Làm sao để yêu Hà Nội?

Tản văn của Đỗ Bích Thúy| 15/02/2021 06:19

(HNMCT) - Đôi khi nhẩm tính số năm đã sống ở Hà Nội tôi thậm chí cảm thấy ngạc nhiên, hóa ra mình đã trú ngụ ở nơi này lâu đến thế - 2 thập niên. Và đáng kể hơn nữa, đó là 2 thập niên (có lẽ) quan trọng nhất trong cuộc đời, bởi nó biến tôi trở thành một người phải có trách nhiệm với những người khác, ngoài bản thân.

Minh họa: Phạm Bình Chương.

Vậy tôi đã sống với Hà Nội như thế nào? Và Hà Nội ứng xử với một cá nhân nhỏ bé, lẻ loi như tôi ra sao để tôi có thể cảm thấy nhớ nhung mỗi khi rời khỏi?

Tôi đã từng chuyển nhà 9 lần, qua 6 quận. Từ Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, tới Thanh Xuân, Cầu Giấy, Đống Đa... Tôi đã trở thành một tế bào li ti của Thủ đô đông đúc, và Hà Nội lay động cảm xúc của tôi cũng bằng những li ti đầy nhân ái, ấm áp.

Bạn tôi thường hỏi: "Cậu đã làm thế nào để yêu Hà Nội đến thế?". Tôi đã làm thế nào ư?

Một ngày nọ, sáng sớm, giữa đông, tôi kéo cánh cửa sắt ra và nhận thấy gió lạnh buốt đang táp vào má mình. Trước nhà, ngay dưới mái hiên, một bó cúc chi vàng óng gói trong giấy báo đang dựng ở đấy. Tôi mới chỉ thấy cúc chi thơm cái mùi hăng hắc, nồng ấm và có phần dữ dội ẩn trong những bông nhỏ nhắn, khi ở Hà Nội. Không phải một ai đó si mê tôi mà để đó như một món quà đâu, đơn giản là của cô hàng hoa vừa ngang qua buổi sớm. Hôm ấy ngày rằm. Là rằm tháng 11, tức chẳng mấy chốc nữa là Tết. Cô ấy biết tôi thích cúc chi, nên suốt cả mùa cúc cứ rằm, mùng một là để sẵn phần tôi một bó. Cúc vừa cắt từ tinh sương, trên những cánh đồng hoa bạt ngàn phía bãi sông Hồng, đi xuyên qua phố xá vắng vẻ buốt giá, sương lay phay bay, đèn đường mờ mờ, và cuối cùng, dừng lại dưới mái hiên cũ kỹ trong một con phố còn cũ hơn.

Một vài người bạn tôi, trong Nam, hễ tới mùa hoa cúc óng ả khắp phố phường Hà Nội là thèm nhớ đến phát khóc. Tưởng như chỉ cần được đi ra, ôm một bó hoa thật lớn lên máy bay rồi quay về là thỏa lòng. Tôi tin là Hà Nội luôn ở trong lòng những người đi xa, những người đã trót yêu Hà Nội. Không phải vì điều gì lớn lao, mà vì những đẹp đẽ tinh tế luôn ẩn hiện trong đời sống thường ngày. Bác ruột lũ trẻ nhà tôi, một người đã từng đi vào cả truyện ngắn, tiểu thuyết của tôi, người luôn tinh tươm mỗi khi bước ra khỏi nhà, nói rằng: Trong cuộc đời một con người, nhất định phải có bến đỗ. Cái bến đỗ khiến người ta không lang thang bất định, khiến người ta cảm thấy ấm áp trong lòng mỗi khi mỏi mệt và muốn được nương tựa. Và cho đến giờ thì tôi nghĩ, Hà Nội là một bến đỗ của tôi.

