Ngọt thơm chè kho Đại Đồng

Nguyễn Mai| 28/07/2019 08:15

(HNM) - Xã Đại Đồng (huyện Thạch Thất) có đặc sản chè kho thơm ngon nổi tiếng xứ Đoài. Vượt ra ngoài món ăn dân dã, chè kho Đại Đồng đã trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị cao. Hiện, nhiều hộ dân xã Đại Đồng đầu tư máy móc vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập.

Gia đình bà Kiều Thị Thúy ở xã Đại Đồng (huyện Thạch Thất) đầu tư máy móc hỗ trợ làm chè kho.  Ảnh: Mạnh Dũng

Nói về nghề truyền thống của quê hương, bà Kiều Thị Thúy - người có kinh nghiệm 40 năm làm chè kho ở xã Đại Đồng giới thiệu: Món ăn này gắn với địa danh Đại Đồng hàng trăm năm nay. Gọi là chè kho là bởi nấu chè khô chứ không giống các loại chè nước. Đậu xanh đãi sạch vỏ, đồ chín rồi đánh tơi sau đó đổ vào nồi nước đường đặc, khuấy đến khi chè quánh, cho ra đĩa. “Nghe đơn giản nhưng để nấu được đĩa chè ngon, đẹp mắt, cần khéo léo và mất nhiều công sức. Đặc biệt là công đoạn “đánh” chè, đòi hỏi người làm phải có đôi tay khỏe và dẻo dai. Bởi vậy mới có chuyện, xưa các bà mẹ chồng thử tài nàng dâu bằng nồi chè kho” - bà Thúy nói.

Là một trong những người nấu chè ngon có tiếng ở xã Đại Đồng, ông Vũ Văn Sơn, ở thôn Lươn Ngoài cho biết, người Đại Đồng nấu chè kho từ đậu xanh và đường kính, thêm một chút hương liệu như dầu chuối hoặc vani chứ không thêm một thứ phụ gia nào khác. Ngày xưa khi đường kính còn hiếm, chè kho thường được làm bằng mật nên thường sẫm màu, nay làm bằng đường kính, màu chè vàng óng, đẹp hơn, vị chè cũng ngọt thanh hơn. “Hiện trên thị trường có bán sẵn nhiều loại đậu xanh xát vỏ rất thuận tiện, song gia đình tôi vẫn “trung thành” với việc mua đậu hạt về tự xay vỡ, đãi sạch. Làm vậy, hạt đậu còn nguyên giá trị dinh dưỡng và mùi thơm đặc trưng”.

Nếu những năm trước, để nấu được nồi chè kho khoảng 10kg phải làm hoàn toàn thủ công; dùng "đũa cả" (loại đũa to, dẹt - PV) đánh nát trong 3 giờ mới được thì nay nghề làm chè kho đã có máy móc hỗ trợ. Nhờ vậy, năng suất cao hơn và chất lượng đồng đều hơn. Chỉ vào các máy hỗ trợ làm chè kho, bà Kiều Thị Thúy nói: Gia đình đã đầu tư khoảng 100 triệu đồng để mua máy đánh đậu, nồi hấp, máy hút chân không… Nhờ vậy mà mỗi ngày, gia đình có thể làm được cả tạ chè kho, gấp hàng chục lần so với làm thủ công như trước. Tương tự, gia đình ông Kiều Thế Trụ cũng đầu tư các loại máy để làm chè. Những ngày cao điểm như Tết hay đám cưới, đám khao thọ, gia đình có thể làm được 1 đến 2 tạ chè kho/ngày. Ông Trụ cũng ứng dụng công nghệ thông tin trong bán và quảng bá sản phẩm qua mạng xã hội. “Vợ chồng tôi đã 20 năm sống bằng nghề này, nuôi 2 con học đại học, rồi làm ngôi nhà khang trang kia, tất cả đều nhờ nghề chè kho đấy” - ông Trụ cho biết.

Người dân Đại Đồng có truyền thống ăn chè kho trong mỗi dịp Tết, lễ hội, khao thọ, cưới hỏi… nên gần như hộ nào cũng biết nấu món này. Nhưng để làm nghề thường xuyên, cả xã có hơn 40 hộ gia đình. Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Đồng Kiều Quang Thân cho biết, để tạo điều kiện cho các hộ sản xuất phát triển, năm 2018, Hội Nông dân xã Đại Đồng đã đứng ra xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm chè kho, giúp nâng cao giá trị cho sản phẩm. Hiện nay, nhãn hiệu tập thể “Chè kho Đại Đồng” đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp, dự kiến thời gian tới, xã tổ chức công bố nhãn hiệu tập thể gắn với các hoạt động tôn vinh nghề.

Ngoài làm chè kho, người dân Đại Đồng còn khéo léo làm nhiều loại quà quê khác như: Kẹo lạc, bánh giầy, bánh đúc, bánh tẻ… Theo Chủ tịch UBND xã Đại Đồng Khuất Văn Trung, Đại Đồng đang xây dựng nông thôn mới nâng cao, cùng với phát triển đa dạng các ngành nghề, xã khuyến khích mở rộng nghề làm chè kho và các loại bánh, kẹo đặc sản để các hộ có điều kiện nâng cao thu nhập cho gia đình...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngọt thơm chè kho Đại Đồng