Hà Nội quen thân

Hoàng Đạo Kính| 15/02/2018 20:04

(HNM) - Không chút ngần ngại, tôi nói như vậy về Hà Nội. Một đô thị không gây choáng ngợp bởi kiến trúc kỳ vĩ, bởi sự phồn hoa và giàu sang. Một chốn bình dị, thô mộc và quen thân.

(HNM) - Không chút ngần ngại, tôi nói như vậy về Hà Nội. Một đô thị không gây choáng ngợp bởi kiến trúc kỳ vĩ, bởi sự phồn hoa và giàu sang. Một chốn bình dị, thô mộc và quen thân.

Quen thân trước tiên bởi hình ảnh kiến trúc phố phường. Cuộc đời thế nào, hình hài kiến trúc thế nấy. Bao nhiêu nhu cầu, bao nhiêu khát vọng và gắng gượng, bao nhiêu tranh chấp và thỏa hiệp - tất tật đều dồn chất lên cái sàng vĩ đại của thời gian, để rồi lắng để rồi đọng thành một thể khối và hình thái kiến trúc độc nhất vô nhị - chân dung cuộc đời, chân dung thời gian. Không khuếch đại và không tô điểm, trên mức cần.
Trên thân mình Hà Nội không hiện rõ dấu ấn của bàn tay vương quyền và độc đoán. Không hiện rõ những tư tưởng kiến thị của một chiến lược gia nhìn xa trông rộng. Cuộc đời Hà Nội tựa dòng chảy, chảy khoan hòa cho đến tận bây giờ. Bởi thế mà Hà Nội quen thân.

Hà Nội quen thân còn bởi những thế hệ con người Hà Nội. Dù ra phố sinh sống dăm ba đời, họ vẫn giữ được cốt cách của những người làm ruộng, những ông đồ, những người chạy chợ phố tỉnh. Từ cốt cách ấy đào luyện, tinh lọc ra tinh túy, và cũng từ đấy, nảy sinh lực quán tính. Đưa mắt nhìn xa về dĩ vãng và bao quát thực thể hôm nay, nhận ra một điều: Con người và kiến trúc, kiến trúc và con người Hà Nội là sản phẩm trực tiếp của nhau.

Bởi vậy mà tôi muốn nói về những người Hà Nội vốn dĩ quen thân. Về thế hệ trôi qua hai ba chục năm trước. Dấu ấn của họ còn lưu nơi những căn nhà họ từng sống, lưu nơi con cháu tiếp nối họ. Tôi kể chuyện về họ, không như chuyện ngày xửa ngày xưa.

... Người sành miệng đất Hà thành những năm 40-50 của thế kỷ trước ai mà chẳng biết quán nem cua bể Cát Tần trên phố Hàng Gà. Ông Cát Tần, chủ quán, anh họ tôi, gốc gác phố Sơn Tây. Không biết từ đâu ông học được cái ngón làm nem cua bể. Ông rong ruổi phố phường Hà Nội với gánh nem. Tích đủ tiền, ông mở quán ở Hà Nội, ở Sài Gòn. Trên mặt nhà, hàng chữ to đắp bằng vữa: Nem Cua Bể Cát Tần. Thời ấy, thế đã là sang lắm. Nem ông làm, vừa mềm, vừa giòn, thơm, đượm vị cua bể trộn với những gì đó gây hấn đến khó tả, bỏ vào miệng cứ tự tan ra. Tôi đến với ông ở cái thời tiệm đã bị dẹp. Ông chuyển sang bán chui, ai nhớ ai thèm xin mời lên gác. Thời chiến, ông xung phong nhận chức trung đội trưởng dân phòng, đội mũ rơm, bận quần cộc, thổi còi toe toe, lùa dân xuống hầm mỗi khi còi báo động rúc. Giá mà ông gắng sống thêm hai năm nữa thôi, ông sẽ bắt kịp Đổi mới. Lúc ấy quán Nem Cua Bể Cát Tần lại hồi sinh, ai đó ắt sẽ ghi vào sổ guide. Đến nay trên mặt nhà vẫn còn hàng chữ đắp vữa, nhuốm màu quên lãng. Nem Cua Bể Cát Tần ra đi cùng ông.

... Cụ D.M.T, bố bạn tôi. Gia đình con cái đông đúc, ngụ ở căn nhà mặt phố. Thời thế biến đổi lớn, vài gia đình xa lạ được cấy vào ở chung. Ông hàng xóm mới, không quen buôn bán, được xếp ở phòng ngoài cùng, tầng đất. Còn gia đình cụ D.M.T, vốn sống bằng cửa hiệu, lại thuyên chuyển lên lầu. Từ đấy, bắt đầu cuộc chiến trường kỳ giành giật không gian sống, lúc thầm lặng, lúc nóng bỏng, mãi tới nay chưa vãn hồi. Do chật, nhà cụ chuyển sang mô hình tối thiểu hóa, kích thước vật dụng thu nhỏ như đồ chơi trẻ em. Nhìn cụ ông, cụ bà tọa trên những cái ghế cỏn con, vừa ngồ ngộ, vừa tồi tội. Không thể cựa cậy về phương vị nào nữa, cụ đành nghĩ cách bành trướng nội buồng - làm cái gác xép, thêm "tầng" và dùng làm cái giường tập thể cho các con. Gia đình ở tầng trên cùng, đội thêm tầng.

