Hành trình trở thành “bếp ăn của thế giới”

Giang Nam| 13/06/2019 14:31

(NSHN) - Ẩm thực Việt Nam phong phú, đa dạng trong sự thống nhất. Điều đó có thể dễ dàng nhận thấy qua Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội 2019, khi khách hàng có thể trải nghiệm và đối chiếu ẩm thực ba miền Bắc - Trung - Nam.

(NSHN) - Ẩm thực Việt Nam phong phú, đa dạng trong sự thống nhất. Điều đó có thể dễ dàng nhận thấy qua Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội 2019, khi khách hàng có thể trải nghiệm và đối chiếu ẩm thực ba miền Bắc - Trung - Nam.

Giáo sư Philip Kotler - chuyên gia thương hiệu hàng đầu thế giới từng khuyến nghị, Việt Nam có thể xây dựng thương hiệu là “bếp ăn của thế giới”. Để điều đó trở thành hiện thực, bên cạnh công tác quảng bá, giới thiệu, phải làm sao để những món ăn đường phố, những món quà bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo sự yên tâm cho khách du lịch.

Hơn cả chuyện món ăn


Mặc dù thời tiết không thuận lợi, nhưng Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội 2019 tại Công viên Thống Nhất cuối tuần qua vẫn thu hút đông đảo khách tham quan, trở thành không gian đậm sắc màu văn hóa.

Ban tổ chức đã tái hiện những hình ảnh đặc trưng nhất của ba miền Bắc - Trung - Nam. Đại diện cho miền Trung là hình ảnh cây cầu ngói cong cong của phố Hội (Hội An, Quảng Nam), mô hình chợ Bến Thành (thành phố Hồ Chí Minh) tượng trưng cho văn hóa miền Nam.

Khu vực giới thiệu ẩm thực Hà Nội có cả “Hà Nội phố” với mô hình phố cổ và “Hà Nội quê” với không gian của những ngôi nhà trong làng cổ. Ban tổ chức đã hết sức cầu kỳ trong việc tái dựng các mô hình cổng ngõ, những ngôi nhà cổ... với kích thước 1:1. Điều đó khiến khách tham quan như bước vào những không gian cổ thực sự, với mảng tường bong tróc, nhuốm màu rêu phong.

Tại khu trưng bày, giới thiệu di sản ẩm thực cốm Mễ Trì, sau khi bước qua chiếc cổng cổ, khách tham quan sẽ bước vào “ngôi nhà” với đủ hệ thống “sân gạch”, “tường bao” tương tự như ngôi nhà cổ thật. Trong khuôn viên ấy, những bó lúa nếp non tỏa hương thơm ngào ngạt, được trưng bày cùng với dụng cụ làm cốm.

Trong bối cảnh chuyện ăn uống trở nên bão hòa, Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội vẫn thu hút đông đảo khách tham quan bởi những câu chuyện “đằng sau” món ăn. Ví như món phở Hà Nội. Nghệ nhân ẩm thực Vũ Ngọc Vượng đã giới thiệu, trình diễn cách làm phở.

Ông cho biết: “Đến với lễ hội này, tôi không chỉ giới thiệu, trình diễn kỹ thuật nấu phở mà còn trình diễn cách tráng bánh phở kiểu thủ công. Gần đây người ta thường tráng bằng các loại máy móc, nhưng tráng bánh thủ công mới thể hiện được sự khéo léo, tài hoa của người thợ”.

Sự hấp dẫn của văn hóa ẩm thực Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung không chỉ ở hương vị, màu sắc món ăn. Những tri thức, kỹ thuật, bí quyết nhà nghề tạo ra sản phẩm, những câu chuyện văn hóa xung quanh món ăn thể hiện bề dày của nền văn hóa. Đó chính là giá trị di sản của ẩm thực và việc nhấn mạnh vào giá trị di sản ấy đã tạo nên sức hấp dẫn cho Lễ hội Văn hóa ẩm thực năm nay. Ngoài ẩm thực Hà Nội với các món đặc trưng là bánh cuốn Thanh Trì, cốm Mễ Trì, xôi chè Phú Thượng, phở..., đại diện ẩm thực miền Trung có các món súp lươn Nghệ An, mỳ Quảng, cơm gà Hội An, bún bò Huế, bánh bột lọc, nem lụi..., còn khu ẩm thực miền Nam có các món xôi chiên phồng ăn kèm gà quay lá trúc, gỏi cuốn, chạo tôm bao mía, bánh xèo Cần Thơ và hải sản nướng Nha Trang...

