Đình Thổ Khối

Thủy Hương| 21/05/2023 06:55

(HNMCT) - Đình Thổ Khối nằm ven đê phía hữu ngạn sông Hồng, xưa thuộc tổng Cự Linh (huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc), nay thuộc tổ 9 phường Cự Khối (quận Long Biên). Theo sử liệu, đình được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVIII và là nơi thờ 6 vị Thành hoàng làng: Bố Cái Đại Vương, Cao Sơn Đại Vương, Linh Lang Đại Vương, Bạch Đa Đại Vương, Dị Mệ Đại Vương và Đào Thành hoàng.

Nhìn từ trên cao xuống, đình Thổ Khối nằm trên thế đất “rồng chầu”, với phần thân là đê sông Hồng, giếng và đầm Đền Cây gần đó là mắt rồng; đình, chùa Thổ Khối đối xứng nhau qua con đê là gò má rồng, còn phần đê quai phía sau đình là hàm rồng. Trước cửa đình là giếng nước hình bán nguyệt được bao bằng tường gạch. Trước kia, ở bên trái đình còn có từ chỉ, bên phải là văn chỉ, nay đã bị phá và được xây thành đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của xã cùng miếu thờ Nhị vị thánh bà.

Ngăn cách giếng với khuôn viên đình là bức bình phong hình cuốn thư và nghi môn gồm 4 trụ biểu. Tiếp đến là khoảng sân rộng lát gạch Bát Tràng dẫn vào tòa đại đình. Đình Thổ Khối được kết cấu tổng thể theo kiểu “tiền nhất, trung đinh, hậu công” - một kiểu kiến trúc hiếm gặp. Tòa tiền tế và đại đình tiếp giáp nhau, sau đó là ống muống và hậu cung. 

Tòa tiền tế gồm 7 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, 3 gian giữa đột khởi kiểu mái chồng diêm tạo thành các đầu đao cong. Tòa đại đình gồm 5 gian 2 chái nằm song song với tiền tế; phần mái là hệ thống đầu đao, đầu guột; nền được lát gạch Bát Tràng với 4 hàng chân cột.

Tòa ống muống nối liền đại đình với hậu cung có kết cấu hình chữ “công”, gồm cung ngoài, thiêu hương và cung cấm. Cung ngoài gồm 3 gian nằm song song với tòa đại đình, được xây kiểu tường hồi bít đốc với hệ thống cửa bức bàn. Nối gian giữa của cung ngoài với cung cấm là tòa thiêu hương. Cung cấm gồm 3 gian kiểu đầu hồi bít đốc với bộ vì có kết cấu kiểu quá giang. 

Trong đình Thổ Khối hiện còn lưu giữ nhiều di vật quý như hệ thống bia ký có niên đại Cảnh Hưng thứ 46 (1785), Minh Mệnh thứ 3 (1822), Minh Mệnh thứ 18 (1837) và năm Quý Mùi (1883); 73 đạo sắc phong của các triều đại, trong đó đạo sắc phong sớm nhất có niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 2 (1730) và muộn nhất là niên hiệu Bảo Đại thứ 15 (1940). 

Đình Thổ Khối đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia cùng với chùa Thổ Khối vào năm 1990.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đình Thổ Khối