Tết Hà Nội trong hồi ức Vũ Bằng

Thu Hằng| 12/01/2020 11:10

(NSHN) - Với mỗi người Việt Nam, Tết chính là giá trị văn hóa cổ truyền đẹp nhất, nhân văn nhất của dân tộc, là thời khắc chuyển giao năm cũ, năm mới, là thời điểm để gia đình, người thân dù đi đâu, ở đâu cũng nghĩ về nhau, nghĩ về cội nguồn của mình. Nhà văn Vũ Bằng trong hoàn cảnh đặc biệt phải xa quê hương suốt một thời gian dài nên ông đã gửi nhớ thương của mình vào những trang viết lay động lòng người về những cái Tết Hà Nội...

Vũ Bằng - một mảnh hồn của Hà Nội

Vũ Bằng (1913 - 1984) là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng có nhiều đóng góp cho nền Văn học Việt Nam hiện đại. Do công tác đặc biệt, từ năm 1954 đến cuối đời, người nghệ sĩ đất Hà thành sống giữa đô thị Sài Gòn. 

Suốt quãng đời ly hương, thường trực trong Vũ Bằng là nỗi lòng đầy khắc khoải và vời vợi nhớ thương về quê hương miền Bắc, nơi có người vợ hiền thục, đảm đang nhưng đã trở nên quá xa vời, cách trở. Nỗi nhớ cồn cào ấy được ông gom góp vào những trang văn… 

Bắt đầu khởi bút từ tháng Giêng năm 1960, tuy nhiên, phải đến khoảng những năm 1970 - 1971, tập bút ký “Thương nhớ mười hai” mới được hoàn thành. Gần mười hai năm ròng rã dành để viết nên hơn ba trăm trang sách, có thể nói cảm xúc đã thăng hoa đến tột cùng bởi nỗi nhớ theo năm tháng ngày càng xoáy sâu trong tâm hồn ông. Đặc biệt, ông đã dành hai chương cuối “Tháng Chạp, nhớ ơi chợ Tết” và “Tết, hỡi cô mặc áo yếm xanh” để hoài niệm và ca ngợi những giá trị văn hóa phong tục truyền thống rất đặc sắc trong ngày Tết của dân tộc, làm thổn thức lòng người.

Tháng Chạp đã nhớ Tết

Trong văn Vũ Bằng, Tết không chỉ là khoảnh khắc của sự chuyển mùa, của tiết trời tuần hoàn theo lẽ tự nhiên của vũ trụ mà còn là một ký ức văn hóa luôn gắn với tâm thức con người mà ở đó văn hóa phong tục, tập quán ngày Tết là một trong những nét văn hóa để lại dấu ấn sâu đậm nhất.

Trong dòng hoài niệm của Vũ Bằng, Tết bắt đầu nổi vị từ sau rằm tháng Chạp. Vũ Bằng tuyệt siêu khi miêu tả cái xốn xang của đất trời ùa sang lòng người trong cái tháng cuối năm. Nhà văn bày tỏ: “Yêu tháng Chạp không biết bao nhiêu, nhưng yêu nhất là những ngày giáp Tết, thời tiết sao mà đã thế, con mắt tấm lòng sao mà đong đưa thế, lời nói, tiếng chào sao mà duyên dáng tơ mơ thế”.

Trong gia đình mình, nhà văn không quên hình ảnh người vợ đảm đang, tháo vát, từ đầu tháng Chạp đã tất bật lo lắng mọi thứ: Sửa Tết, sắm Tết, gửi Tết, biếu Tết… “Cứ vào khoảng mồng mười trở đi, người vợ lại phải thức khuya để quét dọn bàn thờ, bày biện lại mấy bộ đồ trà, mấy bình rượu thúy lục, thúy hồng bày ở trên đầu tủ rồi đem hộp mứt ra rửa, cắt những miếng trang kim để bày dưới những miếng kính ở cơi trầu, rồi ra sân vặn đèn thay nước của từng cốc, uốn lá và lấy những cái tăm tách những cái giò thủy tiên ra để cho đừng chạm nhau”…

“Ở Hà Nội, đến Tết, nhà nào cũng phải có một cành đào hay cây mai, một chậu cúc, cụm hồng nhung hoặc một cặp đỗ quyên có hoa nở đỏ chói để cho vui nhà vui cửa; nhưng có những nhà đặc biệt quan niệm rằng Tết mà không có hai chậu lan chân cua để trưng bày thì cái Tết kém hẳn phần rực rỡ”…

Những phiên chợ ngày thường không có gì đặc biệt nhưng nhà văn lại vô cùng thích thú với phiên chợ ngày Tết: “Thì ra chợ Tết có một sức hấp dẫn kỳ lạ thật: nhìn vào cái gì mình cũng thấy đẹp, trông người nào mình cũng thấy tươi, thấy cái gì mình cũng muốn mua”. Hết chợ Mới Mơ, chợ Bằng, chợ Ô Cầu Dền, chợ Đồng Xuân đến chợ Đần, chợ Ngăm, chợ Đệp… Đó là sức hấp dẫn của cái đẹp được hình thành từ những điều bình dị của cuộc sống, một cuộc sống không màu mè, không làm dáng.

