Bát chiết yêu chứa đựng tinh hoa ẩm thực Hà thành

Thu Hằng| 29/06/2020 06:19

(NSHN) - Bát chiết yêu gắn bó với ẩm thực Hà Nội xưa đến độ, chỉ thoáng nhìn thấy chiếc bát cổ trên mâm cỗ thôi đã dường như được quay trở lại Tràng An nhiều chục năm trước.

Ngày xưa, bát chiết yêu là vật dụng thiết yếu trong mỗi gia đình người Hà Nội, nhưng lâu nay không còn phổ biến nữa.

Theo nhà nghiên cứu Trịnh Bách, bát chiết yêu là bát có chỗ thắt vào ở ngang hông. Ít ai còn biết rằng, nguyên thủy - nó được người Hà Nội gọi là bát thủy tiên, vì làm ra với hình dáng như vậy để trồng thủy tiên. Chỗ bầu tròn dưới eo thắt để giữ rễ và để rễ định hình.

Như vậy, dù lá có mọc dài lên mấy thì cây cũng không bị ngả. Còn chỗ thắt eo là để củ thủy tiên có chỗ tựa vào mà không lọt xuống đáy bát làm hỏng rễ. Về sau, người ta dùng bát chiết yêu để đựng thức ăn cho thanh nhã.

Với người Hà Nội, thức ăn có thể không nhiều nhưng nhất định phải quý và phải… đẹp. Bát chiết yêu từng được trọng dụng một thời cũng vì tính thẩm mỹ của nó. Chân bát cao làm mâm cỗ trông thanh thoát, viền bát loe và rộng tạo điều kiện cho nghệ nhân chạm khắc nhiều hoa văn tinh xảo lên đó.

Mâm cỗ truyền thống bà nấu ngày xưa không bao giờ vắng bóng những chiếc bát chiết yêu xinh xinh. Bà thường dùng bát chiết yêu để đựng các món nấu có nước. Bà dặn, bất kể là nhà giàu có hay bình dân, mâm cỗ Tết ở Hà Nội cũng phải có đầy đủ "4 yêu" là yêu măng, yêu miến, yêu bóng và yêu xương tinh. Đây là 4 món nước đại diện cho tứ trụ làm nên đất trời, chế biến có thể đơn giản nhưng nhất định phải đựng vào bát chiết yêu, tăng thêm phần trang trọng.

Xét về công dụng thực tế, bát chiết yêu là vật dụng hoàn hảo cho các món nước như cháo, bún, phở, miến… Miệng bát loe giúp bề mặt món ăn nhanh nguội, nhưng phần dưới vẫn được giữ nóng, ăn đến đâu âm ấm vừa phải đến đấy.

Mấy hàng bún ốc, cháo sườn - những món quà quen thuộc của Hà Nội xưa đều đựng trong bát chiết yêu khiến người ta có cảm giác thức ăn nhiều hơn, đói bụng nhưng… no con mắt.

Đặc biệt, người Hà Nội luôn dùng bát chiết yêu để bày bún thang, cốt "khoe" được ngũ sắc của bát bún. Thông thường, bún được cho vào bát đến ngang chỗ thắt eo, sau đó bày trứng rán mỏng thái sợi, lườn gà luộc xé nhỏ, giò lụa thái sợi và ruốc tôm ra bốn góc đều nhau, ở giữa thêm rau răm. Lúc này, mới chan nước dùng dấp dấp ngang mặt, tránh nước làm trương nhân bún. Cứ theo đúng tỷ lệ của bát chiết yêu mà bày, món bún thang luôn nóng sốt, rực rỡ, chỉ nhìn đã thấy thèm thuồng.

Những cái bát chiết yêu đã đi qua bao gia đình, đi qua bao bữa cơm sáng, trưa, chiều như một nét duyên thầm lặng lẽ. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, những gánh hàng rong bán cháo, bún… đã không còn dùng bát chiết yêu. Mâm cơm gia đình cũng đã được thay thế bằng các loại bát khác. Hình ảnh bát chiết yêu dần xa với thế hệ trẻ.

Mấy năm trở lại đây, có nhiều nhà hàng theo đuổi phong cách truyền thống của ẩm thực Việt, bát chiết yêu có sự trở lại, nằm trang trọng trên bàn ăn giữa các món ăn Hà Nội. Với những người lớn tuổi, thoáng nhìn thấy chiếc bát độc đáo này, cả một trời ký ức ùa về… Nhỏ bé, giản đơn nhưng sao đậm đà tình nghĩa quê hương, thắm đượm đến nao lòng cái hồn, cái chất truyền thống của dân tộc Việt.

Năm ngoái, trong sự kiện "Hành trình ký họa châu Á Hà Nội 2019", nhóm Ký họa đô thị Hà Nội đã dùng bát chiết yêu trong tiệc chiêu đãi bạn bè trong nước và quốc tế như một lời chào từ Tràng An xưa. Trưởng nhóm, KTS Trần Thị Thanh Thủy cho biết, chị phải xuống tận xưởng gốm làng Bát Tràng của họa sĩ, nghệ sĩ điêu khắc Lê Anh Vũ để đặt loại bát này.

Hiện nay, ở làng gốm Bát Tràng có bán sản phẩm này với nhiều kích cỡ khác nhau, như bát ăn cơm, tô canh, chén mắm, đĩa muối... phù hợp nhu cầu của các nhà hàng và gia đình. Hoa văn trên bát được những người thợ khéo tay tỉ mỉ vẽ từng đường nét nên dùng để trang trí cũng rất đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bát chiết yêu chứa đựng tinh hoa ẩm thực Hà thành