Tản mạn chợ hoa Hàng Lược

Tạ Thu Phong| 24/01/2020 07:55

(HNM) - Đất Thăng Long linh thiêng, người Tràng An thanh lịch, trong lòng mảnh đất nghìn năm văn vật ấy mỗi góc phố, con đường là những câu chuyện ẩn chứa huyền sử. Có ai thống kê được trên mảnh đất thượng kinh này từng xuất hiện bao nhiêu tên đường, tên phố? Ngay ở khu phố cổ này thôi, các con phố đều tụ nhau bởi chữ “Hàng” rồi lần lượt phân định rành mạch theo từng phố nghề đâu ra đấy.

Hà Nội đã từng có phố Hàng Mụn chuyên bán các loại vải vụn, phố Hàng Lọng chuyên bán lọng che. Rồi Hàng Bạc với nghề khảm bạc, Hàng Đào chuyên lụa tơ. Trải qua thời gian, tên phố, tên hàng đã dần mai một. Có những tên phố 
đã chìm vào quên lãng như Hàng Mụn, Hàng Nâu, Hàng Lọng, Hàng Hài. Hoặc có khi còn tên nhưng mất nghề như: Hàng Vải, Hàng Đào, Hàng Khay, Hàng Điếu.

Bây giờ chúng ta nói đến chợ hoa phố Hàng Lược. Dĩ nhiên thời xưa phố Hàng Lược không phải là nơi có chợ hoa. Nếu không chắc chắn con phố này phải mang tên phố hàng hoa hoặc một cái tên khác tương tự vậy. Ngó lại những năm đầu thế kỷ XIX, phố Hàng Lược chỉ là con đường đất nhỏ dọc hai bên bờ sông Tô Lịch. Để quy hoạch thành phố, người Pháp đã lấp một đoạn từ thượng nguồn sông Tô, nơi mà dòng sông Tô khi xưa chảy bây giờ đã thành con đường Hàng Lược tấp nập đông vui. Do nằm ở bờ sông nên người Pháp mới đặt tên là “phố sông Tô Lịch” (Rue de Riviere To Lich). Dân ta quen gọi là phố Bờ Sông hoặc Cống Chéo - Hàng Lược. Sở dĩ gọi như vậy là bởi trước đây người Pháp đặt một cái cống rất to bắc chéo qua sông cho người dân đi lại (vị trí cống đó ở vào khoảng giữa phố Hàng Lược hiện nay).

Phố Hàng Lược tuy nhỏ nhưng lúc nào cũng tấp nập. Những người đến đây không chỉ có những tiểu thư con quan, me tây, bà đầm, mà còn có cả các cô thôn nữ răng đen, quần thâm áo vá. Bởi lẽ phố này đã sản sinh ra hai sản phẩm không thể thiếu cho mọi người, đó là gương soi và lược chải đầu. Phố Hàng Lược cung cấp gương lược cho cả Hà Nội và từ đây những cây lược ngà voi tinh xảo, lược sừng làng Thụy Ứng, lược gỗ làng Tiên Nhị Khê, lược bí làng Hoạch Trạch được tỏa đi khắp đất nước. Nên chẳng có gì ngạc nhiên khi những ai đi qua đây đều nghe thấy tiếng ầm ì của máy mài, máy cưa và tiếng nước róc rách để rửa sạch bụi ngà cùng tiếng dùi đục của các nghệ nhân chạm khắc.

Sau khi sông Tô Lịch chảy qua phố Hàng Lược bị lấp, mặt hàng thủ công truyền thống ở đây cũng dần bị mai một. Phố Hàng Lược buộc phải chuyển mình. Nhờ vị thế địa lý thuận tiện thông ra chợ Đồng Xuân nên đã dẫn dụ chợ hoa ở quán Huyền Thiên và chợ Đồng Xuân dịch chuyển về phố Hàng Lược. Sau này thành phố quy hoạch quán chùa Huyền Thiên, thành thử nơi đây không còn bán hoa nữa. Những người bán hoa chính thức chuyển về phố Hàng Lược họp chợ.