Nét đẹp trong những ngày trước Tết là tục “gửi Tết” (tức là các ngành trong họ phải mang đồ lễ đến nhà gia trưởng để cúng Tết) và “biếu Tết” (cho bạn bè, người thân, người ơn)… Tác giả viết rõ: “Đây không phải là đút lót mà là để tỏ cái tinh thần thương yêu, cởi mở, thực thi quan niệm “thêm bạn bớt thù”, san bằng những mâu thuẫn để cho người ta có dịp biểu thị những tình cảm, những ý niệm thắm thiết mà người ta không biểu thị được trong những ngày thường trong năm phải làm ăn vất vả, đầu tắt mặt tối không có thời giờ thăm viếng nhau, trò chuyện với nhau lâu”. 

Nhớ về tổ tiên cũng là một phong tục đẹp của người Việt Nam nên dù ở đâu thì “việc thăm mộ gia tiên nội ngoại để viếng các cụ, đắp lại mộ các cụ và thắp nhang mời các cụ về ăn Tết với con cháu nhà” cũng được mọi người quan tâm. 

Vũ Bằng nhớ và trân trọng những kỷ niệm: “Tôi nhớ Bắc Việt vào những ngày hai mươi ba tháng Chạp, tiễn ông Táo lên Thiên đình. Từ sáng tinh sương, chưa bước chân xuống giường, tôi đã nghe thấy tiếng rao ơi ới ở khắp các nẻo đường: “Ai mua cá ông Táo không?”, “Cá ông Táo không nào?”. Nghe như thế, tự nhiên lòng mình bỗng nao nao vì biết rằng có cá ông Táo là sắp đến Tết rồi. Không thể nào nằm được nữa. Mình ra xem thì thấy những bà bán hàng gánh hai cái thúng sơn đi vắt vẻo đôi tay, như chạy, để bán vội cho hết hàng, kẻo còn phải về sớm để sắm sửa tiễn ông Công lên chầu trời tâu việc hàng năm của mỗi gia đình”…

Ghi lại hồi ức về sinh hoạt những ngày trước Tết vùng Bắc Bộ, Vũ Bằng đã đưa vào trang viết những nét đẹp của nền văn hóa cổ truyền của dân tộc được lưu giữ qua thời gian và thấm vào máu thịt, tâm hồn mỗi con người. 

Một tình yêu sâu sắc dành cho Hà Nội

Mùa xuân Hà Nội, mùa xuân miền Bắc “có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa, có câu hát huê tình của cô gái đẹp như thơ mộng”. Trong niềm giao cảm của đất trời mùa xuân, Vũ Bằng đã đưa bạn đọc đến với những thú vui tao nhã của người dân Hà thành để cảm nhận được cái tiết trời “gió lạnh riêu riêu ấy”, đó là “có thể đạp xe trên Hồ Gươm, đợi đến sâm sẩm tối ra ngồi Thủy Tạ nhìn các cô gái đẹp như tiên sa mặc áo nhung, áo len trăm màu ngàn sắc, in bóng hình xuống đáy nước lung linh”; hay “có thể vào một nhà hát thưởng vài khẩu trống, mở quả mứt phong bao cho các chị em, rồi uống với mỗi em một ly rượu lấy may; và có “thể đi vào một ngôi chùa khói nhang nghi ngút”…

Đêm 30 Tết, “lúc ấy, nhà đã trang trí xong xuôi. Đèn nến thắp la liệt trên bàn thờ. Nhìn vào chỗ nào cũng thấy khói hương nghi ngút… Ở ngoài kia, có tiếng gì nhỏ bé như tiếng sóng xa xa mà lại như tiếng đàn hát của thần tiên, tiếng chuyển mình của sông hồ, của lộc cây, của giàn hoa thiên lý?”...

Giao thừa, sau khi cúng tiến trời đất tổ tiên xong xuôi, cả gia đình Vũ Bằng sẽ đi lễ ở đền Ngọc Sơn, rẽ sang đình Hàng Trống, đi lên hồ Tây, vào đền Quan Thánh lễ giao thừa. Thường đến gần sáng cả nhà mới đi nghỉ…

Sáng ngày mồng Một Tết, “nằm ở trên giường mở mắt thì nhìn thấy cả cái nhà mình mới hẳn ra, cửa vẫn đóng kín mà lại sáng như cái động. Thì ra đèn nến ở trên các ban thờ để suốt đêm không tắt, nhang vòng vẫn cháy đưa ra một mùi thơm ngạt ngào hòa với hương hoa, hòa với gió đàn của những cánh đồng bao la lùa qua cửa sổ, hòa với tiếng đàn của mùa xuân về trong ý nhạc lời thơ”... 

Chao ôi, đọc mà thấy lòng rưng rưng. Dường như Vũ Bằng đã cô đọng được cái không gian đặc trưng của Tết xứ Bắc với đầy đủ sắc, thanh, hương và vị. Đặc biệt là những con người thanh lịch lưu giữ các mỹ tục, hun đúc tinh hoa văn hóa đất Kinh kỳ…

Thưởng thức văn Vũ Bằng, thấy phong vị của Tết Hà Nội xưa được lưu giữ, được sống dậy, như một món quà Tết cho những độc giả của cuộc sống công nghiệp hôm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tết Hà Nội trong hồi ức Vũ Bằng