Nước hồ xanh thẳm hồn tôi

Lê Phương Liên| 26/09/2020 05:14

(HNMCT) - Con người ta không được chọn nơi mình cất tiếng khóc chào đời. Nếu tôi sinh ra bên một luống cà, luống khoai, nằm trong một cái thúng thì chắc hơi thở đầu tiên đã thấm vị đất nồng nàn. Nụ cười “mụ dạy” bé thơ sẽ là nụ cười với cánh bướm vờn bên những nụ hoa cà và làn tóc tơ vương ngọn rau lang mát mẻ.

Nếu tôi sinh ra ở một làng chài ven biển thì tiếng đời đầu tiên mà tôi được biết chắc là tiếng sóng biển ì ầm triền miên. Còn nếu tôi sinh ra ở một bản nhỏ nằm ẩn mình giữa những ngọn núi cao thì bàn tay thơ dại chắc sẽ khua lên trong làn sương lạnh mang hơi thở của lá rừng và khí núi.

Minh họa: Lê Tiến Vượng.

Đó là tưởng tượng thế thôi, để nhận ra rằng mình sinh ra ở một chỗ trung tâm, một nơi mà mỗi tấc đất có cả triệu người đã bước qua bước lại, ấy thế mà vẫn đẹp lộng lẫy, từ ngọn cỏ cho đến cây đa ở nơi ấy vẫn thanh xuân mơn mởn, làn nước nơi ấy trong xanh gợn sóng xao xuyến lòng ai. Nơi ấy quen thuộc với mọi người, là vùng hồ Hoàn Kiếm.

Tôi yêu Hồ Gươm. Mùa hè, nước hồ đầy ứ sau những cơn mưa rào ào ạt. Trong cơn giông mặt hồ nổi sóng như có bóng cụ Rùa hiện ra rồi biến vào hư ảo. Vào mùa đông, nước hồ cạn đi để chân cầu Thê Húc bỗng cao lênh khênh. Hồ lặng trong sương, một màn sương mỏng nhẹ chứ không “mịt mù khói tỏa” như "Tây Hồ mờ xa". Những lúc gió bấc về, hồ mang vẻ cổ kính. Trong nắng mùa đông, tháp Hòa Phong, tháp Bút, đài Nghiên ngời lên một vẻ “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Chẳng hiểu sao những ngày thơ ấu giữa không trung lạnh ngắt, hễ cúi xuống mặt nước hồ là tôi thấy hơi ấm tỏa lên, thân thiết vô cùng.

Khi mùa xuân đến, cả vùng hồ Hoàn Kiếm thay sắc, lộng lẫy đèn xanh đỏ, cờ hoa rực rỡ. Mưa phùn rơi mà nam thanh nữ tú vẫn quần là áo lượt đi chơi. Tôi còn nhớ vào cái “thời hòa bình” mà nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã ghi lại trong bài hát Nhớ về Hà Nội, phía đường Lê Thái Tổ nơi có câu lạc bộ Thống Nhất luôn tràn ngập tiếng nói người miền Nam, người xứ Quảng, người xứ Huế. Bên bến tàu điện Bờ Hồ còn có cả người Dao, người Tày, người Thái mặc những bộ áo quần sặc sỡ lên tàu đi chợ Đồng Xuân... Những ngày Tết ấy, hồ Hoàn Kiếm như thoát ra vẻ cổ kính trầm mặc, hoan hỷ như nàng dâu trưởng chăm lo cho cả nước hài lòng trong ngày lễ trọng.

Mùa thu, hồ Hoàn Kiếm mới thực là hồ lục thủy. Những cây liễu bên hồ xanh mướt như mái tóc thiếu nữ. Những cây đa cổ thụ tráng kiện với hàng rễ rủ như bộ râu lão tướng oai hùng. Trong đền Ngọc Sơn, tiếng chim hót ríu ran, có những chú chim bay vút lên đỉnh tháp Bút hót vang chào đón đàn chim di cư bay ngang trời Hà Nội.

Ngày nay, du khách bốn bể năm châu khi đến Hà Nội hỏi thăm đường đến “Lake side” là được chỉ dẫn ngay đến một chỗ duy nhất được gọi là “Bờ Hồ” - hồ Hoàn Kiếm. Ở nơi ấy từng ánh nước là để cho cả triệu người được ngắm, từng bóng cây cũng là để cho cả triệu người được ngồi hóng mát, nghỉ ngơi... Tôi nhớ thi nhân Đỗ Phủ, nhớ ba chữ “cố viên tâm” (vườn xưa trong trái tim tôi)(*). Vâng, nước hồ Hoàn Kiếm xanh thắm tâm hồn tôi từ thuở ấu thơ.

-------------
(*) “Cô chu nhất hệ cố viên tâm” trích Thu tứ của Đỗ Phủ (712 - 770)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nước hồ xanh thẳm hồn tôi