Thức quà gây nhớ

Phương Quang| 13/04/2021 11:06

(NSHN) - Nói đến quà của người phố phường thì phong phú, đa dạng. Có những món quà xuất hiện quanh năm, bốn mùa. Lại có những thức quà chỉ xuất hiện trong một thời điểm nhất định, ít ngày rồi vắng bóng, cho đến tận cữ ấy sang năm. Và những thức quà ấy, dù bình dị, nhưng cũng để thương, để nhớ trong lòng người Hà Nội. Sứa đỏ là một thức quà như vậy.

Mùa sứa bắt đầu từ tháng Hai đến tháng Năm âm lịch. Rộ nhất là lúc nắng non bắt đầu thấp thoáng qua những tàng lá, những ngọn gió nam dần tiếp sức để những vòm sấu xạc xào trút lá. Đúng ra, người Hà Nội chỉ gọi đây là món sứa. Sứa đỏ có lẽ là tên gọi sau này, để phân biệt với món nộm sứa, sứa trắng. Cũng không hiểu tại sao, một món ăn xuất xứ từ vùng biển Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình… lại có thể đứng chân ở đất kinh kỳ, trở thành món ăn mang thương hiệu Hà Nội với những gánh sứa đỏ cụ Gái ở Hàng Chiếu, bà Tuyết, bà Hiền trong phố Thanh Hà, bà Ngữ chợ Hôm… Âu đó cũng là quy luật tiếp thụ văn hóa ẩm thực của người Hà Nội. 

Chừng non nửa thế kỷ trước, cứ vào độ cuối tháng 3, đầu tháng 4 lịch dương là những gánh sứa xuất hiện trên đường phố Hà Nội. Nếu ở một vài vùng quê Đồng bằng Bắc Bộ, người bán sứa thường dạo quanh các thôn làng, thì ở Hà Nội, các bà, các cô bán sứa đưa món này đi dạo trên các phố. Khách cũng quen, cứ đến tầm chiều là mong, ngóng bà hàng sứa quen thuộc. Ít năm trở lại đây, thức quà này dường như chỉ co lại một vài nơi trong phố cổ. Nhiều nhất là quãng phố Thanh Hà, giáp chợ Bắc Qua. 

Lạ một điều, với những nguyên liệu hết sức bình thường, sứa đỏ ngâm nước sú vẹt, đậu phụ sát nghệ nướng, cùi dừa thái mỏng… lại làm nên một thức quà hấp dẫn đến mức gây nghiện như vậy. Có lẽ bí quyết là ở sự kết hợp giữa các nguyên liệu trên cùng sự góp sức đầu vị của mắm tôm. Với món sứa thì dứt khoát là phải mắm tôm thật ngon, vắt chanh, bỏ ớt đánh cho ngầu bọt thì mới hợp vị, mới ra sứa đỏ.

Đến quán bà Tuyết, một trong những quán đắt khách của “trung tâm sứa” trong phố Thanh Hà, lại mục sở thị một điều lạ khác. Những tưởng thức quà này chỉ thu hút những bà, những cô lớn tuổi, nào ngờ rất đông nam thanh, nữ tú cũng tới thưởng thức. Tôi cứ ngắm mãi đôi bạn trẻ ngồi cùng nhau trước một khay nhựa, với đĩa sứa đỏ đậm, tươi màu, kèm đĩa đậu nướng vàng rộm, xắt nhỏ, cùng những lát cùi trắng ngà. Hoàn thiện "bức tranh" sắc màu đó là rổ nhỏ rau kinh giới xanh mát cùng bát mắm tôm điểm mấy lát ớt đỏ tươi. Chợt nghĩ, cặp môi của cô gái hồng mọng đến thế kia, chắc cũng nhờ vị cay nồng của lát ớt kèm trong thứ nước chấm không thể thay thế của món sứa này. Lại nghĩ đến câu văn của Thạch Lam về cô nàng ăn bún ốc Hà Thành.

Hà Nội đang lúc giao mùa, cũng là lúc người ta nhắc nhau tìm những hàng sứa đỏ. Có lẽ cũng bởi vậy mà đây là thức quà khiến người Hà Nội, nhất là những người xa xứ khó quên. Ở hàng sứa cụ Gái, đã có tuổi đời ngót nửa thế kỷ, một cụ ông tóc bạc phơ, bộc bạch: "Tôi vốn người Hàng Đường. Nay định cư trong Sài Gòn, cứ ra Hà Nội mùa này là phải đến đây. Là để cho thỏa cái nhớ...".

Đừng tưởng thức quà dân dã này mà ai cũng thưởng thức như ai. Không kể sự gia giảm của bát mắm tôm, ngọn kinh giới, người thích thêm dừa, kẻ thêm đậu nướng. Riêng cái món chủ vị là sứa cũng vài ba sở thích. Người thích miếng diềm đậm đà, miếng chân ròn sần sật. Người lại chỉ chọn miếng thân sứa đầy đặn, mát trong như thạch. Thích sao, bà chủ hàng chiều vậy, thoăn thoắt đôi tay. Một điều thú vị nữa là khác với nhiều món ăn thường bị lai tạp, như kiểu bún riêu thêm trứng vịt lộn, món sứa này từ bao năm nay vẫn chỉ có vậy, vẫn giữ cái hồn cốt của nó để bao người nhớ, người mong. Cũng bởi vậy mà thức quà này có một hình ảnh không hề thay đổi trong tâm tưởng người đi xa…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thức quà gây nhớ