Cỗ Tết phải có dưa hành…

Thu Hằng| 27/01/2019 20:48

(NSHN) - Dưa hành là món ăn kèm giúp cho các món chính trong mâm cỗ Tết thêm hương vị, mà cũng là thể hiện sự tinh tế trong việc kết hợp món ăn của ông cha ta.

(NSHN) -  Mâm cỗ Tết truyền thống của người Việt không thể đủ món nếu không có bánh chưng và dưa hành. Tuy là vai phụ trên mâm cỗ nhưng nếu không có nó thì dù mâm cao cỗ đầy cũng sẽ chóng ngấy và ngại ngần cho đôi đũa. Chẳng thế mà các cụ đã có câu thơ: Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.

Dưa hành chỉ là để đưa đẩy, điểm xuyến trong mâm cơm thường ngày hay những dịp đặc biệt như mâm cỗ tất niên, mâm cỗ mừng xuân hay mâm cỗ "hóa vàng"... Từng củ hành chua, giòn sẽ làm giảm độ ngấy và tăng khẩu vị cho thực khách khi ăn cùng bánh chưng hay các món truyền thống khác như thịt đông, giò lụa, thịt gà, ninh mọc...

Mâm cỗ đầy cả thịt cá mà thiếu món dưa hành hẳn sẽ mất đi nhiều thú vị.


Cỗ Tết phải có dưa hành. Và nếu không có dưa hành thì cỗ Tết chưa đủ món. Những củ dưa hành trắng mịn nổi vân xanh ăn vừa chua vừa giòn đi cùng bánh chưng xanh là món khoái khẩu, là cái “thần” trong mâm cỗ Tết cổ truyền.

Để làm được vại dưa hành ngon cũng thật tỉ mỉ, công phu.

Những củ dưa hành trắng mịn nổi vân xanh, vân tím ăn vừa chua vừa giòn.


Hành dùng để muối dưa phải là hành già, củ chắc nịch, thân lá phía trên bắt đầu lụi tàn, bóc bỏ lớp vỏ già bên ngoài sẽ lộ ra thân củ màu trắng hoặc hơi ngả tím. Sở dĩ phải chọn loại hành già muối dưa là để hành không bị ủng hoặc lên màng meo phân hủy nhanh như các loại hành củ non. Ngâm hành trong nước tro một ngày đêm cho hết cay, sau đó bóc bỏ vỏ già, rồi để nguyên cuống còn chút rễ, một là để cho đỡ hăng, hai là để cho khỏi ủng.

Sử dụng dưa hành kết hợp với các món ăn như thịt, cá trong ngày Tết không những giúp ta chống ngán mà còn tránh được cảm giác đầy bụng.


Hành phải được muối trong vại sành, thứ sành được làm từ đồng đất quê nhà, gõ vào phải kêu như chuông mới là đúng kiểu.

Thông thường hành được muối với dưa cải vì hai thứ này kết hợp với nhau cũng hợp vị. Trước tiên xếp hành ở dưới, đặt dưa cải lên trên rồi mới nén vì dưa chóng “ngấu” hơn.


Đĩa dưa hành trên mâm cỗ bao giờ cũng được bóc nõn, tỏa ra lời mời mọc. Và như thường lệ, người ta không gắp thịt, gắp giò mà trước tiên nhẹ nhàng gắp củ hành nén ấy đưa lên thưởng thức như một thứ khai vị.

Dưa hành vừa mang nét bình dị, dân dã vừa có hương vị độc đáo lại không kém phần hấp dẫn.


Năm cũ sắp qua đi, năm mới đang gõ cửa và món dưa hành muối chua bình dị lại có dịp hiện diện trong mâm cỗ Tết của mỗi gia đình. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cỗ Tết phải có dưa hành…