Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà

PGS.TS Phạm Văn Tình| 31/01/2022 08:59

(HNMCT) - Người Việt Nam hẳn đều biết đến câu ca dao: “Số cô không giàu thì nghèo/ Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà”. Nghe qua cũng có thể hình dung đây là lời một thầy bói (thầy tướng) “xem số” cho một cô gái. Tuy nhiên, bài viết này không bàn chuyện tâm linh, tín ngưỡng dân gian mà chỉ lấy ý của câu ca dao để nói về chuyện ăn Tết xưa và nay.

Cứ theo lập luận đồng hướng (thể hiện trong câu ca dao theo logic hiển nhiên, như "một với một là hai, hai với hai là bốn”) thì với mọi gia đình Việt xưa nay, ngày ba mươi Tết trong nhà không thể không có “thịt treo”.

Trước đây thịt (trâu, bò, gà, lợn...) thường là "của hiếm" với đại đa số người dân, nhất là với nhà nông, nếu có thì “năm thì mười họa” vào dịp giỗ chạp, đình đám... Nhưng vào dịp Tết, dù khó khăn, thiếu thốn đến mấy thì nhà nào cũng cố gắng chuẩn bị mọi thứ đủ đầy. Nhà cửa, vườn tược, nơi thờ tự được chỉnh trang, dọn dẹp gọn ghẽ, trang hoàng đẹp đẽ; mọi thành viên đều được sắm sanh quần áo mới... Những ngày áp Tết, các bà nội trợ đôn đáo sắm sửa bánh trái (bánh chưng, bánh giầy, bánh khảo, bánh mật, bánh gai, bánh khúc...), các loại mứt, kẹo, trầu cau..., đặc biệt là thực phẩm để làm ra các món cho mâm cỗ, trước cúng, sau ăn. So với thịt gà, ngan, vịt, trâu, bò... thì thịt lợn là món chủ đạo. Thịt lợn có thể chế biến đủ món như giò chả (giò lụa, giò mỡ, giò thủ, chả quế...), nem, mọc... Thông thường, sau ngày 23 tháng Chạp cúng ông Công ông Táo là mọi nhà đã rục rịch lo giã gạo (nếp, tẻ), giết lợn, rửa lá dong, chẻ lạt chuẩn bị gói bánh, gói giò... Không khí tất bật thân quen, ấm cúng. Theo quan niệm dân gian, ngày đầu năm (Nguyên đán) mọi thứ phải đủ đầy, viên mãn thì cả năm gia chủ mới mạnh khỏe, làm ăn tấn tới, tiền của dồi dào, no đủ...

Có thể khẳng định, "ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà” chính là một hình ảnh làm nên diện mạo một cái Tết quê hương, từ nông thôn đến thị thành. Thật không thể hình dung một nơi nào đó ở Việt Nam xưa, vào những ngày giáp Tết và cận Tết mà trong nhà vẫn còn tuềnh toàng, ngó vào bếp không có lấy một chút thức ăn gì liên quan đến thịt. Đấy chỉ có thể là một nhà cùng đinh hoặc vừa trải qua một cơn hoạn nạn rất lớn.

Nhưng Tết bây giờ mọi thứ đã khác.

Sự chuẩn bị “cả năm cho một ngày Tết” không còn nặng nề như trước. Nếu ngày xưa phải chắt chiu, dành dụm cả năm trời mới đủ thúng gạo nếp, cân đỗ xanh gói bánh, vỗ béo con lợn trong chuồng để mấy nhà cùng “đánh đụng”, gói măng khô cũng phải để dành..., thì bây giờ sắm sửa những thứ ấy là "chuyện nhỏ”. Cuộc sống thời hiện đại, kinh tế thị trường len lỏi mọi ngõ ngách phố thị, thôn quê; cùng với đó là tính chất công việc, không gian nhà cửa... đã khiến mọi thứ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Không còn cảnh “tự biên tự diễn”, dành dụm, chuẩn bị cả năm trời cho cái Tết nữa mà hầu hết đã nhờ "dịch vụ trọn gói”. Từ bánh chưng, giò thủ, dưa hành, hạt tiêu, tương ớt, măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương... đến một vài thùng bia hay thùng rượu ngoại, lẵng quà tổng hợp được đóng gói cẩn thận, đẹp mắt, thậm chí kể cả một cây quất to đùng cao chạm trần nhà, đều có thể có ngay sau một tin nhắn điện thoại hay cú click chuột máy tính. Chỉ một loáng là hàng đã ship (giao) đến tận nhà. Ở phố hầu như nhà nào cũng sắm tủ lạnh có dung tích gấp 4 - 5 lần tủ Saratov của Liên Xô ngày xưa, sẵn sàng đón nhận một "kho" rau củ quả, bánh trái, thịt thà..., có khi cả nửa con lợn Mán đặt mua tận trên rừng... Tất cả được “cấp đông” ung dung nằm trong tủ, để đến tận rằm tháng Giêng cũng không sợ thiu, hỏng. Không như ngày xưa thức ăn đã chế biến treo gác bếp chả để được mấy ngày. Trời lạnh còn đỡ chứ trời ấm trời nồm thì chỉ một hai hôm là giò lụa, giò thủ, chả quế có ngon đến mấy cũng bốc mùi ôi thiu, chỉ có nước vứt vào thùng nước gạo để cho lợn ăn. Lắm người tiếc của đem kho hoặc rán lại nhưng nhiều khi hỏng vẫn hoàn hỏng.

Vậy là qua thời gian, câu chuyện tưởng như hiển nhiên trong câu ca dao kia đã không còn giá trị. Cuộc sống đã khác xưa và ngày ba mươi Tết thịt không còn "treo trong nhà” nữa. Một biểu tượng văn hóa Tết của người Việt giờ có lẽ chỉ còn “thấp thoáng” trong ca dao và trong ký ức của một vài thế hệ mà thôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà