Cánh cửa chưa bước vào

Quang Hưng| 13/10/2020 05:55

(HNMCT) - Vô tình đưa mắt chạm một ban công quá đẹp làm tôi phải dừng lại nhìn kỹ hơn. Đã nhám màu, bám bụi, những khóm cây lòe xòe chờm cả ra ngoài với cái cục nóng điều hòa vỏ bạc phếch gá ngay liền đấy, lại thêm vài “phụ kiện” là một góc mái tôn gỉ hoen thò ra, hay một mảng gạch xây thêm, hoặc đục ra trát dối lại, không cần quét vôi nữa, làm cho nét pha trộn càng thêm bề bộn. Như là đời sống vậy. Như nhiều gia đình trong phố, những chục năm loanh quanh làm ăn, sinh hoạt, ngủ nghỉ, cơi nới, sửa sang rất nhiều thứ, với rất nhiều người mới lên, thêm vào. Từ ban công đó, đã có những người đứng nhìn phố mà ngẫm ngợi điều gì?

Minh họa: Nguyễn đăng Phú.

Tôi lang thang trong phố, thích thú nhìn ngắm những gì mình tưởng quen mắt, nhàm cũ lắm rồi mà kỳ thực lại chưa biết gì về nó cả. Vì từ sâu trong những khung cắt ô vuông, chữ nhật, những đường nét đắp vẽ, những thò ra thụt vào đã rõ phần lôi thôi ấy là chộn rộn lòng người.

Trên phố Cầu Gỗ, đằng sau mặt tiền hẹp một ngôi nhà, ngõ ngắn dẫn vào căn phòng khá rộng nếu dành cho một người ở, nhưng là chật để đồng hiện bao nhiêu công việc, dự định, nung nấu. Đó là một căn phòng thuê, lâu rồi, nhà nghiên cứu lấy làm nơi trở về giữa những chuyến đi Hà Đông, xuống Thường Tín, lên Bắc Giang, vào Huế... trên chuỗi hành trình phục hồi trang phục hoàng cung, đồ ngự dụng triều Nguyễn. Căn phòng lúc nào cũng kín các bản vẽ, giấy tờ, áo, khăn, vải, mũ... Người ấy đã tiêu dần, tiêu dần, tiêu hết tiền riêng vào mối duyên trời, cũng là cái “nợ - công đức văn hóa” này. Một năm lâu rồi tôi đến gặp. Dáng hình bao quý vật đã sống lại từ những ngọn lửa tự thân âm thầm ấy.

Nhỏ hẹp một quán cà phê cổ vật trên phố Quán Thánh, giảng viên ngành Sinh học của một trường sư phạm đã về hưu, mái đầu bạc nghiêng nghiêng những câu chuyện cổ ngoạn cho mỗi ai đến nghe, tìm hiểu, xin tư vấn. Ông là con một họa sĩ thuộc thế hệ họa sĩ Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Tình yêu cổ vật từ người cha truyền sang con, để cả cuộc đời kiếm tìm, thưởng lãm, nâng giữ các món đồ lưu lạc theo thời gian. Qua sân nhỏ sau quán cà phê, nhịp cầu thang gỗ dẫn lên tầng hai, tầng ba, trên tường là tranh của một số danh họa; những căn phòng xếp bát miệng loe dáng hoa sen đời Lý, lư hương đời Lê, Mạc, Nguyễn... Ông già tóc bạc thấp đậm có chút điệu đà phong lưu phố cũ, ngày ngày tiếp khách cà phê hỏi chuyện, tìm mua những món đồ trăm tuổi. Ai quý lắm, tin tưởng lắm ông mới cho lên nhà đấy!

Sau những cửa những nhà những khoảng không gian nho nhỏ ấy có bao nhiêu nhịp đập mà ta chưa biết. Nếu được duyên mà nhìn ngắm, trò chuyện thì sẽ có cơ may nhận thêm những hình nét, tâm tư, thân phận, làm sinh động thêm những cảm những nghĩ về cuộc đời dài, và có khi ta điều chỉnh một lối nghĩ, một quan điểm nào đó cho thấu đáo hơn, đời hơn, người hơn. Không thì ngay cái việc biết thêm đời thực, việc thực nhiều thăng trầm, uẩn khúc cũng đã làm lòng mình phong phú lên nhiều.

Nhưng tôi cứ thắc mắc lâu lâu về một nơi nào đấy mà mình đã thấy, đã có chút ấn tượng mà rồi mãi ngài ngại chưa chịu bước vào. Bao nhiêu cánh cửa cũ đẹp chạm hoa với các viền hạt, viền hoa dây nửa khép nửa mở, loáng thoáng những viên đá hoa to sứt lỗ chỗ thời gian; một cửa tò vò chùa trong phố mở nửa cánh cửa nâu có bóng người cầm làn hoa ở trong; ông gì tóc muối tiêu áo may ô ngồi lúi húi sửa cái quạt sau cửa sổ; một ngõ bé hút sâu với vệt lõm trên lưng tường dài tít vào trong do tay lái xe máy, ghi đông xe đạp quệt suốt nhiều năm, thấp thoáng một cái sân chung ở cuối “hầm tối”...

Qua những chỗ ấy, tôi đã tò mò, đắn đo, ngẫm ngợi và thầm muốn bước đến bao nhiêu lần. Đằng sau mỗi cánh cửa là nhiều câu chuyện, nhiều thân phận. Một em bé học bài, người mẹ đang nấu cơm, một người đếm lại những đồng bạc lẻ, ai đó dính mấy bông hoa vải vào cành nhựa, một chị rán đĩa đậu phụ tẩm hành cho mấy ông khách quen bên bàn rượu nhỏ... Luôn có một ai đó làm điều gì đó theo dự định, cho ngày mai như một chờ đợi, một hy vọng, cho một bất thần sực nhớ, một nghĩ một làm vu vơ...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cánh cửa chưa bước vào