Ánh đèn dầu nuôi những ước mơ

Phạm Kim Thanh| 29/08/2019 10:20

(HNMCT) - Đọc các trang viết về những khu tập thể của Hà Nội một thời đã qua, lòng bồi hồi nhớ xiết bao những năm tháng tuổi thơ, tạm biệt phố phường Hà Nội và mái trường thân yêu, sơ tán về làng quê sống và học tập bên ánh đèn dầu.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú

Chiếc đèn dầu những năm 60 - 80 của thế kỷ trước, không đẹp như đèn dầu mà các bạn trẻ nhìn thấy trên mạng. Xửa xưa, các cụ thắp đèn bằng dầu lạc, gọi là “dầu ta”. Phố Hàng Dầu nhìn ra Hồ Gươm chuyên bán buôn dầu lạc, dầu trẩu cho tiểu thương các phố đến cất hàng. Nhiều loại dầu thắp được nhập vào Hà Nội, các cụ gọi là "dầu tây" để phân biệt với "dầu ta". Nhưng cái đèn dầu tây không đốt khói um như dầu lạc mà có cái bấc tròn làm bằng sợi bông, một đầu nhúng vào bình đựng dầu, luồn qua ống muống, còn đầu kia nhô lên khỏi ống muống, đựng trong bóng đèn thủy tinh để thắp sáng. Bây giờ cần đèn điện thế nào thì xưa cần đèn dầu như thế trong mọi sinh hoạt hằng ngày.

Ngày ấy, mỗi khi mặt trời khuất sau ngọn tre, ánh đèn dầu sáng trên cái chõng cơm của hai ông cháu là lúc tôi nhớ mẹ, nhớ Hà Nội vô cùng. Mường tượng mẹ giờ này đang trong xưởng máy hay ăn cơm cùng cô bác tổ tự vệ. Cứ ngồi ngẩn ra, cho đến khi ông ngoại giục: “Ăn đi cháu!” tôi mới và cơm xì xụp. Sau bữa cơm, ông mang đèn ra góc vườn, cài then cửa chuồng gà thật chặt cho rắn khỏi leo lên cắn gà. Tôi cắm cúi làm bài tập. Ông ngoại lại lạch xạch chiếc quạt nan vừa quạt vừa đuổi muỗi cho tôi. Tối mùa đông, tôi được ngoại giúi vào tay củ khoai luộc nóng hổi. Nhưng sung sướng nhất với tôi là học xong, được vùi đầu vào những trang sách truyện đã ố vàng.

Ngày ấy sách về làng quê rất hiếm. Tôi học lớp 4, thấy có sách truyện gì cũng sáng mắt lên. Ấn tượng nhất trong tâm trí non nớt của tôi là truyện Lá cờ thêu sáu chữ vàng của Nguyễn Huy Tưởng. Thiếu truyện dành cho thiếu nhi thì mượn các anh lớp trên, đọc đến cả Tam Quốc, Thủy Hử, rồi cả sách Người tốt việc tốt khổ bé bằng bàn tay, cũng ngốn hết sạch. Tối nào tôi cũng vùi đầu vào sách cho đến khi ngoại sốt ruột giục “đi ngủ thôi con”. Đó là lúc cái đài Galen của ông chỉ dùng lõi pin “muối” mà vẫn chạy tốt đã phát nhạc hiệu Hướng theo ngọn cờ cứu nước báo hiệu 11h đêm. Ngoại chui vào màn, nghiêng nghiêng bóng đèn để “bắt” muỗi, trở ra vặn cho bấc đèn nhỏ bằng hạt đỗ, xanh leo lét. Tôi sung sướng gối đầu lên tay ngoại, rồi hít hà mùi trầu cay cay thân thuộc, thật êm đềm xiết bao. 

Ngoại thường động viên chị em tôi cố gắng học cho giỏi, chả mấy mà điện ở nhà máy đường Vạn Điển vượt sông Hồng về làng mình, không phải dùng đèn dầu nữa. Điểm 10 nở hoa trên những trang vở sạch chữ đẹp. Hết cấp một, lên cấp hai, vẫn chiếc đèn dầu trên bàn lên nước bóng loáng - ban ngày là bàn uống nước, tiếp khách, tối là bàn học. Ông ngoại vẫn chong đèn dầu đến chuồng lợn, chuồng gà, coi chúng có bị dột khi mưa to gió lớn không. Mùa hè, tôi túm tóc đuôi gà, theo chị đi chặt loại mía, vỏ vàng nuột, vị ngọt lừ, rồi chất đầy ụ lên xe bò, chở ra bến Mễ. Cả một vùng đất bờ xôi ruộng mật, cung cấp mía cho nhà máy đường Vạn Điển. Bên kia sông, trong ráng chiều chạng vạng, ánh điện nhấp nháy như sao sa. Chúng tôi trở về, đem theo ước mơ làng quê mình sẽ đẹp như xứ sở thần tiên ấy. Xem phim của Liên Xô, thấy họ hiện đại lắm, quê mình mới có đèn đầu, bao giờ có nhà cao ngất như họ nhỉ? Trên trời cao, những ngôi sao lấp lánh, lấp lánh...

Phải đến năm 1992, dây điện mới vượt sông Hồng về quê tôi. Đường làng sáng bừng ánh điện, đèn dầu chỉ còn được dùng trong các tiết sóc vọng mùng Một, ngày Rằm, trong lễ cúng gia tiên... và dự phòng khi mất điện. Các bạn học dưới ánh đèn dầu cùng tôi ngày ấy, người đi du học, người vào các trường đại học, như chim tung cánh đi bốn phương trời. Có lần xem triển lãm thời bao cấp do các bạn trẻ hôm nay sưu tầm đèn dầu, đèn bão, mũ rơm, sách bút, cặp sách thời ấy làm tôi rưng rưng cảm động khi mạch nguồn quê hương vẫn chảy trong tâm thức con cháu đất Thăng Long - Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ánh đèn dầu nuôi những ước mơ