên chạc cây khế lớn nhất, khi thì rung cây đuổi ve, lúc nhón tay hái một quả bự nhất, lau lau quệt quệt vào tà áo cho sạch bụi rồi cắn. Cái vị chua chua ngọt ngọt ấy, cái khoảnh khắc thảnh thơi trong trẻo ấy đi mãi cùng tuổi thơ tôi.

Cây khế là người bạn của tôi và chị gái. Buổi chiều, tôi và chị thường chơi dưới gốc khế. Chúng tôi hết chơi đồ hàng, đóng kịch lại đến những trò dân gian, ngày này qua ngày khác, tháng này lại tới tháng khác. Dưới vòm trời mùa hạ, cây khế dường như xanh hơn, hoa khế rơi nhè nhẹ trong một chiều gió thổi vương lên tóc của hai chị em. Từ những bông hoa khế bé xíu ấy, chị tỷ mẩn tết lại thành dây hoa xinh xắn đội đầu. Đám bạn trong làng thường xin nhập hội cùng chị em tôi nên dưới gốc khế luôn rộn vang tiếng nói cười. Chị tôi thường phải đưa tay lên miệng làm bộ “suỵt, suỵt” cảnh báo cả lũ vì sợ người lớn tỉnh giấc nghỉ trưa. Chẳng biết có phải cây khế muốn làm bạn với trẻ con chúng tôi không mà đậu chi chít quả. Chơi chán, tôi lại chạy ù vào trong nhà xúc mấy thìa muối, trộn chút mỳ chính là có “bữa tiệc khế” ngon lành.

Những quả khế căng loáng cũng là quà tráng miệng của cả gia đình tôi. Không như lũ trẻ con lau vội vàng vào vạt áo, mẹ nhắc chị tôi rửa sạch, rồi mẹ bổ sẵn ra đĩa. Cả nhà ngồi quây quần bên hiên nhà, thưởng thức từng thanh khế mát lành. Hồi đó, không chỉ riêng nhà tôi mà trong làng nhà nào cũng nghèo, bữa cơm chủ yếu là từ cây nhà lá vườn. Quả khế nhà tôi, bởi thế, cũng được mọi người tận dụng triệt để. Những ngày đói kém, mẹ hái khế nấu với chút tép đồng bố vớt dưới ao, bữa cơm đơn sơ lắm nhưng tôi cảm thấy ngon vô cùng. Một nồi cơm trắng, bát canh tép với khế và một chút rau lang luộc chấm mắm, bố cười hỷ hả, mẹ thì vui vẻ nhìn những đứa con mải ăn, nụ cười mãn nguyện trên môi.

Tôi lớn lên, đi học rồi lập nghiệp ở thành phố, mỗi lần về quê lại thấy tóc bố mẹ điểm thêm nhiều sợi bạc. Và cây khế cũng ngày một già cỗi. Cách đây không lâu, mẹ điện thoại cho tôi với giọng buồn buồn, nói rằng ngôi nhà của tôi nằm trong quy hoạch để nhường chỗ cho một con đường lớn đi ngang. Lòng tôi nôn nao nghĩ về ngôi nhà đã gắn bó tuổi thơ của tôi và năm tháng cả cuộc đời của bố mẹ. Chợt nhớ tới cây khế, tôi hỏi mẹ: “Cây khế thì sao mẹ?”. “Cũng đành bỏ lại thôi, chứ biết sao giờ con”. Tôi biết mẹ cũng nuối tiếc như tôi, nhưng cuộc sống là sự vận động không ngừng, chỉ có ký ức sẽ vẫn lưu giữ mãi hình ảnh ngôi nhà và cây khế tuổi thơ tôi...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về thương gốc khế sau nhà