Lễ hội cho thấy sự đa dạng của ẩm thực Việt nhưng vẫn mang tính thống nhất. Đó là nền ẩm thực của xứ nhiệt đới gió mùa, dựa trên các đặc sản địa phương được phối hợp khéo léo với các gia vị, rau thơm ít nơi có được.

Trở thành “bếp ăn” của thế giới

Lần đến Việt Nam cách đây hơn 10 năm, giáo sư Philip Kotler đã nhận định: Việt Nam có thể xây dựng thương hiệu là “bếp ăn của thế giới”. Rõ ràng ẩm thực Việt có đủ lợi thế để hiện thực hóa điều này, nhất là ẩm thực Hà Nội.

Từ lâu món phở đã dần trở thành món ăn quốc tế. Nhiều quán phở ở châu Mỹ, châu Âu đã rất đông khách. Mới đây, quán phở Thìn (Lò Đúc) đã mở đại diện tại Nhật Bản. Các món cốm Mễ Trì, bánh cốm, chè sen Quảng An... cũng thường được khách trong nước và quốc tế mua làm quà.

Quà Hà Nội (hay cách gọi kiểu mới là ẩm thực đường phố) nói riêng, ẩm thực đường phố Việt Nam nói chung nhiều lần được các tạp chí uy tín bình chọn thuộc nhóm những nền ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới.

Thủ đô Hà Nội đã tận dụng tốt những sự kiện giao lưu văn hóa quốc tế để quảng bá ẩm thực. Điển hình như dịp Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần II, Lễ hội giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản... Đây là lần thứ hai Hà Nội tổ chức một lễ hội dành riêng cho ẩm thực.

Phó Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Thủy cho biết: “Việc tổ chức lễ hội không nhằm mục đích gì khác hơn là giới thiệu cho công chúng biết những giá trị độc đáo của ẩm thực Hà Nội cũng như các vùng miền, từ đó, khuyến khích khách tham quan tìm đến các làng nghề để trải nghiệm, hỗ trợ du lịch phát triển”.

Hiệu quả của các hoạt động này là hết sức rõ ràng. Bà Lê Thị Kim Oanh, đại diện cơ sở Bánh cuốn Bà Hoành cho biết, từ ngày được đem bánh cuốn giới thiệu tại Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần II, khách hàng đông hơn, trong đó có nhiều khách quốc tế.

Mặc dù vậy, những món ăn được giới thiệu vẫn còn quá ít ỏi so với kho tàng ẩm thực Hà Nội. Thủ đô còn rất nhiều đặc sản khác. Chỉ riêng các món từ bún đã có bún chả, bún nem, bún riêu cua, bún ốc, bún thang, bún mọc, bún sườn, bún đậu mắm tôm, bún giả cầy... Chưa kể bún được ứng dụng làm thành phần của các món ăn.

Chỉ một quãng ngõ chợ Đồng Xuân cũng có thể viết thành cuốn sách về ẩm thực Hà Nội. Khách du lịch nước ngoài cũng rất thích khám phá những “ngõ ẩm thực”, “phố ẩm thực” như thế. Song dù các vị khách luôn hài lòng về vị giác thì nhiều vị khách vẫn canh cánh nỗi lo về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hà Nội cũng như Việt Nam đã hoàn thành tốt màn “khởi động” bằng việc giới thiệu quảng bá, nhưng đó mới là điều kiện cần trong hành trình để trở thành “bếp ăn của thế giới". Điều kiện đủ là chất lượng, sự an toàn vệ sinh thực phẩm của từng nguyên liệu, gia vị bày ra trên bàn ăn cũng cần được đặc biệt chú trọng, quan tâm. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hành trình trở thành “bếp ăn của thế giới”