Cơm nắm muối vừng

Phố Hoa| 25/06/2020 10:21

(HNMCT) - Ngày còn bé, tôi sống với mẹ ở quê. Nhà làm ruộng, lại neo người, công việc đồng áng vất vả. Để tránh cái nắng cháy thịt da của tháng sáu, mấy mẹ con tầm 3-4h sáng đã đi bộ gánh mạ ra đồng xa. Con bé con là tôi, da đen nhẻm, tóc khét mùi nắng, mắt nhắm mắt mở bám vào một bên quang gánh của mẹ gà gật bước.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Cặm cụi cấy đến khoảng 6-7h là thấy đói bụng, mấy mẹ con lên bờ rửa tay, ăn sáng. Thời đó, các gia đình chỉ sẵn gạo, ngô, khoai, sắn nhà trồng được nên thường nắm cơm, giã muối vừng từ đêm hôm trước để sáng hôm sau mang đi làm đồng. Miếng cơm nắm đơn giản mà no bụng ấm lòng ngày mỗi ngày.

Làm cơm nắm không cầu kỳ, nhưng nếu nấu không khéo thì khó thành. Cơm cứng quá thì khó nhuyễn, sau ăn bị khô, nhưng cơm mà ướt quá thì khi nắm sẽ nhão. Cơm nấu dẻo nghĩa là hơi ướt một chút, vừa chín tới còn đang nóng hôi hổi là phải nắm ngay. Mẹ tôi giặt một cái khăn thật sạch, để hơi ẩm cho đỡ dính cơm, vừa nắm vừa kể cho chúng tôi nghe ngày xưa các cụ, các bà nắm cơm bằng mo cau. Nhà tôi không có cau nên mẹ dùng khăn. Còn như bây giờ thì người ta sẽ lót một lớp ni lông bên trong khăn để nắm. Xới cơm vào khăn, túm chặt lại và bắt đầu nhồi, nặn đều các mặt. Xoay đi, lật lại cho đến khi nào nắm cơm trở thành một khối nhuyễn mịn thì đặt lên mâm. Mẹ thường bảo chúng tôi ngồi quạt cho cơm nhanh bay hơi, kẻo đọng nước thì cơm dễ bị nhão, chóng thiu.

Cơm nắm thường ăn với giò chả, thịt rán, ruốc hay mắm tép, nhưng muối vừng vẫn là thứ thường được dùng với cơm nắm, rất đậm đà. Gọi là muối vừng nhưng thực ra là gồm cả muối, lạc và vừng. Cả ba thứ cùng được rang lên rồi giã, nhưng phải nhớ nguyên tắc lạc giã dập, vừng giã nhỏ, muối giã mịn. Giã xong, trộn lẫn là được bát muối vừng thơm lừng...

Mẹ trải một tấm ni lông ra bờ cỏ, lót một tàu lá chuối xanh mướt đã được lau sạch. Đặt gói cơm nắm trắng ngần lên trên. Vừa mở gói muối vừng ra, mùi thơm đã xộc lên mũi. Mẹ dùng dao cắt nắm cơm thành từng miếng con chì đều tăm tắp. Cầm miếng cơm trắng nõn nà, chấm nhẹ vào gói muối vừng nâu nâu, cho vào miệng khẽ cắn một miếng. Ôi chao! Cũng là cơm được nấu từ gạo tẻ như mọi bữa thôi mà sao hôm nay ăn ngon lạ! Miếng cơm như miếng thạch mát lạnh giữa hè, thêm vị bùi bùi, ngầy ngậy cùng vị mặn mòi của muối biển đậm đà đưa cơm biết bao! Đều là ngọc thực của trời, đều là sản vật chắt chiu từ đất, từ những giọt mồ hôi bạc vai gầy áo mẹ...

Sau này, lớn lên, tôi ra phố học và sinh sống, ít khi được ăn cơm nắm muối vừng. Một buổi trưa lang thang ngắm phố phường Hà Nội, thấy gánh hàng rong bán cơm nắm muối vừng, chợt thèm nắm cơm của mẹ da diết. Chẳng có loại thực phẩm nào lành như cơm nắm muối vừng của mẹ. Những người con nông thôn, khi lớn lên, trưởng thành, ra khỏi lũy tre làng, xa rời vòng tay của mẹ thì dẫu có đi năm châu bốn bể, có cơ hội thưởng thức đủ thứ sơn hào hải vị, nhiều lúc vẫn nhớ cồn cào nắm cơm trắng chấm muối vừng lạc của mẹ ngày xưa.

Lại thèm được sà vào lòng mẹ mà hít hà hương đất nồng nàn chân quê, thèm một bữa được ngồi giữa bao la đất ấy, trời ấy, đồng ấy, ruộng ấy, ăn bữa cơm nắm muối vừng của mẹ, với mẹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơm nắm muối vừng