Bánh tẻ Phú Nhi – Ăn là mê

Bài Thu Hằng - Ảnh Viết Thành| 14/11/2018 17:41

Hà Nội có nhiều cao lương mĩ vị song cũng không ít những đặc sản rất gần gũi, bình dị với đời sống làng quê Việt Nam. Bánh tẻ Phú Nhi là một trong số đó.

(NSHN) - Bánh tẻ Phú Nhi không chỉ là món quà dân dã, giản dị, mang hương vị của trời, của đất, của tình người mà còn là nét văn hóa đặc trưng của người dân ở ngôi làng cổ trù phú ven sông Hồng.

Bánh tẻ Phú Nhi - đặc sản ngon nức tiếng xứ Đoài


Phú Nhi là một thôn cổ có từ cuối thế kỷ XIX, thuộc huyện Quảng Oai, trấn Sơn Tây, nay thuộc phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Đây là làng nổi tiếng với một thứ bánh dân dã ngon nức tiếng. Sự khác biệt của hương vị, gia vị và sự thơm ngon đã làm nên thương hiệu của bánh tẻ Phú Nhi.

Nguồn gốc ra đời của chiếc bánh tẻ Phú Nhi gắn với giai thoại về chuyện tình cảm động của đôi trai gái tên Nguyễn Phú và Hoàng Nhi vẫn được lưu truyền tới tận hôm nay.

Hình ảnh ấm áp ở làng Phú Nhi

Bánh tẻ Phú Nhi được làm từ những nguyên liệu gần gũi với cuộc sống người nông dân như gạo tẻ, thịt lợn, mộc nhĩ, hành khô, lá dong gói bên trong, lá chuối khô gói ngoài.

Gạo làm bánh phải chọn loại ngon, thơm tự nhiên, tùy theo thời tiết mà ngâm gạo, nếu trời nóng thì ngâm gạo khoảng 2 ngày, nhưng trời lạnh ngâm lâu hơn để bánh không bị cứng. Trong thời gian ngâm phải thay nước hằng ngày, gạn bỏ nước cũ thay bằng nước mới, mỗi khi thay nước phải khuấy đều để khi xay bột không bị chua và nhão.

Nguyên liệu của bánh tẻ


Khi đã đủ thời gian ngâm, múc bột ra, cho một ít muối vào, gạn sạch nước cũ để khử chua bột. Sau đó thứ bột này phải đun lên cho đặc lại, có độ dính như keo, vừa đun vừa quấy đều cho bột mềm, mịn, tránh vón cục và đặc biệt là bột không được chín hoặc khê, công đoạn này người ta gọi là "ráo bột". Đây là khâu quan trọng nhất trong quá trình làm bánh. Bánh có ngon hay không là nhờ vào chất lượng bột được ráo. Phú Nhi có bí quyết riêng trong khâu ráo bột nên bánh tẻ ở đây luôn có hương vị độc đáo.

Tiếp đến là công đoạn làm nhân bánh.

Món bánh tẻ được làm từ các nguyên liệu thuần nông


Nhân bánh gồm thịt lợn ba chỉ thái hạt lựu xào với mỡ, mộc nhĩ ngâm nở mềm thái chỉ xào chín, hành khô thái nhỏ rồi phi thơm. Tất cả cho vào trộn đều và đảo chín trên chảo với hạt nêm, nước mắm ngon và hạt tiêu.

Khi các công đoạn này đã xong, tiến hành gói bánh.

Bánh tẻ gói theo hình thuôn dài


Lấy một lượng bột cô đặc vừa phải đặt lên tờ lá dong. Công đoạn này gọi là "ra bột". Sau đó xúc nhân đã xào thơm đặt lên lớp bột và ấn sâu xuống để bột phủ lên thịt, thường là theo hình thuôn dài. Cuốn lá dong ngoài bánh, lớp lá ngoài cùng là lớp lá chuối khô. Bánh được buộc lại bằng lạt hoặc dây gai, sau đó đem hấp khoảng 30 phút là chín.

So với làm nông nghiệp, làm bánh tẻ vất vả hơn nhưng cho thu nhập khá và ổn định


Bánh ăn ngon nhất là khi vừa mới vớt ra. Nhìn chiếc bánh trắng ngần hiển hiện sau lớp lá, mùi thơm nhân thịt tỏa ra như chào mời thực khách. Khi ăn, dùng con dao nhỏ cắt bánh thành từng khúc, xếp lên đĩa. Có thể chấm bánh với nước mắm ngon, thêm tiêu, ớt cho dậy mùi.

Xếp bánh vào nồi để luộc


Thứ quà quê chân chất mộc mạc này ai cũng có thể thưởng thức để rồi mê, rồi thèm, rồi nhớ... Bởi vậy, từ bao đời nay, người làng Phú Nhi vẫn giữ phong tục dùng món bánh dân dã này làm quà tặng, quà biếu người thân, người xa xứ như lời nhắn nhủ luôn nhớ về cội nguồn, về hương vị truyền thống xứ Đoài quê hương. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bánh tẻ Phú Nhi – Ăn là mê