Ký ức chè đậu đen

Phố Hoa| 23/05/2021 05:20

(HNMCT) - Tháng tư xanh mát vừa lướt qua, để lại những đóa loa kèn trắng muốt tinh khôi nở muộn cùng một khoảng trời thơm ngát hương ngọc lan. Dàn đồng ca ve sầu vội vã so lại dây đàn, tấu lên bản hợp xướng chào hạ rộn rã, đánh thức những bông bằng lăng tím ngắt đầu tiên hé nở. Phượng hồng lười biếng vẫn ngon giấc ngủ say, mím chặt từng chùm nụ xanh ngăn ngắt. Nhiệt độ bắt đầu tăng cao. Nắng chói chang từ sáng sớm. Tháng năm nhón bước chân sang, đón mùa hạ trở về.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Khi tiết trời trở nên nắng nóng khiến cho cơ thể toát nhiều mồ hôi, thường hay mệt mỏi thì cũng là lúc mùa đậu đen đến kỳ thu hoạch. Các bà, các mẹ hay dùng đậu đen để nấu chè nước, chè sắn dây đậu đen, cháo đậu đen hoặc xôi đậu đen chấm muối vừng cũng rất ngon.

Lúc tôi còn nhỏ, nhà đông người, ai cũng thích ăn chè đậu đen mẹ nấu, đặc biệt là bố. Thuở ấy, mỗi khi trời chuyển nóng là bố lại giục mẹ nấu chè đậu đen. Mẹ bảo, ngoài chợ giờ vẫn bán đậu cũ, ăn cứng mà ít chất dinh dưỡng, cố đợi thêm ít bữa có đậu mới, mẹ sẽ mua về nấu cho cả nhà. Những năm 80 thế kỷ trước, khi nhà tôi còn sinh sống ở quê, mẹ vẫn làm ruộng. Nhà có mấy miếng đất bồi ven sông Đáy, mẹ trồng đậu xen canh cùng mía quanh năm. Đất bãi nhiều phù sa nên cây tốt bời bời. Khi quả đậu chín chuyển từ màu xanh sang vàng rồi nâu, chị em tôi cùng mẹ chọn từng quả đậu chín mang về rải ra sân gạch để phơi cho thật khô. Những quả xanh non để lại chờ chín tiếp.

Mùa hè, nắng gắt, sân gạch nóng bỏng chân. Sau vài lần đảo lên lật xuống, chỉ đến chiều mát là quả đậu đã khô rang, vỏ giòn tan. Mẹ xỏ chân vào đôi giầy vải, đứng giữa đống quả đậu bắt đầu quá trình lọc lấy hạt đậu bằng phương pháp thô sơ nhất. Vỏ quả đậu mỏng, phơi khô giòn nên rất dễ vỡ, mẹ chỉ cần dùng hai chân vò vào đống quả là vỏ vỡ vụn, sau đó mẹ lấy hạt đậu rồi đem phơi thêm vài nắng nữa cho khô nỏ, cho vào vò đất nung, lấy lá chuối khô nút kín lại để dành ăn dần.

Chè đậu đen là thức uống giải khát dễ nấu, giá rẻ mà lại bổ dưỡng nên được ưa dùng nhất vào mùa hè ở nông thôn. Quê tôi trồng nhiều mía trắng để ép ra nước, nấu lên thành nước mật hoặc cô thành những khuôn mật nặng hàng cân rắn chắc màu cánh gián. Mẹ tôi thường ninh đậu đen cho nhừ rồi thái khuôn mật ra thành từng miếng nhỏ, xúc vào nồi đậu đen đun sôi tiếp cho mật tan ra, nêm nếm độ ngọt vừa phải thì rắc thêm vài hạt muối. Chè đậu đen có thêm chút xíu muối tạo vị đậm đà. Mẹ tắt bếp, nhấc cả nồi ra ngâm vào chậu nước giếng để làm nguội. Chị em tôi ngồi vây quanh, hau háu thèm thuồng đòi mẹ cho ăn ngay. Mẹ dịu dàng xua tay bảo chưa ăn được, để mẹ làm mát chè đã, ăn sẽ ngon hơn nhiều.

Ngày đó, ở nông thôn hầu như chưa nhà nào có tủ lạnh. Đá lạnh thì phải ra tận đầu làng gần quốc lộ mới mua được. Vừa đắt đỏ, lại đường xa, mang được bịch đá về đến nhà có khi đã tan mất một nửa nên nhà tôi ít khi mua lắm. Thế là cha tôi làm mát chè đậu đen bằng cách chắt nước chè đã nguội vào cái bi đông ông mang về từ chiến trường miền Nam. Đóng chặt nắp lại, ông đặt bi đông vào trong cái gàu rồi thả xuống giếng. Thời gian chờ cho chè đủ mát lâu thật là lâu, phải mất đến nửa ngày cha tôi mới kéo cái gàu đựng chè từ dưới giếng lên. Xin cốc chè từ tay cha, chúng tôi uống ngay mà còn quên cả mời cha mẹ. Một dòng nước nâu đen sóng sánh chui tuột vào cổ họng, mát lạnh, ngọt lừ, trôi đến đâu biết đến đấy. Thật đã khát! Thật bõ công chờ đợi.

Một mùa hè nữa lại về. Nhà tôi đã có tủ lạnh làm đá và bảo quản chè, nhưng cha tôi thì đã khuất bóng. Mỗi lần cầm cốc chè đậu đen mát lạnh trên tay, trái tim tôi lại rưng rưng nhớ cha và những mùa đỗ đen đã thuộc về ký ức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ký ức chè đậu đen