Thu trong mắt ai...

Bùi Việt Thắng| 25/10/2020 05:39

(HNMCT) - Bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh được đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2, cho đến nay vẫn được đánh giá là một trong những tác phẩm độc đáo của văn chương đương đại Việt Nam sau năm 1975. Bài thơ đã vượt qua sự thử thách của thời gian, góp vào bộ sưu tập quý giá “mùa thu trong thi ca Việt Nam”.

Khi thưởng thức Sang thu, không thể không chú ý đến thời gian và không gian đặc thù đã gây men cảm hứng để thi sĩ viết nên thi phẩm. 

Đó là một buổi chiều cuối hè, đầu thu năm 1977, ở một làng quê ven đô Khương Hạ (bây giờ thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội). Lúc đó Hữu Thỉnh đang dự lớp viết văn cùng với các đồng nghiệp Nguyễn Trọng Tạo, Trần Đăng Khoa và nhiều tên tuổi nổi tiếng khác vừa khoác ba lô đi ra từ chiến tranh, về học “nghề chữ”. Thi sĩ trọ trong một nhà dân có khu vườn rất rộng trồng toàn ổi là ổi, ông đã mạnh bạo trèo lên một cây ổi to (tự gọi vui là cây ổi “đứng tuổi”), và những câu thơ được ủ men sẵn trong đầu cứ thế trào lên, khi người vẫn còn chưa tiếp đất. 

Làm thơ sẵn trong đầu, đó dường như là thói quen chờ cơ hội ghi ra giấy, chứ không phải cái cách lúc nào có hứng thì lấy giấy bút ra để tìm chữ của Hữu Thỉnh. Không cứ là thơ ngắn, mà cả trường ca, Hữu Thỉnh đều viết theo lối đó. Có lẽ đây là thói quen, là cá tính của từng nhà văn. 

Làm thơ sẵn trong đầu, ủ sẵn đấy, có cái lợi là nó có cơ hội lắng đọng. Ngồi trên cây ổi to giữa một vườn ổi xum xuê, ngạt ngào hương thơm quyến rũ, ông chợt nghĩ, thiên nhiên thì đã vượt lên trên đầu con người rất cao, rất rộng, rất xa, còn ta sao cứ loay hoay, lo toan sống, làm thế nào để vượt qua vòng sinh tồn tục lụy? Có một cái gì đấy như là sách Phật dạy ta sống. Năm 1975, thi sĩ có mặt ở Huế, một hôm bỗng nghe đồng loạt, dào dạt, ngân nga tiếng chuông ngân rung từ mấy trăm ngôi chùa rêu phong cổ kính của vùng cố đô. Hai mươi năm sau thi sĩ mới viết được một câu thơ “Thu hết mọi tiếng chuông thành một sắc áo vàng”. Không chỉ khi viết thơ, cả khi nói về thơ, Hữu Thỉnh cũng nói bằng sự rung bật cảm xúc của thơ. Đọc thơ ông, có nhiều bài hay, riêng tôi vẫn thích nhất hai bài Sang thu và Phan Thiết có anh tôi.

Khi bình câu thơ “Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu”, đa số cho rằng đó là câu thơ hay tả sự chuyển mình của tự nhiên. Đúng, đây là một câu thơ vừa “động” vừa “tĩnh”, rất nhiều ẩn ý - không chỉ nói về sự chuyển mình của tự nhiên mà còn là sự chuyển động âm thầm của đời sống xã hội trong một bối cảnh đặc biệt. Nếu tiến thêm bước nữa thì, khi viết câu thơ này, Hữu Thỉnh dường như đột nhiên ngưng nghỉ để tìm “đích tới” cho bài thơ. Đó cũng là cách “bắt mạch” một bài thơ hay khi thưởng thức nó. Với mỗi cá nhân cũng như cả đất nước đều vừa vắt qua hòa bình và chiến tranh. Vậy nên, bài thơ dẫu được khen hay nhưng thuần túy nói về hương ổi không thôi thì chưa thể sâu, chưa thể đủ. Thật ra viết về hương ổi chỉ là cái cớ để nói một điều gì đó lớn lao hơn về đất nước, nhân dân mình. Đằng sau câu chữ là tâm thế: Hương ổi thì có sẵn, nó cứ tự nhiên nhi nhiên với trời đất, đã đi vào tiềm thức, ký ức của con người bao đời nay...

Người ta nói thơ là tâm trạng. Phải chăng Sang thu là một tâm trạng điển hình của thi sĩ. Đúng như thế! Đó trước hết là cái cảm giác, cái tâm trạng của một cá thể người lính đi qua khói lửa chiến tranh, băng qua bão táp, đi tới hòa bình ngọt ngào và ngoạn mục. Người lính đó được hưởng nguyên khối kỷ niệm, cảm nhận cái hạnh phúc được sống, được tự do đón nhận và hòa mình vào tự nhiên, được hưởng cái hạnh phúc đơn sơ, giản dị đời thường, mà trong chiến tranh nằm mơ cũng không thấy. Ai trải qua chiến tranh, từ cõi chết trở về mới đủ cái ngân rung cảm xúc đón nhận hòa bình, như một hơi thở nhẹ nhưng có thể làm ta rùng mình, run rẩy vì hạnh phúc được sống một đời sống bình thường.  

Nói mùa thu trong mắt ai là nói về chủ thể sáng tạo. Mùa thu trong Sang thu là mùa thu của những người vượt qua bão tố chiến tranh. Đằng sau Sang thu (bài thơ ngắn, chỉ có 12 dòng với 60 chữ) có cả một cuộc kháng chiến dài lâu và ác liệt của cả dân tộc. Có thể nói mà không sợ quá rằng, Sang thu là một dấu chỉ trong hành trình thơ Hữu Thỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu trong mắt ai...