Bánh chưng trong Tết Việt

Nguyễn Ngọc Tiến| 21/01/2023 06:19

(HNMCT) - Sách “Lĩnh Nam chích quái” được biên soạn vào cuối đời Trần tập hợp các truyền thuyết, cổ tích dân gian Việt Nam, trong đó có sự tích bánh chưng, bánh giầy. Dù là truyền thuyết nhưng cũng có thể coi “Lĩnh Nam chích quái” là tài liệu văn bản đầu tiên nói về bánh chưng, bánh giầy Việt Nam.

Ảnh: Kha Chu Long.

Có hai quan niệm về truyền thuyết, quan niệm thứ nhất là trong truyền thuyết ít nhiều có một sự thật; quan niệm thứ hai là từ không có thật nhưng người đời sau lấy chuyện có thật đưa vào. Ở quan niệm thứ hai, rất khó truy về nguyên gốc vì yếu tố thời gian lẫn lộn.

Xa xưa, Việt Nam, Hàn Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản là ngoại biên của văn minh Trung Hoa nên tùy từng nước mà mức độ ảnh hưởng nông sâu khác nhau. Tết Nguyên đán như ngày nay ra đời vào thời Hán Vũ đế (140 - 87 TCN), khi ông vua này lấy tháng Dần (tháng 1) là tháng đầu năm và ngày 1 tháng 1 là ngày đầu tiên của năm, còn gọi là Nguyên đán. Cả bốn nước "ăn" Tết Nguyên đán nhưng mỗi nước lại có những tục lệ khác nhau và khác biệt với Trung Quốc. Chiếc bánh chưng cúng tổ tiên ngày Tết chỉ có ở Việt Nam. “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Câu ca dao này bao hàm đầy đủ một cái Tết Việt.

Trong “Sự tích bánh chưng, bánh giầy”, Lang Liêu gói bánh chưng hình vuông và bánh giầy hình tròn dâng lên vua cha. Nhưng, thực tế là ngày nay, vào dịp Tết Nguyên đán, hầu hết các tỉnh phía Bắc đều gói bánh chưng dài, trong đó có cả Phú Thọ, nơi được gọi là “đất Tổ” của người Việt. Trong khi đó, bánh chưng vuông chỉ thấy ở các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Trong bài “Triết lý bánh chưng, bánh giầy” đăng trên báo Người Hà Nội số Tết Ất Sửu 1985, Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng, bánh chưng tròn dài (giống như bánh tét, bánh tày) có trước bánh chưng hình vuông và ảnh hưởng bởi văn hóa Ấn Độ. Bánh chưng và bánh giầy mang ý nghĩa biểu tượng cặp đôi sinh thực khí linga - ioni.

Cũng theo Giáo sư Trần Quốc Vượng, triết lý “trời tròn, đất vuông” ảnh hưởng đến bánh chưng, bánh giầy ra đời muộn hơn. Trong dân gian, có giai thoại về bánh chưng vuông không mang triết lý “đất vuông” là kẻ sĩ Bắc Hà “gàn dở, kiêu bạc” ghét những người nịnh bợ, chỗ nào cũng có mặt giống như cái bánh chưng tròn dài lăn đâu cũng được và họ thích con người phải rõ ràng, có góc cạnh, vì thế họ gói bánh chưng vuông.

Ở các quốc gia trồng lúa nước, gạo tẻ để ăn hằng ngày còn gạo nếp thường để chế biến ra các loại bánh. Các loại bánh có thể để nguyên hạt gạo hay xay thành bột rồi chế biến, ban đầu được đựng trong ống tre, gói bằng lá. Các quốc gia làm bánh bằng bột nếp để thờ cúng trong các lễ hội tín ngưỡng. Tất cả những thứ trên ban thờ sau khi cúng xong thì con cháu thụ lộc, nghĩa là từ cái bánh bình thường, cúng lễ xong nó bỗng trở thành lộc, ăn vào sẽ mang lại may mắn. Bánh chưng cũng là lộc. Bánh chưng là thứ để cúng lễ nhưng nó cũng là thứ ăn no nên người ta gói nhiều để ra Tết đi làm đồng mang theo ăn. Xưa, ở các vùng quê, bánh chưng rất to, trong khi ở Thăng Long thì bánh được gói vừa phải. Nhiều nhà còn gói cả bánh chưng gấc cho người cao tuổi vì gấc được cho là giúp mắt sáng hơn.