Bà lão ấy, gầy gò mong manh trong ba bốn lớp áo và một chiếc khăn vuông gấp chéo, sáng sáng bắc ghế ra ngồi ở cửa đan những chiếc khăn len. Bà kể rằng các thiếu nữ “con nhà” ngày xưa (hẳn là trong đó có bà), mỗi khi muốn ăn quà vặt thì chỉ vén rèm đưa cánh tay ra vẫy hàng quà chứ tuyệt đối không lộ mặt. Tôi hình dung ra những cánh tay mảnh mai, trắng muốt, những ngón thon dài, móng tay được chuốt kỹ lưỡng, với nhẫn bạc và vòng nạm ngọc, bất giác nhìn đôi tay đầy những chấm đồi mồi đang thoăn thoắt đan những sợi len bằng đôi kim trơn bóng. Ánh hồi quang của một thời xa tít hóa ra vẫn đang lấp lánh trên những ngón tay từng một thời đài các kiêu sa.

Bây giờ tôi đã rời khỏi con phố ấy, rời khỏi mái hiên với những bó hoa còn nguyên hơi ấm của bàn tay người lao động; rời khỏi những buổi sáng tinh mơ vắng vẻ, gió lùa trên má và những giọt sương như ngọc vỡ trên gạch lát đường. Thỉnh thoảng có việc ngang qua, cảm thấy như mọi thứ vẫn ở yên chỗ cũ. Cho dù nhiều nhà mới sửa sang, cơi nới, đập đi xây lại, thì linh hồn phố vẫn vẹn nguyên đủ để tôi cảm thấy.

Tôi sang bên kia sông. Trong quan niệm của nhiều người, bên kia sông là một vùng đất rất khác. Để đi tới nó, phải băng qua những cây cầu. Những cây cầu giống như nốt nhạc trên một bàn phím dài là dòng sông yên ả. Tôi rất thích cuộc sống ở bên kia. Nó đủ gần để đi lại và đủ xa để tôi nhớ nhung những con phố cũ kỹ. Những con phố in dấu chân, dấu bánh xe mà tôi đã di chuyển trong nhiều năm liền. Những con phố buộc người ta phải hoài cổ, thương nhớ, yêu mến, tiếc nuối và kiêu hãnh. Còn bên kia, ngày ngày băng qua mặt nước lúc xanh biếc lúc đục ngầu, lúc cồn cào sóng nổi, và dải bãi bồi cũng lúc nổi lúc chìm, là những nồng nã chất phác của một vùng đất lam lũ. Tôi thích cái cách mà người bên kia sông nhắc đến khu vực phố cũ: Sang Hà Nội. Ngày mai tôi sang Hà Nội đấy. Hà Nội ngay bên kia, rất gần, mà sao cũng xa xôi đến thế. Nghe mà dấy lên một niềm thương mến xiết bao.

Tôi hay xuống bãi sông lang thang, với một cái máy ảnh nhỏ. Dưới đó có những vườn rau biếc xanh và những khu vườn hồng thơm ngát. Xuống nhiều, thành khách quen, cứ gọi một hai câu là có người mở cánh cổng cọt kẹt ra, đưa cho một chiếc kéo to tướng. Bỏ giầy và đi ra vườn, tự cắt những bông hồng còn nguyên vẹn hương thơm. Cứ cắt đến khi nào đẫy tay thì thôi. Hồng mua ở vườn không ai đếm số bông, mà toàn ước lượng, đại khái. Trả tiền xong còn được tặng thêm túi khế chín vàng. Tôi đến rất nhiều lần, mà cho đến giờ vẫn không biết tên hai vợ chồng người làm vườn ấy. Xét cho cùng thì tên cũng chỉ để gọi thôi. Người ta thấy ấm áp khi gặp nhau chứ không nhất thiết phải biết tên, chẳng phải thế sao! Ở đây, tôi luôn cảm thấy mình đã rời khỏi Hà Nội ồn ã và lại cũng cảm thấy hơi thở của Hà Nội đang quyện lẫn vào hơi thở của đất đai, của cát bồi.

Tôi tin là Hà Nội luôn sẵn lòng để mỗi người chạm vào. Chỉ cần để tâm trí được tự do và yên lặng cảm nhận, rồi thì ai cũng sẽ thấy có một Hà Nội của riêng mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm sao để yêu Hà Nội?