Một gánh hàng rong

Thanh Mai - Ảnh: Ngọc Hà| 20/08/2020 07:34

(NSHN) - Nếu lấy cột mốc mùa thu tháng bảy năm Canh Tuất (1010), Lý Thái Tổ dời đô từ thành Hoa Lư đến thành Đại La làm điểm khởi đầu thì Thăng Long - Hà Nội đã đi qua 1010 năm đô thị.

Đất tứ trấn, nơi Kẻ Chợ nên người tứ xứ tìm về. Giới tinh hoa, nào học trò, Nho sĩ, kẻ may mắn đắc dụng, được bổ dụng làm quan lại. Nhưng còn cả những người về đây trong dòng lưu chuyển của cuộc mưu sinh. Thợ tài bốn phương, các phường thợ giỏi cùng tìm đến để làm ăn…

Nhà Lý, cùng việc xác lập vị thế đế đô cho đất Thăng Long, cũng đặt những viên gạch đầu tiên cho sự hình thành đô thị đầu tiên của nước. Quy hoạch cũng như đời sống đô thị dần hiện rõ. Ở phần quy hoạch, rất lớp lang, trung tâm Hoàng thành là “nơi vua ở”, chỗ thiết triều; ngoài thành là nơi dân tứ xứ tụ tập buôn bán, họp chợ.

Không chỉ khai sáng triều đại mới, thời đại mới của dân tộc, với bao công lao mở mang, nhà Lý còn được biết đến với sự nhạy bén trong hoạt động thương mại. Buôn bán sớm thịnh. Kẻ Chợ là một định danh, gắn liền với định danh đó là những chúng dân tứ xứ. Hẳn xưa, giao thông không phát triển, họ chắc chắn phải lội bộ, lỉnh kỉnh những quanh gánh, thúng mủng đựng sản vật đến trao đổi, bán mua…

Những gánh hàng rong, bắt đầu nhịp sống như thế, đã đi qua hơn 1000 năm của đời sống đô thị. Nhịp sống hiện đại, những gánh hàng rong vẫn còn hiện hữu.

Những gánh hàng rong kĩu kịt trên những con phố Hà Nội làm đậm thêm cái đẹp của phố phường xưa. Không biết ai là người đầu tiên quẩy gánh hàng rong đi bán? Nhưng tôi chắc một điều cái gánh hàng rong nhỏ bé kia có trước khi Lý Thái Tổ định đô nơi đất mới. Và những gánh hàng rong đã có một lịch sử càng thêm sôi động khi Đại La đổi tên thành Thăng Long. Nói không quá, họ chính là những người đã góp phần xác lập diện mạo của một trong “tứ dân” (sĩ, nông, công, thương) ở đời sống xã hội thuở trước.

Giả định về nguồn gốc của gánh hàng rong Hà Nội là xuất phát từ nhu cầu thương mại không có gì phải bàn cãi. Nhưng sẽ là thế nào nếu còn cho rằng nó là biến tấu của lao dịch. Đây là một điều thú vị lý giải sự sinh thành văn hóa không chỉ được thực hiện một cách tự giác mà còn là do cưỡng bức và những nhu cầu ngoại thân… Bất luận thế nào đi nữa, những gánh hàng rong đã trở thành một đặc trưng, một phần của đời sống phố xá.

Từ lúc trời còn mờ đất, các mẹ, các chị ở các làng ven đô như Bạch Mai, Ngọc Hà, Hạ Đình, Làng Cựu, Xuân Đỉnh…đã chuẩn bị xong cho một gánh hàng rong và điểm đến sẽ là các chợ Đồng Xuân, chợ Hôm – Đức Viên, Hàng Da…hoặc các điểm dân cư đông đúc nơi có nhiều thị dân thích ăn quà sáng. Giữa phố xá ồn ào, tấp nập, những gánh hàng rong đã tạo ra một nét duyên ngầm cho phố phường Hà Nội xưa. Khói từ bếp than hồng đỏ rực quyện với mùi thơm của bột gạo đã theo những tiếng dép lê tần tảo như một giai điệu lòng đều nhịp âm vang trên phố vắng.

Vào mùa đông, những gánh hàng rong còn quyến rũ hơn nhiều. Đó, đôi khi là sự mở đầu một buổi sáng cho phố xá. Người Hà Nội sành ẩm thực, khi đãi bạn thân tình thường mời đi ăn “bún gánh”. 

Người Hà Nội thích ăn vặt nên hàng rong được bán suốt ngày. Cứ vào một giờ nhất định ở một ngõ nhất định lại có một gánh hàng rong đi qua. Kèm theo bước chân khoan nhặt là một tiếng rao lảnh lót. Không thấy đói mà vẫn thèm ăn như một nhu cầu tình cảm.

Dù gì thì theo cùng sự phát triển, vẫn có nhiều chuyện phải nghĩ. Gắn với những gánh hàng rong là bao phận người, bao cuộc mưu sinh. Không phải ngẫu nhiên mà hàng rong – “buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định” - lại được “chế tài” trong văn bản quản lý nhà nước. Thành phố cũng có nhiều văn bản, thực hiện nhiều giải pháp để vừa bảo đảm cho “hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định” ấy vẫn tiếp tục nhịp sống của mình, vừa không để ảnh hưởng đến trật tự văn minh đô thị. Văn minh, hiện đại là tiêu chí hướng đến, là những thành tố phải vun đắp từng ngày, từ hôm qua, hôm nay cho Hà Nội mai sau.

Hàng rong sẽ vẫn tiếp tục nhịp sống của mình. Nhưng mai này, có thể theo một cách khác, như những ví dụ thú vị ta nhìn ra đô thị các nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một gánh hàng rong