Ảnh: Kha Chu Long.

Xa xưa, bánh chưng còn có tác dụng chữa bệnh. Sách “Nữ công thắng lãm” của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác viết về bánh chưng: “Rửa lá riềng đâm nhỏ, hòa vào nước lã rồi lọc bỏ bã. Gạo nếp vo sạch để ráo nước rồi tưới nước riềng hai, ba lần cho gạo có màu xanh, sau đó tưới nước tro rồi mới trộn muối. Cứ 5 bát gạo quan đồng thì tưới một bát nước tro, sau đó trộn muối. Nhân thì xay đậu xanh và đồ chín. Hành củ thái ngang, mỡ 2 tiền, lá dong rửa qua rồi gói mà nấu cho nhừ”. Danh y Lê Hữu Trác còn chỉ ra các thành phần trong bánh chưng là các vị thuốc: “Gạo nếp ăn lành, bổ tì, phế thận, chữa đi tiểu đục. Đậu xanh giải độc, thanh nhiệt, bổ nguyên khí, điều hòa ngũ tạng, tiêu sưng, chữa đái tháo. Hành làm dễ tiêu hóa, bài tiết, chữa đau bụng, ngoại cảm, chữa đau đầu, ngạt mũi. Thịt mỡ nhuận phổi, khu phong giải độc, hoạt huyết. Riềng trị lạnh dạ, phòng đau bụng, đi ngoài, trị thổ tả, trị uất tích phong tê, chống sốt rét, ngã nước. Tro sát trùng, tẩy trắng. Muối tác dụng sát trùng”. Nếu theo vị danh y này nói thì bánh chưng ngày nay đã mất đi nhiều vị thuốc.

Bánh chưng không chỉ bày lên ban thờ cúng tổ tiên ngày Tết, để ăn thay cơm tẻ, là vị thuốc..., mà còn “góp công” đánh thắng quân xâm lược nhà Thanh mùa xuân năm 1789. Tạp chí Sông Hương (số 3-1999) có bài “Chiếc  bánh chưng của La Sơn phu tử”. Chuyện là ngày 29 tháng 11 âm lịch năm 1788, vua Quang Trung kéo quân từ Bình Định ra tới Nghệ An. Tại đây ông tuyển thêm quân binh, đồng thời cho mời nhà ẩn sĩ nổi danh là La Sơn phu tử (tức Nguyễn Thiếp) đến bàn luận về binh cơ. Nguyễn Thiếp xin Quang Trung thảo một tờ mật dụ bảo viên quan Đề lĩnh họ Đinh ở thành Thăng Long giúp sức. Rồi ông nhận trách nhiệm tự mang mật dụ ra Thăng Long lấy thân tình kêu gọi họ Đinh làm nội ứng. Để che mắt quân Thanh kiểm tra gắt gao người ra vào thành Thăng Long, Nguyễn Thiếp cho mật dụ vào trong cái bánh chưng.

Sáng mùng 3 Tết Kỷ Dậu 1789, Đinh Đề lĩnh đang ngồi trong phòng, bỗng lính hầu vào bẩm có một người ở xứ Nghệ đến biếu cặp bánh chưng. Ngạc nhiên, Đinh Đề lĩnh cho mời ngay vào, thì ra là Nguyễn Thiếp, một người quen. Nguyễn Thiếp đặt cặp bánh chưng lên bàn rồi đưa mắt nhìn vị Đề lĩnh và nhìn tứ phía. Đinh Đề lĩnh hiểu ý liền đuổi mấy tên lính hầu ra ngoài. Nguyễn Thiếp lấy dao cắt một chiếc bánh làm đôi rồi rút tờ dụ trong nhân bánh đưa cho Đinh Đề lĩnh. Đọc xong, mắt Đinh Đề lĩnh sáng bừng, ông gật đầu nguyện sẽ thi hành theo mật kế. Nhờ đó, việc đánh quân Thanh ở đồn Ngọc Hồi cũng dễ dàng hơn.

Ngày nay, bánh chưng không phải chờ Tết mới gói mà được bán quanh năm, có thể ăn bất cứ lúc nào nên không còn lạ miệng nữa. Tuy nhiên, cỗ Tết dù to hay nhỏ thì nhà nhà đều không thể thiếu cặp bánh chưng vuông hoặc dài để dâng cúng tổ tiên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bánh chưng trong Tết Việt