Hà Nội - Mảnh đất khó rời xa

Quỳnh Chi| 11/02/2021 07:29

(HNM) - Trong xu thế hội nhập toàn cầu, số người nước ngoài tới Việt Nam học tập, sinh sống và làm việc ngày càng tăng. Không ít trong số họ đã coi dải đất hình chữ S là quê hương thứ hai và dành cho Hà Nội một tình cảm thật đặc biệt. Với những người khách phương xa, đây là một thành phố vừa dễ yêu từ cái nhìn đầu tiên vừa khó có thể rời xa.

Ảnh: Đức Tuấn

“Yêu nhau yêu cả đường đi”, câu ca dao xưa thật ứng nghiệm với những ai đã trót “phải lòng” Hà Nội. Từng góc phố, hàng cây đều trở thành ký ức, rồi được đi xe giữa dòng xe cộ đông đúc hoặc ngồi nhâm nhi cà phê ở một góc vỉa hè ngắm vẻ đẹp cổ xưa của thành phố hơn một nghìn năm tuổi đã thành nỗi nhớ khôn nguôi. Thậm chí, một tiếng rao đêm của gánh hàng rong cũng trở nên lôi cuốn lạ thường.

Chia sẻ về những tình cảm dành cho Hà Nội, ông Nilov Roman, Bí thư Thứ ba Đại sứ quán Nga tại Việt Nam cho biết, ông đã yêu Hà Nội từ lần “gặp gỡ” đầu tiên. Lần đầu ông “làm quen” với Hà Nội là năm 2008, thời điểm là sinh viên Khoa Phương Đông của Trường Đại học Tổng hợp St.Petersburg (Nga) được cử đi thực tập ngôn ngữ tại Khoa Tiếng Việt của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ngay từ ngày đầu đặt chân đến thành phố nghìn năm tuổi, ông đã cảm mến thành phố có con sông Hồng, nhiều hồ nước và những con phố cổ đậm rêu phong. Chàng sinh viên Nga lúc đó đi bộ hàng giờ xung quanh hồ Hoàn Kiếm và những khu phố lân cận, ngắm nhìn từng ngõ nhỏ với mong muốn cảm thụ được tinh thần của Hà Nội nhiều nhất có thể.

“Vào mùa hè năm 2009, kỳ thực tập kết thúc và tôi phải về nước. Lúc đó, tôi có một cảm xúc lẫn lộn. Một mặt, tôi muốn về nhà nhưng mặt khác, thật buồn khi phải chia tay Hà Nội, trường học và bạn bè đã trở nên thân yêu. Ngày cuối cùng ở thành phố này, tôi dạo quanh hồ Hoàn Kiếm, ngồi ngay trước cửa Bưu điện Hà Nội. Người Nga có truyền thống như vậy, “ngồi lặng im lấy may” trước hành trình dài. Tôi đã tự hứa một ngày nào đó sẽ trở lại thành phố rồng bay lên”, ông Nilov Roman nhớ lại. Chỉ 4 năm sau đó, ông Nilov Roman đã thực hiện được lời hứa của mình khi nhận nhiệm kỳ công tác đầu tiên tại Tổng lãnh sự quán Liên bang Nga ở Đà Nẵng. Lúc đó, ông chỉ có những chuyến đi Hà Nội ngắn ngày nhưng mỗi chuyến thăm như một luồng gió mới đối với nhà ngoại giao này. 6 năm sau, ông chuyển ra Hà Nội làm việc tại Đại sứ quán Nga. Những cảm xúc đặc biệt đó đã được ông chia sẻ đầy ấn tượng: “Thật vui khi một lần nữa lại cảm thấy mình là một phần của đại đô thị khổng lồ này, nơi lịch sử được đan quyện thật chặt với hiện đại. Các món ăn ở đây thật ngon, món phở có một không hai, món bún chả, bánh tôm hồ Tây và rất nhiều món khác. Tôi luôn bị quyến rũ bởi mùi thơm của nước phở buổi sáng ở các ngã tư và trong nhiều ngõ nhỏ. Tôi hy vọng Hà Nội sẽ mãi bảo tồn diện mạo lịch sử độc đáo, những truyền thuyết và truyền thống đô thị mà vẫn duy trì đà phát triển”.

