Ký ức Hà Nội từ những khu tập thể

Vân Hạ| 13/10/2020 05:30

(HNMCT) - Trong ký ức của rất nhiều người, kỷ niệm về Thủ đô Hà Nội không chỉ là góc phố, con ngõ hay các ngôi làng ven đô, mà còn có không gian của những khu tập thể cũ. Điều đó được nhiều tác giả kể lại trong tác phẩm của mình.

Những khu tập thể cũ là nguồn cảm xúc trong nhiều tác phẩm văn chương về Hà Nội.

Diện mạo Thủ đô ngày càng khang trang, mức sống của người dân ngày càng nâng cao thì những khu tập thể ngày một “già nua”, xuống cấp, đặt ra yêu cầu cải tạo, xây dựng lại. Nhưng ở một hướng tiếp cận khác, không gian cũ kỹ ấy cùng ký ức về những năm tháng khó khăn với đủ buồn vui được quan tâm, lưu giữ trong nhiều trang viết.

Thi sĩ Lưu Quang Vũ từng miêu tả về không gian sống chật chội, không chỉ ở những khu tập thể, qua bài thơ Nhà chật: “Nhà chỉ mấy thước vuông, sách vở xếp cạnh nồi/ Nếu nằm mơ, em quờ tay là chạm vào thùng gạo/ Ô tường nhỏ treo tranh và phơi áo/ Ta chỉ có mấy thước vuông cho hạnh phúc của mình/ Nhà chật như khoang thuyền hẹp nhỏ giữa sông/ Vừa căng buồm để đi, vừa nấu cơm để sống/ Phải bỏ hết những gì không cần thiết/ Ta chỉ có mấy thước vuông cho hành lý của mình”

Cũng như vợ chồng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh, nhiều gia đình văn nghệ sĩ đã có quãng thời gian dài gắn bó với các căn nhà tập thể. Chính trong những không gian chật hẹp đó, biết bao bài thơ, ca khúc, vở kịch... đã ra đời.

Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều kể rằng: “Tôi từng sống những năm tám mươi của thế kỷ trước ở khu tập thể Trung Tự. Bây giờ, mỗi lần đi qua đó, giữa thế giới của những ngôi nhà cao tầng và các cửa hiệu hiện đại, tôi vẫn thấy hiện lên màu ố vàng của những bức tường chung cư xưa, của những lối cầu thang hẹp đầy bóng tối, của tiếng nước máy chảy trong những đêm gần sáng chờ lấy nước, của tiếng bầy trẻ reo vang trên những lối cầu thang và sân chơi, của mùi bếp dầu... Tất cả những điều ấy hiện lên như một người tri kỷ cách xa lâu ngày mới gặp: Xúc động và nhớ thương”.

Đó hẳn là cảm xúc chung của nhiều người từng sống ở khu tập thể. Một số đã mang cảm xúc đó vào tản văn, tùy bút hoặc chia sẻ trên mạng xã hội. Cách đây không lâu, cuốn sách Tập thể cũ Hà Nội, ký họa và hồi ức ra đời, tập hợp trong đó nhiều bài viết của các tác giả không chuyên kể về những năm tháng họ đã sống ở khu tập thể với những “đặc sản” như xếp hàng lấy nước, nuôi lợn trong nhà, sử dụng chung công trình phụ... Sự chật chội dễ làm nảy sinh mâu thuẫn, nhưng cũng mang đến sự gần gũi, gắn bó “tối lửa tắt đèn có nhau” mà trong cuộc sống hiện đại không dễ gì có được. Phải chăng đó cũng là một phần lý do khiến người ta thêm nhớ cuộc sống ở các khu nhà tập thể, từ đó xuất hiện Quân khu Nam Đồng của tác giả Bình Ca, Kim Liên một thuở của Vũ Công Chiến, cuốn nào cũng “đắt khách”.

Như tác giả Vũ Công Chiến tâm sự, ông viết chỉ để “ôn lại chút kỷ niệm còn đọng trong tâm trí. Trước là để dành tặng cho cư dân mọi thời kỳ của khu Kim Liên, nếu còn có lúc hoài niệm về quá khứ. Sau nữa là thông qua chuyện của mình và của khu tập thể Kim Liên để kể chuyện cho tất cả mọi người, những ai mong muốn hiểu thêm về một góc của Hà Nội, muốn biết được thế hệ trước đã sống thế nào, và những người có quan tâm đến lịch sử dưới góc độ trải nghiệm cá nhân”.

Cảm xúc về nơi mình từng sống suốt một quãng thời gian dài luôn là hành trang đi theo suốt cuộc đời mỗi người; thời gian càng lùi xa, cuộc sống càng phát triển thì càng khiến con người không nguôi nhớ về. Kể về khu tập thể trong cái nhìn của trẻ thơ, những cuốn sách như Đấy là nó nghĩ thế (Trần Ngọc Anh Thư), Quái thú Răng thỏ và khu nhà gỗ (Mây), Khu tập thể có giàn hoa tím (Đức Phạm), Mảnh trời có lá cờ bay (Tuệ An)... là những câu chuyện về tuổi thơ hồn nhiên, trong trẻo, nghịch ngợm trong những khu tập thể. Đó có thể là các khu nhà lắp ghép 5 tầng chung cầu thang, chung hành lang; là các khu nhà gỗ, nhà cấp 4 của các cơ quan, bệnh viện; những căn hộ nhờ ngăn chia trong ngôi biệt thự cũ mà thành...

Dù là căn hộ tập thể ở đâu thì đối với những đứa trẻ, đó đều là “mảnh trời nhiều nắng, nhiều kỷ niệm, nhiều yêu thương, nước mắt, cũng như nhiều ước vọng”, như nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn từng viết trong Nhà cũ ở Thành Công: “Căn phòng đã nhốt/ Những ngày trong veo/ Mùa xuân còn mãi/ Nơi mình buông neo”.

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, những người viết về nhà tập thể thuở xưa không phải dựng lại một lần nữa bối cảnh khó khăn, sự thiếu thốn trong những tòa nhà ấy mà dựng lên một đời sống tâm hồn. Những ô cửa sổ nhỏ bé, những cánh cửa sơn vội, những ban công chất đủ thứ, những lồng sắt đan kín, những bức tường nham nhở, những cầu thang hẹp và tối... giờ đây hiện ra trong một ánh sáng khác, xúc động vô cùng. Bởi viết về chính nơi chốn mình đã sống, viết về năm tháng tuổi thơ mình đã trải qua là các tác giả đang trở về với ngày xưa “bằng một con đường trong tâm khảm. Con đường của những kỷ niệm, những buồn vui, những da diết, những thương nhớ và những suy ngẫm về chính đời sống của cá nhân mình”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ký ức Hà Nội từ những khu tập thể