Đường xuân cổ tích

Nguyễn Quang Hưng| 26/01/2020 07:49

(HNMCT) - Sao tôi cứ nghĩ thế khi nhà bê tông hộp xây lên quá nhiều rồi trên những đường làng xa nhất, mắt người nhìn chùng lại những ngày đầu năm đi hỏi chào, thăm nom. Và những sắc màu “Tết face” đã rực rỡ bắt mắt người ta hơn là một nét trầm son kịp nhìn thấy ở trên mào con hạc gỗ đứng bất động bên cột đình. Và có lẽ, kể cả những suy tưởng lạc quan về lẽ bền lâu của tập quán, nếp sống truyền đời, cũng không khỏi có lúc hơi lung lay trước cái cổng làng mới xây, xây theo kiểu mới - chẳng giống cổ, cũng chẳng ra kim.

Ảnh: Lê Việt Khánh

Sao tôi vẫn muốn ngày hôm nay xuân còn cổ tích?

Vậy đấy, sao vẫn cứ nghĩ như một điều gì - huyền diệu chăng, nhiệm màu chăng? - còn có thể hiện ra vào giữa buổi tết nhất nhưng có năm đã trở nên oi ả như sắp vào hè. Ngẫm cái tiết trời ấy mà “hung hăng” sấn vào xông đất nhà mỗi người ta ngay sáng mùng Một thì cũng đã thấy những là... nản lắm!

Nhưng mà nghĩ thật, về một lẽ gì sâu xa, long lanh mờ ảo, khi nhìn các bà các cụ từ cổng chùa vào, vừa đi khe khẽ qua sân vừa dừng lại ở trước nhà tổ vái một cái rồi đi tiếp vào đằng trong, gặp, rành rọt, kính cẩn một câu đầu năm mới: “A di đà Phật! Đầu xuân năm sớm, con chúc thầy mạnh khỏe ạ!”. Các bà cụ còn lại của một thời đoạn xưa, chiếc khăn nhung đen ánh xanh bạc bạc buộc chéo đầu, môi đỏ quết trầu trên làn da nhăn đã sẫm, lời khẽ khàng thưa gửi từ tấm áo bông bó thân hình mỏng mảnh, thong thả, cúi cúi, gặp ai cũng gửi ánh nhìn lành thiện, ánh nhìn ở gần cuối một đời có lẽ đã lắm nẻo nhọc nhằn, nhẫn nhịn, thiếu thốn, nhưng càng tháng năm càng thêm bao dung.

Ngôi chùa này ở cuối thôn Phúc Đức, xã Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội, hôm nay đông các bà, các cô, các vãi quá. Tôi hân hoan được thấy ngôi chùa đông người. Hòa trong ấy có cả niềm vui của sư trụ trì, người vẫn nói với tôi, có việc gì là người làng quanh đây xắn tay vào, còn bình thường ngày thường vẫn có người sang, giúp này giúp nọ, cơm nước, dầu đèn, lau dọn...

Chùa thế mới là của làng, mới ở trong dân. Các bà các cháu về nhà, sang chùa, thường xuyên những tháng ngày thân thuộc. Hôm giỗ tổ, vẫn trong không khí nối dài của mấy ngày tết nhất, tôi gặp nhiều bà nhiều cô cần mẫn, đôn đáo, mà lại không ồn ào, lo toan hậu cần từ dưới khu nhà bếp. Những mâm cơm chay, bát đũa tập kết lên - xuống, những người làng cắm cúi dọn dẹp... Chúng tôi được xếp ngồi cùng mâm với hai bà cháu. Bà già lão, nhỏ bé. Cháu sáng sủa và lễ phép. Vừa thụ lộc, chào hỏi, chuyện trò, bà vẫn vừa để ý nhìn như nhắc nhở cháu “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”.

