Bến xe Kim Liên một thuở

Phạm Kim Thanh| 09/06/2023 06:37

(HNMCT) - Hồi mới lớn, tôi thường đạp xe tới Công viên Thống Nhất chơi với chúng bạn, thấy cảnh người xe tấp nập ở bến xe phía bên kia bờ rào công viên. Cứ nghĩ bến xe có sau ngày giải phóng Thủ đô, nhưng sau này đọc tư liệu của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, mới vỡ ra rằng Bến xe Kim Liên, cũng như Bến xe Kim Mã, đều có từ những năm ba mươi của thế kỷ trước...

Hình ảnh Bến xe Kim Liên cũ chỉ còn trong những thước phim tư liệu. 

Người Pháp xây dựng nhà ga lớn nhất Đông Dương ở trung tâm thành phố, nằm trên tuyến quốc lộ 1, nhưng vẫn có bến xe khách xây trên nền cũ của chợ Kim Liên, chỉ cách nhà ga chưa đầy 1km về phía nam. Điều đó đủ để thấy nhu cầu đi lại của con người cũng như vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh thành về Hà Nội và ngược lại không hề nhỏ.

Thời đó, bến xe Kim Liên vẫn có xe khách của các hãng tư nhân của người Việt như Nguyễn Hưng, Thái Phong, Đông Mỹ chạy các tuyến Nam Định, Phát Diệm, Phủ Lý, Thường Tín, Ngọc Hồi... Sau này, tôi đến gặp các cụ hoạt động nội thành, nghe các cụ từng kể rằng: Phải đóng vai tiểu thương, rồi theo đường dây bí mật từ ngoại tỉnh lên xe khách mà giấu tài liệu, thư, báo dưới đáy thùng hàng, xuống bến xe Kim Liên, quẩy gánh hàng về chợ Cửa Nam, đưa trót lọt đến cơ sở. Việt Minh quả là thần thông biến hóa, các trạm kiểm soát và bốt địch không thể ngăn cấm được dòng báo chí từ vùng tự do và căn cứ kháng chiến về nội đô những năm 1947 - 1954.

Hình ảnh chiếc xe ca Ba Đình lèn chặt người chở cả xe đạp và hàng hóa là những ký ức khó quên với người Hà Nội. 

Thế hệ chúng tôi, sau những năm dài đi sơ tán, ngày hòa bình trở về thành phố vẫn đi xe đạp là chính. Xí nghiệp xe ca Ba Đình và Nhà máy ô tô Hòa Bình một thời sung sức từ năm 1973 đến 1977, sau đó, tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu nên không thể kham nổi việc sửa chữa xe khách phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Những chiếc xe hỏng dần như con ngựa đã già, tiếng máy khởi động “phồng phộc” khi xuất bến với khối người và hàng hóa lèn chật cứng trong xe, nồng nặc mùi mồ hôi và hàng hóa. Xe đạp chất ngất trên nóc xe, buộc chằng chịt cho khỏi bị rơi.

Đầu năm 1980, chúng tôi đi thực tế năm thứ 4 về Thái Bình trên một chuyến xe khách như thế. Từ quốc lộ 1, xe rẽ vào đường qua phà Tân Đệ. Nhìn cảnh đủ các loại xe xếp hàng dài dằng dặc hơn 1km trên bến phà, thật nản mà không còn cách nào khác, khi đến thị xã đã cuối chiều. Chuyến xe bão táp khiến chúng tôi sợ xanh mắt. Lúc trở về, thầy trò chọn cách đi ca nô từ thị xã Thái Bình về Hà Nội cho đỡ chen chúc khốn khổ.

Cảnh đẫm mồ hôi mới mua được vé và các bến xe nội đô như bến Nứa, Kim Mã, Kim Liên ngày càng xập xệ, kéo dài mãi đến những năm 1990. Chúng tôi bị "bán" cho chủ xe khác khi xe từ Ninh Bình bò đến Nam Định. Tất cả hành khách bị lùa xuống đường, khư khư ôm túi kẻo bị bọn “chôm” đồ xoáy mất, lếch thếch chuyển sang xe khác. Tôi say xe, nôn mật xanh mật vàng. May có bác ngồi cạnh trông chất phác, tôi nhờ giữ hộ làn đỗ lạc ở quê cho. Bác chép miệng: “Rõ khổ, cô say thế, lần sau đi tàu hỏa cho đỡ vất vả”. Xe ì ì vào bến Kim Liên, tôi chả còn sức đâu mà ngóng cái xe đạp Thống Nhất nữ vẫn chung thủy từ thời sinh viên nữa. Nhận xe từ tay bác phụ lái, tôi lử đử dắt xe ra khỏi bến, thoát khỏi thứ mùi tổng hợp đáng sợ, đón ngọn gió từ đường phả vào mặt cho tỉnh.

Vị trí Hotel du Parc Hanoi ngày nay chính là Bến xe Kim Liên cũ.   

Bến xe Kim Liên hoạt động đến năm 1993 thì chuyển xuống Bến xe Giáp Bát. Nơi bến xe cũ mọc lên một tòa nhà xây dựng theo kiến trúc mới của khách sạn năm sao có tên là Nikko Hotel, hai năm qua đổi tên là Hotel du Park Hanoi. Chụp ảnh hai mặt khách sạn trên đường Trần Nhân Tông và Lê Duẩn tấp nập, tôi chợt nghĩ, có lẽ, chỉ đến thế hệ 8x là còn có thể nhớ cái tên Bến xe Kim Liên thuở nào...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bến xe Kim Liên một thuở