Nhớ những mùa Đông đan áo…

Thu Hằng| 23/12/2019 11:03

(NSHN) - Mấy đêm liền, gió lùa hun hút, bên cành đào ươm đầy búp xanh, vừa đan áo vừa kể cho con nghe về những cái Tết xưa. Thời nghèo khó, áo mới diện Tết của mấy chị em chỉ là chiếc áo len cũ mẹ tháo ra rồi hì hục đan lại cho kịp. Mùng Một Tết, được diện chiếc áo len phảng phất hơi ấm từ bàn tay mẹ, dường như bao lạnh giá lùi xa…

Thời bao cấp, đan len là nghề “hot”. Đây là một cách kiếm thêm thu nhập của cán bộ công nhân viên cả nam lẫn nữ ở mọi lứa tuổi. Cơ quan nào cũng có một tổ len hoạt động ngoài giờ hành chính.

Tại các tổ len, chị tổ trưởng là người rất được tín nhiệm. Tùy theo mẫu mã, hợp đồng mà nhận len về, cân phát cho chị em trong tổ lĩnh về đan. Người nào có khả năng thì nhận 3,4 cái, người đan chậm thì một cái... Đan xong cân cả áo, cả len thừa trả. Tổ lên áo sẽ khâu hoàn thành. Tổ trưởng thu gom đóng gói mang trả cho mậu dịch, lĩnh tiền công trả cho chị em, rồi tiếp tục nhận hợp đồng mới. Cứ thế, tổ len âm thầm, lặng lẽ giúp bao gia đình có thêm thu nhập.

Trong hồi ký “Lê Vân – Yêu và sống”, nghệ sĩ Lê Vân kể: “Thời bao cấp, tất cả chúng tôi đều sống bằng lương nhà nước và tiêu chuẩn tem phiếu. Mỗi tháng tôi được lĩnh 49 đồng tiền lương, 21 cân lương thực gồm mấy cân gạo còn lại là mỳ hoặc bo bo, một ký rưỡi thịt, mười quả trứng, một ký đậu phụ. Không thể nào nhúc nhích ra khỏi cái tiêu chuẩn ấy được. Không biết những người khác họ làm gì, còn tôi, tôi kiếm thêm bằng nghề đan len thuê học từ mẹ. Đan len là một nghề cực kỳ linh hoạt, bất cứ rảnh tay lúc nào, ở đâu cũng có thể làm được. Đan trong khi xếp hàng lấy nước, đong gạo, đan khi ngồi họp cơ quan, đan khi chờ tàu điện… Tám đồng công đan một cái áo len. Một tháng cũng có thể đan được một, hai cái. Mẹ tôi cũng miệt mài đan len, khi các con ngủ hết rồi vẫn đan. Nhất là vào dịp Tết, ai cũng muốn diện áo len mới, thế là phải chạy đua với thời gian. Đan thật nhiều để cố lo được nồi bánh chưng. Cầm chút tiền công ít ỏi ra về, đạp xe trong cái lạnh tháng Giêng, đã ngửi thấy hương thơm của nồi bánh chưng Tết tràn ngập ngõ phố Hà Nội”…

Tôi còn nhớ khi nhận len về, mẹ đun nồi nước sôi, đặt cái rá lên, cho len vào hấp, móc các con len lên cho khô, thẳng, rồi cuộn lại thành từng cuộn, nhẹ tay để khi đan các sợi len xốp… Mẹ đan giỏi lắm, hai tay thoăn thoắt nhưng miệng vẫn nói đủ các thứ chuyện. Hôm nào phải trả hàng mẹ còn thức khuya để đan cho kịp. Chị tôi mới 12 tuổi đã đan gấu, đan nẹp cho mẹ lên thân áo.

Mẹ bảo nghề đan móc thủ công này đòi hỏi phải đặt cái tâm vào trong công việc, sao nhãng một tý là phải tháo ra. Phải tỉ mỉ, cẩn thận và tận tâm thì đường len mới đều, mới đẹp, khách hàng mới hài lòng mà mình cũng vui nữa. Còn nhớ mỗi khi đi lĩnh tiền đan về, mẹ lại thưởng cho chị em tôi mỗi đứa một bát bánh trôi tầu. Cuộc sống ngày ấy niềm vui thật bình dị, thật thanh thản... 

Với gia đình tôi, cũng như hàng ngàn gia đình ở Hà Nội, tổ len quan trọng vô cùng. Nếu không có tổ len ngày ấy, mẹ lấy gì thêm thắt nuôi mấy chị em tôi ăn học, lấy gì may mặc cho mình, cho con trong khi lương giáo viên chỉ có 42 đồng. Tổ len khắc sâu trong tiềm thức mẹ đến mức có hôm mẹ vẫn ngủ mơ có cái áo len chưa trả cất dưới ngăn tủ... 

Khi các loại máy đan của Liên Xô và Đông Âu ồ ạt nhập vào, thì nghề đan thủ công điêu đứng, âm thầm tàn lụi...

Trời cứ ngày một lạnh, một cái Tết nữa sắp về. Ngày cuối năm, những ký ức của một thời nghèo khó cứ gợi nhớ thương thật nhiều. Chợt nghĩ, giây phút nào trong đời sống hiện tại sẽ trở thành ký ức cho con cái ngày sau?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhớ những mùa Đông đan áo…