Mâm cỗ chay hôm ấy làm tôi nhớ lại hội xuân làng Ngang Nội bên Tiên Du, Bắc Ninh, chúng tôi sang chơi, gặp lại và ngồi ăn cỗ cùng liền chị Kim Quýnh. “Bà trùm Quýnh” của Câu lạc bộ Quan họ thôn Đặng Xá ở đằng chân dốc Vạn An, đưa câu lạc bộ về hội chúc Tết, hát giao lưu với bạn quan họ làng kết chạ Ngang Nội. Vào mâm vẫn lựa dành cho bạn, cho khách đôi câu ca để cuộc vui năm mới thêm không khí, thêm bổng trầm, và lúc ăn, cô Kim Quýnh cũng vẫn cái nét “lịch” lắm, thẽ thọt, nhỏ nhẻ của người đi hát. Lúc và cơm, chiếc bát nâng chéo cao lên một chút, kín đáo.

Thế là tôi như nhận ra ở những cuộc gặp gỡ ấy một điều gì, vừa thực thà đấy, cụ thể đấy, mà cũng không phải đâu cũng có. Một điều gì nó khiến cho mình dâng thêm niềm vui, lòng quý trọng, lòng tin. Ở trong những ngày đầu xuân mới quang mới quẻ thế này, có lẽ cái điều ấy lại ẩn chứa chút gì màu nhiệm chăng, khi ta được nhận, được hưởng!

Nhân nói sang hội quan họ bên Kinh Bắc, nhiều người đã biết cái sự ca hát quan họ đã lan rộng sang nhiều nơi ở Hà Nội. Để mà hội xuân có thể thấy đâu đó bên Thủ đô, một làng quê nọ, một hồ nước có thuyền quan họ hát thong dong. Có lần hôm 14 tháng Giêng, hội xuân làng Hà Cầu - làng Đơ, nơi từ lâu đã “lên” phường giữa phố Hà Đông, bố tôi đi về, hớn hở “khoe”, ở chỗ đình làng Đơ người ta có hát quan họ đấy! Tôi cũng đi ra xem còn không thì tiếc quá, chỗ ấy cách nhà cũng một đoạn xa mà đi bộ đến nơi thì đã hát xong rồi. Ngày xưa hồi còn trẻ, bố tôi có được đi hội Lim bên Bắc Ninh một lần. Chắc lần đầu được nghe hát quan họ nên nhớ mãi. Sau này cứ thấy có liền anh liền chị hát trên ti vi là bố lại bảo, quan họ đấy!

Tôi nhớ có tối mùng 7 tháng Giêng trước chính hội làng Phùng Khoang (nay thuộc phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) một ngày, xem hát quan họ ở sân đình. Hát “bằng” đội văn nghệ các ông bà của làng, chứ cũng không phải thuê đâu. Thiếu giọng nam hát nên mấy bà phải “đóng giả” liền anh hát với các bà khác làm liền chị. Hát lưu luyến, thân mật, nhìn cũng vui vui. Rồi tôi đi theo đám trẻ con đã mang đầu rồng ra khỏi sân đình, trong tiếng trống giục hối hả do một đứa kéo xe hai bánh chở trống, một đứa đi nhanh theo gõ, một đứa gõ “chập cheng”, cả chục đứa khác chạy, hò reo, “vận hành” con rồng bay lượn trên đường làng, vòng quanh ao với tốc độ nhanh. Mà trẻ con múa thì nó hăng lắm, vồng lên, lượn xuống liên hồi, có khi quẹt cả sừng xuống mặt đất, rồi vút lên cao quá đầu người lớn, kéo theo từng khúc thân đổ võng xuống rồi lên, từ bên này sang bên kia, phấp phới, lấp lánh.

