Cánh đồng mùa gặt

Thái Hương Liên| 20/06/2017 17:39

(NSHN) - Thế là mùa gặp lại sắp bắt đầu. Cánh đồng lúa chuyển dần từ màu xanh sang màu vàng rực. Đấy là màu của niềm vui và no ấm, cho dù màu xanh của đồng lúa đang thì con gái luôn đem đến cảm giác bình yên.

(NSHN) - Thế là mùa gặp lại sắp bắt đầu. Cánh đồng lúa chuyển dần từ màu xanh sang màu vàng rực. Đấy là màu của niềm vui và no ấm, cho dù màu xanh của đồng lúa đang thì con gái luôn đem đến cảm giác bình yên.

Mùa gặt đến, nếu không phải con nhà nông hẳn sẽ khó tưởng tượng đấy là lúc vui sướng nhất trần đời với lũ trẻ. Nào là bắt châu chấu chơi đồ hàng hay tết rơm thành những chú gà, bắp ngô, quả khế dễ thương. Mùa gặt đến với con nhà nông thực sự là chuỗi ngày vất vả nhưng cùng với đó là niềm vui sướng khi được đắm mình vào thiên nhiên.

Tháng sáu, hoa phượng cháy trên cành, kỳ nghỉ hè đến cũng là vào mùa gặt lúa chiêm. Mùa này nắng lắm mưa nhiều, nhưng có hề gì đối với bọn trẻ. Thức dậy cùng bố mẹ từ khi trời chưa sáng, rồi chễm chệ ngồi lên xe cải tiến để ra đồng đi gặt. Chúng lội lọp xọp xuống những chân ruộng ngập nước để ôm từng bó lúa lên bờ, mặc cho đỉa cắn rớm máu và đám gốc rạ cứa xước hai cẳng chân gầy như ống sậy. Được một lúc, chừng như đã chán, chúng liền chạy sang mấy thửa ruộng đã gặt để nhặt ốc. Sáng sớm, lúc mặt trời chưa lên hẳn, nước ruộng vẫn mát lạnh, lũ ốc nhồi còn ăn nổi lập lờ trên mặt nước. Nhưng khi mặt trời vừa lên cao thì lũ ốc đã buông mình chìm sâu dưới đáy nước. Bắt ốc khi ấy thật dễ, chỉ việc nhặt cho vào thùng hay cái ống tay áo được cắt ra từ chiếc sơ mi cũ của bố.

Mùa gặt, lũ trẻ còn có một nhiệm vụ quan trọng nữa là ở lại ngoài đồng buổi trưa trông lúa. Đám lúa đã gặt trải đầy mặt ruộng chưa kịp gánh lên bờ sẽ trở thành bữa trưa hảo hạng cho lũ vịt đồng. Mấy đứa trẻ thường được “cắt cử” trông lúa đồng trưa là vì thế. Con nhà nông có ngại gì nắng gió. Trái lại, lúc này là thời gian tuyệt vời nhất để rủ nhau bắt cua bò nắng. Sau những trận mưa rào tháng sáu, nước ngập trắng bờ vùng bờ thửa, giữa trưa hè nước nóng như đun, lũ cua thi nhau ngoi lên bờ, trèo lên những gốc rạ đã gặt. Chỉ việc lật những bã rơm dọc bờ là có thể bắt gặp chúng nằm núp dưới đấy. Làn da vì thế đen bóng hơn, mái tóc vì thế khét nắng hơn, nhưng nụ cười cũng vì thế mà thường xuyên lấp lóa. Thành quả của buổi trưa trông lúa ngoài việc xua lũ vịt đồng còn là giỏ cua đầy nhung nhúc. Buổi chiều, bữa cơm ngoài món canh cua ngọt mát còn là món cua rang giòn rụm. Cơm nhà nghèo chỉ có thế nhưng vui cười hớn hở, ăn “thủng nồi trôi rế”.

Mùa gặt, không chỉ ra đồng, lũ trẻ còn ở sân kho phơi rơm, phơi thóc. Một khoảng sân gạch còn mới, mạch vôi chưa bị hỏng thì phơi thóc, còn khoảng sân gạch xấu hơn thì phơi rơm. Sáng sớm là phải quét sạch cái sân phơi thóc. Nắng lên, sân gạch khô cong thì đổ thóc ra phơi. Cào bàn, căng răng, chổi sể là dụng cụ để phơi và làm thóc sạch những vụn rơm. Sân thóc được chang phẳng phiu thì chuyển qua sân phơi rơm. Phải năng trở đều cho rơm mau khô. Phơi rơm, phơi thóc tưởng đơn giản nhưng cũng cần có... kinh nghiệm. Tùy nắng to hay nhỏ mà phải “canh” thời gian để cào dõng, đi thóc, tãi mỏng để sao cho thóc khô đều, tránh sau này hạt gạo bị gãy.

Đôi khi đám trẻ cũng là nhà quan sát khí tượng thủy văn khá chuyên nghiệp. Ngày trước làm gì có bản tin dự báo thời tiết trên ti vi kỹ lưỡng như bây giờ. Đài bán dẫn đâu phải nhà nào cũng có, chưa kể có khi pin hết mà chưa có tiền mua pin mới. Thành ra, tất cả là “trông trời trông đất trông mây”. Mây đen hướng nào, gió thổi làm sao để còn mau mau thu rơm dọn lúa. Những khuôn mặt âu lo khi thấy nắng vụt tắt, bầu trời vần vũ những cuộn mây trĩu nước. Khi ấy đám trẻ ước ao mình có đôi cánh rộng lớn để giang ra che lấy bầu trời, khi nào nhà nhà dọn xong thóc lúa mới mở ra cho mưa rơi xuống, gột rửa bụi dặm trên sân gạch.

Sẽ có một buổi gặt được bọn trẻ trông đợi, ấy là gặt ruộng lúa nếp đã vàng ruộm. Không một thứ gì bị bỏ đi từ đám lúa nếp ấy. Xôi nếp thơm lừng ăn vào buổi sáng cho chắc bụng là đặc sản của ngày ấy. Rơm nếp vàng óng được phơi bó cẩn thận, và bà nội sẽ biến những bó rơm ấy thành những “cô chổi” mặc váy vàng xinh xắn.

Khi mùa gặt kết thúc, rơm đã lên cây, thóc đã vào bồ, bọn trẻ lại tung tăng chạy nhảy trên cánh đồng với con diều sáo vi vút. Phần thưởng sau mùa gặt là một đôi dép nhựa mới toanh, bộ quần áo mới, đồ dùng cho năm học sắp tới được bà được mẹ sắm cho từ những chiếc chổi rơm và những hạt gạo thấm đẫm mồ hôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cánh đồng mùa gặt