Thực tế, Hà Nội có rất nhiều chợ hoa bán quanh năm như Yên Phụ - Nhật Tân, chợ Bưởi - Hoàng Hoa Thám. Đó là chưa kể các cô thôn nữ với “gánh hàng hoa” len lỏi khắp phố. Nhưng chợ hoa Hàng Lược có nét đặc trưng riêng mà không nơi nào có được. Chợ họp mỗi năm một lần và chỉ kéo dài khoảng 2 tuần, từ giữa tháng Chạp cho đến tối Giao thừa. Tuy thời gian họp khá chóng vánh nhưng chợ vẫn mang đầy đủ nét thị dân và thanh lịch vốn là đặc trưng của người Hà thành. Đã là chợ, thì có người mua - kẻ bán, có mặc cả, ì xèo. Nhưng chợ hoa Hàng Lược không chỉ có quan hệ mua bán mà còn là nơi những người Hà Nội tìm về chốn xưa, tìm về với những giá trị tinh thần từ bao đời cha ông truyền lại.

Chợ kéo dài từ khu vực đầu bốt nước Hàng Đậu cho đến hết phố Hàng Lược. Khu vực Thánh đường Hồi giáo Al-Noor Mosque đến ngã ba Hàng Lược - Hàng Khoai là trung tâm của đào và quất. Đào ở đây được chuyển về từ các làng hoa ven đô như Nghi Tàm, Quảng Bá, Nhật Tân. Đào có hai loại: Đào phai cánh đơn màu hồng phấn nhuần nhị, đào bích cánh kép đỏ thắm rộn ràng. Gần đây, xuất hiện thêm loại đào cổ thụ rêu phong, mốc thếch nghe đâu được những tay buôn đào mang từ trong rừng về.

Nói đến hoa mai, nếu người miền Nam thích mai vàng thì người Hà Nội lại yêu mai trắng. Những gốc “lão mai” tùy theo tuổi thì khá đắt đỏ. Có vẻ như người Hà Nội ưa sự ung dung, tự tại, nhẹ nhàng kín đáo của mai trắng hơn vẻ hồn nhiên rạng rỡ của mai vàng. Nhưng không vì thế mà những người yêu mai vàng phải thất vọng, chợ Hàng Lược đâu có thiếu mai vàng. Và cây mai vàng ở đây có nét đẹp rất riêng. Hình như thiếu cái nắng, cái gió, lại thêm cái lạnh tê tái của miền Bắc nên hoa mai tuy vẫn vàng óng nhưng e ấp, ngập ngừng chứ chả được khoáng đạt như mai của miền Nam.  

Đến đây, người viết lại nhớ đến một người bạn tâm giao. Năm nào cũng đến chiều tối 30 Tết thì anh ấy mới lò dò ra chợ hoa mua cành đào. Thời khắc này, đào thì xấu nhưng được cái dễ mặc cả. Nhưng anh tâm sự, không phải ham rẻ vì chưa bao giờ anh ấy mặc cả với người bán. Là người sành chơi, ai lại chọn cho mình thời khắc chỉ còn hoa ế, hoa xấu. Anh ấy tin rằng những người đang co ro kiên nhẫn đứng dưới cái giá buốt của chiều cuối năm kia để bán được cành đào thì ắt hẳn họ là những người nghèo khổ. Thôi thì mua đào xấu chút cũng được, nhưng giúp họ sớm về nhà sắm Tết. Nghe mà thấy cay mắt, ấm lòng!

Chếch sang Hàng Mã - Hàng Đồng là chợ đồ cổ, đồ cũ. Tại đây, ta có thể thấy trăm nghìn vật dụng đã từng thân thuộc một thời với mỗi gia đình được các nhà sưu tầm tìm về cho ai nặng lòng với ký ức. Ta thấy những gì? Đây là chiếc đèn dầu cổ gợi nhớ những năm gian khó của đất nước. Kia là chiếc ấm đất da chu khiến ta nhớ đến truyện ngắn “Những chiếc ấm đất” rút trong tập “Vang bóng một thời” của nhà văn tài hoa Nguyễn Tuân. Còn nữa, những bức hoành phi, câu đối, máy hát loa kèn... những vật dụng trở về từ quá khứ khiến cho bất kỳ ai lạc bước đến đây đều có cảm giác như thời gian đang ngừng trôi.

Hà Nội có nhiều chợ hoa, nhưng chợ hoa Hàng Lược luôn có chỗ đứng riêng. Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, khi tiếng mõ trong mái chùa Vĩnh Trụ đều đều thanh thoát, tiếng chuông của Thánh đường Hồi giáo Al-Noor Mosque lanh lảnh vang ấy là lúc đất trời và lòng người hòa quyện náo nức. Giữa nhộn nhịp chợ hoa, bất chợt ai đó khe khẽ hát:

Phố Hàng Lược chợ hoa, phố Hàng Đào lụa tơ.
Đất Thăng Long người ơi!
Mái nhà nào chờ tôi 
Hà Nội, xuân đang về!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tản mạn chợ hoa Hàng Lược