Cả năm mới có lần như thế, biết cũng là vải, giấy bìa, là gỗ, là kim tuyến kim sa đấy thôi, mà trông dáng rồng sao thật linh hoạt, mạnh mẽ! Như điều gì thiêng liêng chợt hiện trong chớp mắt. Nghĩ thêm, cảm thấy cái tâm, cái tình, cái thần của con người ta gửi gắm vào đấy cả, làm cho những điều bình thường trở nên lay động. Từ xa xưa thuở nào, ai nghĩ ra trò múa rồng, ai đã làm cái việc nhặt nhạnh, khâu dán với các vật liệu để tượng hình con rồng theo tranh, theo hình điêu khắc trên đình, theo mẫu thêu trên vải, rồi những người ra múa thành hình, thành bài, thành động tác rồng cuộn tròn, phi lên, lượn xuống, luồn qua thân... đầy dũng mãnh, khí thế. Hàng chục con người áo khăn rực rỡ, nai nịt gọn gàng, hình dung nghiêm cẩn, múa rồng đầy khỏe khoắn cho hàng trăm hàng nghìn con người khác xem. Một cuộc hiện thân lộng lẫy với những điều thêu dệt, tưởng tượng, vừa là trò diễn hào sảng, lôi cuốn, vừa biểu trưng tín ngưỡng cao cả. Nhất là khi những màn múa rồng thường được tái diễn vào dịp hội làng, thời điểm người ta đang dâng lên trong lòng niềm ngưỡng vọng thánh thần. Hình ảnh rồng về, góp thêm sinh khí linh thiêng vào không gian, khung cảnh huyền thoại ấy của làng quê, uyển chuyển trên sân đình, theo những đoàn rước dài sặc sỡ, theo kiệu bay.

Ngẫm điều cao xa, tôi nhớ cả hình ảnh dung dị về một người... làm rồng ở làng Đa Sỹ, làng rèn dao, làng có nghề thuốc, làng học, nơi cũng đã “lên” phường của thị xã Hà Đông trước, quận Hà Đông nay. Một dạo đã lâu lắm rồi, làng Đa Sỹ mở lại lễ hội sau bao năm nổi trôi nếp cổ, nhiều người nhìn con rồng vải rách nát trong kho mà buồn rầu. Bác Nguyện, một cựu chiến binh khéo tay, ngày xưa biết trang trí, cắt dán, nghĩ thế nào, lại nhận nhiệm vụ sửa chữa, làm lại con rồng ấy. Đo đạc, cắt, khâu, dán, tô điểm, gắn lắp, thay mắt, miệng, mũi, bờm, mang, sừng, vây, đuôi..., hì hụi mãi cũng xong được con rồng ưng ý cho thanh niên làng luyện tập múa mừng hội.

Rồi thế nào lại thành nghề mới, thành việc, rất đỗi là duyên, như là có gì... xui khiến chăng? Chẳng phải thế, nhưng việc đời thường cũng nhiều đưa đẩy. Có người đến đặt bác làm. Rồi làng này kể với làng kia. Nơi này giới thiệu cho nơi khác. Có những làng xã trong, ngoài Hà Nội, có khi tận trên trung du, miền núi cũng tìm về đặt bác làm rồng vải rồi mang cả ô tô, đội múa về “rước” rồng đi. Làm nhiều hơn, tay thêm khéo, đầu thêm ý nghĩ cải tiến, con rồng bền chắc hơn, mắt long lanh hơn, nhẹ hơn, múa càng bay, càng đẹp.

Bây giờ thì bác Nguyện - người “nuôi rồng” làng Đa Sỹ, đã theo gió nước mà lên với mây ngũ sắc không trung ẩn hiện những thân rồng. Một con người điềm đạm, tỉ mỉ và thong thả, cắt dán những con rồng vải cho cuộc trình diễn làm hào hứng hàng trăm hàng nghìn con người. Có thể nghĩ mông lung xa xôi, là những thời khắc cuối, rồng về đón người đi. Cũng có thể rất bình thường, cuối đời bác nhớ về những con rồng vải đã cắt dán, khâu nối, nghĩ đến những mảnh vật liệu mà qua bàn tay khéo, chúng trở nên rực rỡ, sống động...

Không còn nhiều, nhưng vẫn sẽ có những người như bác Nguyện, miệt mài cắt, dán những con rồng vải. Tôi nghĩ, đó đều là những điều kỳ diệu mà chúng ta có may mắn nghĩ đến, nhìn thấy, cảm nhận được. Như đâu đó, ngay giữa đám đông hò reo, đằng sau những người đang chạy vòng quanh múa lượn, ánh mắt người thợ vẫn dõi theo những con rồng đang bay lên trong hội xuân rực sáng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đường xuân cổ tích