Thi ca trên bước thời gian

Nguyễn Thanh Tâm| 28/11/2019 16:29

(HNMCT) - Mùa thu bay trên cánh nhạc, nhập vào thơ ca, hiện hình lên sắc màu hội họa. Mùa thu cất giữ trong lòng mình những diễn biến tinh vi của tạo vật, kín đáo và mỏng manh, diễm lệ mà u buồn, đẹp trong nỗi âu lo phai tàn và gợi biết bao điều về sự thoáng chốc... Thu, không hẳn là mùa, mà là một dự cảm của mùa. Ở hai chiều nóng - lạnh, thu nối thời gian vào nhau bằng nhịp sầu thương dìu dịu. Một hình dung nào đó, không hẳn là như nhất, mùa thu tựa cõi lòng thi sĩ vậy.

Mùa thu là mùa của thi ca, mùa của những sáng tạo nghệ thuật.

Ai đó đã chiết tự từ Hán ngữ, chữ “sầu” chính là mùa thu ở trên lòng người hẳn có ý nhấn mạnh, biểu ý về sắc thái buồn thương của đất trời và lòng người. Thi nhân xưa, nhắc đến thu là nhắc đến những tàn phai, chia biệt: “Người lên ngựa, kẻ chia bào/ Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san” (Truyện Kiều - Nguyễn Du). Còn Nguyễn Khuyến - nhà thơ của làng cảnh Việt Nam, với chùm thơ thu (Thu điếu, Thu vịnh, Thu ẩm) cũng tỏ bày những u uẩn, thảng thốt: “Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái/ Một tiếng trên không ngỗng nước nào” (Thu vịnh).

Mà đâu chỉ riêng thi sĩ, thói thường của lòng người là sự tiếc nuối cái đẹp đang phai tàn. Vì vậy, mùa thu đẹp lên trong tâm tưởng hoài niệm, dâng lên bao tiếc nhớ những gì đã rụng rơi, phai úa. Tản Đà trong bài thơ Cảm thu tiễn thu đã bộc bạch nỗi niềm ấy: “Sắc đâu nhuộm ố quan hà/ Cỏ vàng, cây đỏ, bóng tà tà dương”. Cảnh vật cứ lụi dần theo ánh tà dương, hay chăng, cũng giống lòng người đã nhận ra những mối thê lương không gì ngăn cản được: “Tóc xanh mây cuốn/ Má đỏ huê ghen”. Tình thu ấy của Tản Đà hiện lên sắc thái giao thời và thân phận gạch nối của ông: Cổ điển - Hiện đại.

Nếu thi ca trung đại tạc hình những dáng thu ước lệ với “cỏ vàng”, “cây đỏ”, “sắc quan hà”, “rừng phong”, “hồng diệp”, “hơi may”, “ngô đồng”, “cánh nhạn”, “tiếng trùng”… thì đến thời Thơ mới (1932 - 1945), dưới cảm quan của con người cá nhân, những phơi trải riêng tư, mùa thu lại đượm nỗi niềm thân phận của cái tôi. Đó là sự thảng thốt xen lẫn niềm suy tư xa xôi của người thiếu nữ trong Đây mùa thu tới của Xuân Diệu: “Mây vẩn từng không chim bay đi/ Khí trời u uất hận chia ly/ Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói/ Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì”. Các nhà Thơ mới khác như Nguyễn Bính, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê, Đinh Hùng… đều gợi lên những vang hưởng từ mùa thu cổ điển, nhưng nối kết con người hiện đại vào những mối ưu tư cá thể.

Đó là trạng thái sững sờ, tê điếng của một linh hồn đau khổ trong Cuối thu của Hàn Mặc Tử: “Thu héo nấc thành những tiếng khô/ Một vì sao lạ mọc phương mô?”. Đó là cảm giác nhộn nhạo tê mê, sảng sốt trước mùa thu trong Cuối thu của Bích Khê: “Trời lam ứ đặc tình thu/ Ô kìa mây bạc nặng lùa về tây”. Đó là mối sầu xa xứ, đơn lẻ của “kiếp con chim lìa đàn” trước mỗi mùa thu trong Bắt gặp mùa thu của Nguyễn Bính: “Mấy thu mưa gió ngoài thiên hạ/ Vườn cũ còn chăng cúc nở hoa?”. Với Hồ Dzếnh, thu lại gợi lên những xao xuyến của mối tình xa xăm, nhung nhớ: “Trời không nắng cũng không mưa/ Chỉ hiu hiu rét cho vừa nhớ nhung” (Mầu thu năm ngoái). Đó là lòng luyến nhớ những mùa thu cổ điển nhưng len lén một nỗi sầu lẻ loi của cái tôi đơn chiếc trong mùa thu của Huy Cận: “Vi vu gió hút nẻo vàng/ Một trời thu rộng mấy hàng mây nao” (Đẹp xưa). Hay một mùa thu thê lương, quấn quyện trong hoài niệm u minh diễm ảo của Đinh Hùng: “Thu ơi! Đánh thức hồn ma dậy/ Anh muốn vào thăm nấm mộ sâu” (Gửi người dưới mộ)…

