Đầu bếp Phạm Tuấn Hải: Mong muốn đưa ẩm thực Việt lên tầm cao mới

Linh Tâm| 06/02/2022 13:45

(HNMCT) - Gần 30 năm hoạt động tích cực trong nghề, những đóng góp của Phạm Tuấn Hải - Bếp trưởng của Unilever Solutions Vietnam, thành viên của Hiệp hội Các đầu bếp Đông Nam Á (Southeast Asian Chefs Association) - đã góp phần đưa ẩm thực Việt lên một tầm cao mới, đặc biệt là tình yêu của anh với ẩm thực truyền thống chưa bao giờ vơi cạn.

Vẹn nguyên những ký ức Tết

Sinh ra tại Hà Nội, tuổi thơ Phạm Tuấn Hải gắn bó với đại gia đình 3 thế hệ trong ngôi nhà 20 mét vuông trên phố Lê Văn Hưu. Và tình yêu ẩm thực được nhen nhóm trong cậu bé Hải nhờ hai người bà thân yêu.

Hà Nội trong ký ức chàng trai 7x Phạm Tuấn Hải vẫn như vừa mới đây. Dù nhiều năm lập nghiệp nơi "đất khách quê người", anh vẫn không quên một Hà Nội đầy khó khăn thời bao cấp. Đó là hình ảnh người bà nội sớm hôm tần tảo với gánh khoai sắn bên cổng chợ Hôm - Đức Viên. Đó là bà ngoại vốn là con gái làng Hồ vùng Kẻ Bưởi, nơi phần lớn cư dân xưa kia nếu không làm giấy dó, giấy bản, dệt lĩnh thì đều “bám” vào hồ Tây để mưu sinh... Nhắc đến ẩm thực Kẻ Bưởi không thể không nhắc đến gánh bún ốc bà Bổng ở cổng làng Hồ, luôn nườm nượp khách bởi hương vị thơm ngon đặc trưng của bún ốc Hà thành, vừa mang vị riêng nhờ những bí quyết chế biến tinh tế. Hồi ấy, mới 8 - 9 tuổi nhưng cậu bé Hải đã thoăn thoắt nhể ốc điệu nghệ để giúp bà. Tình yêu với ẩm thực được nhen nhóm, để rồi sau này, dù đã trở thành sinh viên ngành Y nhưng Hải lại "rẽ ngang", học Trường Trung cấp Du lịch (nay là Trường Cao đẳng Du lịch) để theo đuổi ước mơ sáng tạo ẩm thực.

Gần 30 năm gắn bó với ẩm thực, chứng kiến những xu hướng ẩm thực liên tục thay đổi của thế giới, đầu bếp Phạm Tuấn Hải vẫn luôn giữ lại những yếu tố truyền thống trong các món ăn cổ truyền, đặc biệt là ẩm thực Tết. Với anh, đó không chỉ đơn thuần là món ăn mà còn là văn hóa, tín ngưỡng của người Việt. Thiêng liêng nhất là giây phút cả nhà quây quần bên mâm cỗ truyền thống hay ngồi quanh nồi bánh chưng. Với Hải, giây phút thiêng liêng của ngày Tết còn là khi chiếc bánh chưng đầu tiên được vớt ra khỏi nồi, bởi việc gói bánh chưng như gói lại những dành dụm của một năm lao động vất vả để hướng tới năm mới tốt đẹp hơn...

Từng là một người con xa xứ nên giây phút đoàn tụ gia đình là điều Phạm Tuấn Hải luôn trân quý. Anh kể về cảm giác khi ngồi trên chuyến tàu Bắc - Nam đông đúc, chật chội suốt 3 ngày 2 đêm vào những năm 1990 để ra Hà Nội ăn Tết cùng gia đình. “Chỉ cần chạm đến cửa ngõ Hà Nội là bao mệt nhọc, vất vả tan biến hết. Cái cảm giác được trở về nhà, được thấy người Hà Nội hối hả sắm Tết, mua đào khiến lòng tôi lâng lâng", Hải chia sẻ.

Điểm đến của ẩm thực thế giới

Những món ăn Phạm Tuấn Hải sáng tạo hầu hết bắt nguồn từ nền tảng ẩm thực truyền thống, không chỉ là nguyên liệu, hương vị mà cách trình bày cũng thanh lịch, tinh tế như chính cốt cách Hà thành đã định hình trong anh. Hải cho rằng, Món ăn Việt phần lớn đều dân dã, giản dị trong cách chế biến nhưng lại vô cùng đặc sắc về hương vị. “Không phải quốc gia nào cũng có ẩm thực truyền thống, thay vào đó là đồ ăn nhanh hay những món du nhập từ đất nước khác. Tôi cảm thấy may mắn vì sinh ra ở một đất nước có nhiều món ăn ngon. Đó chính là tài sản vô giá kế thừa từ cha ông, giúp chúng ta định vị thương hiệu của mình trên bản đồ ẩm thực thế giới”, anh nói.

Cũng theo người đầu bếp danh tiếng này, ẩm thực Việt Nam đã được nhận nhiều giải thưởng cũng như sự đánh giá, công nhận của các tổ chức, tạp chí uy tín và bạn bè thế giới. Anh cho rằng đây chính là tiền đề để đưa Việt Nam trở thành điểm đến của thế giới về ẩm thực, qua đó quảng bá hình ảnh đất nước, con người đồng thời phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian tới.

Theo đầu bếp Phạm Tuấn Hải, việc đưa ẩm thực trở thành thương hiệu và di sản văn hóa quốc gia không phải là mục tiêu quá xa vời. Anh chia sẻ: “Để đưa ẩm thực Việt lên một tầm cao mới, cần có một chiến lược bài bản với những bước đi rõ ràng, có sự tham gia của cơ quan quản lý Nhà nước, đội ngũ đầu bếp, nghệ nhân ẩm thực và truyền thông. Kho tàng ẩm thực truyền thống của Việt Nam có thể trở thành “bệ phóng” đưa thương hiệu ẩm thực Việt bay xa và biến Việt Nam trở thành “bếp ăn của thế giới” như gợi ý của chuyên gia marketing nổi tiếng Philip Kotler”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu bếp Phạm Tuấn Hải: Mong muốn đưa ẩm thực Việt lên tầm cao mới