Còn với Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Ivo Sieber, dù mới đến Hà Nội được hơn một năm, song ông đã có tình cảm đặc biệt với nơi này. “Tôi ấn tượng trước lòng hiếu khách của người dân Việt Nam và cảm thấy may mắn khi được ở Hà Nội trong thời điểm hiện tại, khi đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Tháng 7 vừa qua, để ghi lại kỷ niệm năm đầu tới đây, tôi đã tự mình làm một clip ngắn nói về quan hệ giữa Việt Nam và Thụy Sĩ tại một số di tích lịch sử của Hà Nội như hồ Hoàn Kiếm, cầu Long Biên”.

Kỷ niệm Đại sứ Ivo Sieber muốn nhắc tới trong thời gian ở Hà Nội là dịp được đón Tết cổ truyền của người Việt Nam vào năm ngoái. Theo ông, đây là cơ hội để trải nghiệm sâu hơn những nét văn hóa của một đất nước gắn bó trong cả nhiệm kỳ công tác. Vì mới đến Việt Nam nên ông chỉ ở Hà Nội để cảm nhận trọn vẹn không khí đón xuân trong ngôi nhà mới của mình, thưởng thức bánh chưng và những món ngon ngày Tết. “Trong chuyến du xuân do Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Hà Nội tổ chức, tôi rất vui khi được gói bánh chưng, xin chữ ông đồ, ngắm cảnh quan núi Ba Vì cũng như được hòa mình vào không gian Tết đậm nét truyền thống cùng bạn bè quốc tế”, Đại sứ Ivo Sieber chia sẻ.

Với Đại sứ Đông Timor Pascoela Barrelo dos Santos, Hà Nội đẹp bởi sự hiếu khách, tốt bụng của những người Tràng An. Không ít lần bà đã nhận được sự giúp đỡ của người dân Thủ đô, những người bà thậm chí chưa một lần gặp gỡ. Địa điểm yêu thích của Đại sứ Pascoela Barrelo dos Santos là không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, một trung tâm vui chơi giải trí cho người dân ở mọi lứa tuổi vào dịp cuối tuần. “Có lần, tôi và chồng tôi đi qua một nhóm học sinh đang luyện vũ đạo cho bài biểu diễn ở trường. Thấy chúng tôi, các em bắt chuyện và mời khiêu vũ. Tôi thực sự bất ngờ. Bạn biết không, một phụ nữ ở lứa tuổi 70 như tôi giữa một nhóm trẻ, nhảy theo giai điệu thời thượng một cách đầy thách thức. Chồng tôi thì cười không ngớt khi dõi theo màn biểu diễn đáng nhớ ấy. Chỉ có thể là Hà Nội thôi!”, Đại sứ Pascoela Barrelo dos Santos xúc động nhớ lại.

Ảnh: Trần Anh

Còn đối với anh Okabe Chikara, cộng tác viên Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, tình yêu dành cho Hà Nội thật khác biệt. Bên cạnh những Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm hay những món tinh hoa ẩm thực như phở, bún thang, cốm… đã quá quen thuộc với nhiều du khách, Hà Nội còn có tiếng rao của những gánh hàng rong. Theo chàng trai đến từ xứ sở Hoa anh đào, thật khó tin khi ở Hà Nội, có thể ngồi một chỗ vẫn mua được rất nhiều thứ từ bánh bao, chè, xôi, kem đến áo quần, giày dép. Kỷ niệm vui mà anh nhớ mãi là thời gian mới đến Hà Nội, tiếng Việt chưa tốt, Okabe Chikara đã nghe nhầm tiếng rao “xôi lạc bánh khúc” thành “tôi là bánh khúc”. “Lúc đó, mình cứ băn khoăn không biết cô bánh khúc này bán mặt hàng gì. Hà Nội trong tôi chỉ giản dị như vậy. Những tiếng rao rất đỗi bình thường nhưng lại là âm thanh khiến người ta luôn cảm thấy khắc khoải trong lòng mỗi khi rời xa nơi này”, Okabe Chikara mỉm cười nói.

Đi qua hơn 1010 năm lịch sử, dù từng trải qua nhiều đau thương, mất mát, Hà Nội đã không ngừng vươn lên như tên gọi Thăng Long. Trong quá trình phát triển, thành phố vẫn còn nhiều việc phải làm để hạn chế những mặt trái của đô thị hóa. Song, những nỗ lực của Thủ đô đang được bạn bè quốc tế ghi nhận. Đúng như cựu chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Martin Rama đã viết trong cuốn “Hà Nội, một chốn rong chơi” rằng: “Hà Nội vẫn luôn là một thành phố đáng sống, hơn thế nữa còn là một thành phố rất đáng yêu”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội - Mảnh đất khó rời xa