Ý niệm thu như một mối sầu thương úa tàn vắt từ thơ cổ điển sang Thơ mới dẫu đã mang sắc điệu của cái tôi cá nhân, nhưng vẫn là mùa thu của những nỗi niềm bi thiết. Đến thơ ca cách mạng, sắc thu, tình thu có sự chuyển biến mạnh mẽ. Đó là một mùa thu mới tinh khôi, thắm tươi bừng dậy cùng non sông đất nước: “Mùa thu nay khác rồi/ Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi/ Gió thổi rừng tre phấp phới/ Trời thu thay áo mới/ Trong biếc nói cười thiết tha” (Đất nước - Nguyễn Đình Thi). Mùa thu trong thơ kháng chiến 1945 - 1975 mang màu sắc và tình điệu khác bởi cảm quan của con người trước thực tại được hun đúc bằng tình yêu và lý tưởng cách mạng. Niềm tin trước tương lai của đất nước đã thắp lên những mùa thu đầy hoa trái: “Mùa thu đó, đã bắt đầu trái ngọt/ Và bắt đầu nở rộ những vườn hoa” (Mùa thu mới - Tố Hữu).

Nhịp sống trở lại bình thường sau ngày đất nước thống nhất (1975). Cùng với hòa bình, đổi mới, hội nhập là sự nới giãn mọi chiều kích của thực tại, của cảm quan nhân sinh. Mùa thu trong thơ Việt Nam sau 1975 hiện diện đủ đầy mọi sắc độ gắn với mọi diễn biến của lòng người. Cái khác trước hết là khác trong lòng người biết bao điều ngổn ngang thế sự: “Chỉ em là đã khác với em xưa” (Hoa cúc - Xuân Quỳnh). Đó là những “Mùa thu nay sao bão giông nhiều/ Những cửa sổ con tàu chẳng đóng/ Dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm/ Em lạc loài giữa sâu thẳm rừng anh” (Tự hát - Xuân Quỳnh); là nỗi hoài nghi, âu lo trước mọi điều bất trắc của cuộc sống: “Viên xúc xắc mùa thu ru trong cỏ/ Mắt anh nhìn sáu mặt bão giông” (Viên xúc xắc mùa thu - Hoàng Nhuận Cầm).

Nhưng, có khi, mùa thu là những cảm thức ấm áp, dâng lên như đất vườn, như phù sa bờ bãi: “Thu sớm đầu ô những mái tranh/ Em của anh/ Ôi ngón tay lành”… “Cây mùa thu ở lại/ Lòng ta như đất bãi/ Rì rầm con sóng nâu” (Thu - Lưu Quang Vũ). Mùa thu trong thơ đương đại đã phá vượt các quy ước, điển lệ để đến gần hơn với cuộc đời. Đó là mùa thu ấm áp, an lành, bao dung trong thơ Mai Văn Phấn: “Nắng sẽ hanh hao/ heo may run ngõ nhỏ/ sách mới thơm hơi trẻ/ mía ngọt trào lên ngọn” (Thu đến); là mùa thu không trở lại trong thơ Nguyễn Việt Chiến: “Ở bên kia thành phố có sương mù/ Ai hát đấy, ta buồn như cỏ dại/ Dậy thôi em, mùa thu không trở lại/ Giấc mơ nào trên cỏ hãy còn xanh” (Mùa thu không trở lại)…

Có thể nói, mùa thu là mùa của thi ca, mùa của những rung ngân tinh tế và dịu nhẹ. Tuy nhiên, nhìn lại bước đi của thơ, ở mỗi thời đại, với những quan niệm về thời gian, quan niệm về giá trị, quan niệm về cái đẹp khác nhau, thi nhân có cách cảm nhận và biểu hiện khác nhau về mùa thu.

Thời gian vốn chẳng chia mùa. Thời gian luôn là hiện tại. Con người nương theo nhịp sống của mình mà cấp nghĩa cho thời gian. Bởi thế, quá khứ, hiện tại và tương lai, mùa màng, năm tháng ra đời. Mỗi mùa một sắc độ, một nhịp điệu, tất cả tự lòng người mà sinh ra. Nhắc đến mùa thu, lắng trong nhịp đi của thơ ca, chúng ta nhận ra nhịp sống của thế nhân ghi tạc vào dòng thời gian vô thủy vô chung. Hóa giải trạng thái vô tính ấy của thời gian, những mùa thu xưa, những khoảnh khắc thu nay, những biến chuyển của lòng người, thật diệu kỳ, đã nhờ thi ca mà hiện hữu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thi ca trên bước thời gian