Ông trời không phản ứng, ông không biết nói. Các gia đình ở dưới thì ra sức bành trướng. Còn sót cái lối đi hẹp, người dắt xe vào, người ra phải chờ. Của chung còn lại cái sân nhỏ, bằng bốn cái giường đôi. Một hôm ông hàng xóm nọ đem cái đinh 14 phân đóng vào tường. Vài hôm sau ông treo vào đấy cái chậu giặt. Lâu lâu nữa, ông đặt cái bu gà. Gà không nhốt mãi trong bu được, ông vẩy tạm cái chuồng. Có vẻ êm, lại thêm cái mái. Bẵng đi vài ba năm, dẹp chuồng gà, thay vào đó cái bếp, vợ chồng ông chui ra chui vào. Thế là cuộc thập tự chinh, kéo dài ngót chục năm, kết thúc êm ái. Lại còn chuyện cặp vợ chồng kia. Cãi nhau suốt ngày. Ra tòa ly dị. Nhà thì không ly dị được, làm cái vách chia đôi. Chị vợ lấy chồng khác. Chung sống một dạo, bỗng dưng vợ cũ chợt nhận ra chồng cũ có cái gì đó hay hơn, còn chồng cũ thấy vợ cũ cũng không đến nỗi nào, và bằng ngôn ngữ riêng của đàn ông - đàn bà trong những trường hợp ấy, họ giấu giếm vượt rào, sang nhau.

Cái cầu thang gỗ xoáy ốc ọp ẹp, mỗi lần lên xuống cụ "cựu" chủ nhà cứ phải rón rén, e hàng xóm kêu ca. Lâu thành quen, gặp cầu thang granitô, cụ vẫn đi rón rén. Trước lúc từ giã cõi đời, cụ thổ lộ: Hóa ra chừng ấy năm, cha quen rụt rè rồi, các con ạ!

... Ông N.V.Th. Hà Nội đặc Hà Nội: Con nhà khá giả. Diplomé trường Bưởi. Ngại việc lớn sóng to, nhận cái chân công chức làng nhàng ở sở Tây. Giống như các chàng trai Hà thành thời ấy, ông mặc áo cổ cồn, đi giầy deux couleur, chơi đàn mandoline, đọc thơ Xuân Diệu. Lãng mạn vừa độ, lấy cô vợ dáng tiểu thư. Thời thế thay đổi, ông xin làm nhân viên nhà nước. Chức vụ không, tự phê là chính. Nửa đời trôi qua, nhận sổ hưu. Ông sống thêm mấy mươi năm nữa. Giữ thói quen xưa: 1-2 ngày thay bộ pijama không một nếp nhăn, ăn 1-2 chén cơm trắng với thịt thăn luộc chín tới, rau muống Sơn Tây chấm tương Bần, nước rau vắt chanh cốm... Ông ngồi triền miên trên ghế mây, hướng mắt ra cây lan Tây trồng dạo lấy cụ bà. Thi thoảng, ông cho đầu ngón tay trỏ vào miệng, nhúng nước bọt - chắc ông nhớ cái việc lật giấy văn phòng mấy mươi năm trước. Cả đời ngại sóng e gió, ngày ông xuôi tay, trời yên ả. Chỉ tội, cây lan Tây đợt ấy ra hoa thưa quá...

Vâng, họ không phải là những nhân vật kiệt xuất, không phải là những người có tên có tuổi ở đất Hà thành. Họ chỉ là những người, hễ ta chợt nhớ tới, Hà Nội trở nên quen thân xiết bao, lòng ta bỗng dưng nao nao bởi những hoài niệm.

Ta không làm cái việc đi tìm bóng Hà thành xưa ở Hà Nội hôm nay. Ta không đi tìm hình bóng của các thế hệ cha ông trong đám đông con cháu náo nhiệt hôm nay. Thành phố này, cộng đồng đô thị này, vẫn ôm khư khư dĩ vãng.

Dòng đời đô thị vẫn thong dong chảy.

Đến với Hà Nội của tôi, bạn chớ tìm cái vẻ kỳ vĩ, cái làm bạn sửng sốt. Hãy đón nhận lấy cái vẻ, cái chất thân quen của phố phường, của Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội quen thân