Có một Hà Nội vừa quen vừa lạ

Administrator| 02/06/2014 07:51

Triển lãm này là sự cộng hưởng tư duy nghệ thuật tuyệt vời của ba nghệ sĩ, bao gồm nhiếp ảnh gia Eric Huynh, họa sĩ Marie-Cécile Marques và nhà thơ Tôn Thất Thanh Vân. Mỗi người một công đoạn sáng tạo: Eric Huynh chụp ảnh; Marie-Cécile Marques vẽ, mở rộng không gian ảnh bằng mực tàu trên giấy dó, và Tôn Thất Thanh Vân viết thơ bình. Tất cả tạo nên một tác phẩm toàn vẹn về người và cảnh Hà Nội.

Một tác phẩm trong triển lãm.

18 tác phẩm trong triển lãm cho thấy hình ảnh Hà Nội đương đại với những nét tương phản thật đặc biệt, sự náo nhiệt của phố phường và cuộc sống bình yên diễn ra bên trong mỗi ngôi nhà. Có nghĩa, bên ngoài kia là sự náo nhiệt, ồn ã, bộn bề nhưng chỉ cần ta bước qua ngưỡng cửa của bất cứ ngôi nhà nào là ngay lập tức cảm nhận được sự thanh thản. 

Nếu tách riêng, mỗi tác phẩm với lao động nghệ thuật hoàn chỉnh của cả ba nghệ sĩ đều mang đến một câu chuyện đời, rất gần, ấn tượng và không kém phần thơ mộng của cuộc sống đương đại. Những chi tiết, dù là nhỏ nhất, về cuộc sống hằng ngày diễn ra tại Hà Nội đã được chọn đưa vào tác phẩm, tưởng như thân quen nhưng lại cho người xem cảm giác mới lạ. Ví dụ như "Nào đi ăn" - bức ảnh về một căn phòng với những người đang thư thái ngồi ăn, bên ngoài là một người đi xe máy xả khói vào trong. "Quán hàng", tấm ảnh về một quán nhỏ như thu mình trước những nhà cao tầng, với ô cửa là phần được họa sĩ vẽ thêm vào. Tương tự, "Ngạc nhiên thán phục" là một sản phẩm nghệ thuật hỗn hợp, chỉ góc chùa với vài người tham quan được nhiếp ảnh gia chụp, các thành phần còn lại của nó là tranh đúng nghĩa. "Chớp nhoáng" mô tả một không gian trong mưa mà ở đó cảnh người phụ nữ lao động chậm rãi đạp xe trên đường là do nghệ sĩ nhiếp ảnh chụp, và họa sĩ thêm vào đó những người khác lao vào để tránh mưa… 

Thường thì nhiều người không để ý đầy đủ đến phần chú thích hay tiêu đề tác phẩm được triển lãm. Nhưng, ở triển lãm này, Tôn Thất Thanh Vân với biệt tài "gọi tên", "chú thích" tác phẩm bằng thơ khiến người xem phải chú ý đặc biệt đến phần "phụ". Như trong "Cây chuyện trò": "Ở Việt Nam/Ta cũng có cây chuyện trò/Người ta ăn uống, nói chuyện vãn ngoài trời/Những cuộc đời đan chéo nhau/Chung quanh thân cây nghiêng ngả/Và áo quần phơi khô/ Cửa sổ mở toang"; "Ăn cơm!" - "Từ trên xuống dưới/Mặt phải, mặt trái/Phía trong, phía ngoài/Ngồi, nằm/Không trẻ lắm và già hơn/Tầng trệt nhìn ra phía ngoài/Cửa vào, cửa sổ/Mở ra ngoài phố/Náo nhiệt/Nổ máy liên hồi/Sống động"; "Vui buồn vẫn có nhau": "Hoa và nhạc/Ra cuộc đời/Nhưng nụ cười khô héo/Tình yêu đâu mất rồi?"…

Ba nghệ sĩ đều đang sinh sống ở nước ngoài, nhưng những tác phẩm của họ cho thấy sự am hiểu và tình yêu đối với Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Họ hiểu cách người Việt thờ cúng, bán hàng, thói quen ăn uống trên hè phố… đủ tường tận để mỗi phóng tác đều khiến người xem cảm thấy vừa mắt, hợp lý. Họ tiết lộ rằng cần khoảng 8 tháng cùng nhau trao đổi, đưa ra ý tưởng và ghép những phần đơn lẻ với nhau. Với mục đích, như chia sẻ của họa sĩ Marie-Cécile là muốn thu hút được cả người yêu hội họa, nhiếp ảnh và thơ ca.

Có lẽ, ít dự án nghệ thuật nào tích hợp cả ba loại hình nghệ thuật một cách tinh tế, hòa quyện ngọt ngào như triển lãm này. Điều quan trọng là người xem Hà Nội có cơ hội được ngắm nhìn cuộc sống của mình ở một góc vừa quen vừa lạ.

An Nhi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có một Hà Nội vừa quen vừa lạ