Ai đã thiết kế nhà Thủy Tạ?

Nguyễn Ngọc Tiến| 05/05/2023 06:36

(HNMCT) - Nhà Thủy Tạ (hay Thủy Tọa) là công trình duy nhất nằm sát mép hồ Hoàn Kiếm. Nhìn từ phía đông, Thủy Tạ như một con thuyền duyên dáng. Khi thành phố lên đèn, Thủy Tạ lấp lánh thu hút ánh mắt của người đi đường. Từ khi khánh thành vào tháng 12-1936 cho đến nay, đã gần 100 tuổi nhưng công trình mang lối kiến trúc Á Đông này vẫn là một dấu ấn đặc biệt với người dân Thủ đô cùng du khách.

Sự ra đời của nhà Thủy Tạ xuất phát từ ý tưởng của Đốc lý Hà Nội Henri Virgitti (1/1/1934 - 10/11/1938) khi ông ta thấy cần thay ngôi nhà cũ bằng một ngôi nhà mới để hòa điệu với không gian hồ Gươm, nơi có đền Ngọc Sơn, tháp Bút. Mục đích xây nhà này là cho thuê để bán rượu, cà phê và vũ trường nên thành phố không bỏ tiền vẽ mẫu, xây dựng. Đốc lý Henri Virgitti đưa ra mô hình trọn gói, tức là trong hồ sơ tham gia dự thi và thầu phải có thiết kế, nếu hồ sơ của người dự thi được duyệt, họ sẽ phải bỏ tiền xây dựng. Quyền lợi của người trúng thầu là được khai thác trong thời gian dài.

Thành phố đã lập Hội đồng xét hồ sơ dự thi và thầu gồm 7 người. Chủ tịch Hội đồng là Đốc lý Henri Virgitti, các thành viên có Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu, cựu Tổng đốc Nguyễn Năng Quốc, ba Ủy viên Hội đồng thành phố gồm: Lesterlin, kỹ sư sở Công chính Đông Dương Lacollonge, bác sĩ Trần Văn Lai. Kiến trúc sư Francois Charles Lagisquet (1864 - 1936), Phó Đốc lý thành phố làm Thư ký. Dù vị trí kinh doanh đắc địa nhất Hà Nội nhưng số tiền đầu tư rất lớn nên chỉ có 3 người gửi hồ sơ dự thi và thầu. Hồ sơ của Nguyễn Huy Ái ở 51 phố Hàng Đào đáp ứng đủ các tiêu chí nên được hội đồng lựa chọn. Có một số tài liệu ghi, nhà thầu Hàn Ái ở phố Cầu Gỗ, như vậy không sai vì nhà phố Hàng Đào của ông Ái làm cửa hàng buôn bán nên ông sống ở phố Cầu Gỗ. Cái tên Hàn Ái do dân hàng phố đặt vì tính ông lạnh lùng, ít quan hệ với xung quanh. Nguyễn Huy Ái được quyền khai thác nhà Thủy Tạ trong 14 năm, từ 1936 đến năm 1950. Giai đoạn cuối năm 1946, đầu năm 1947, Hà Nội đã xảy ra giao tranh ác liệt giữa quân Pháp và Trung đoàn Thủ đô nên công việc kinh doanh bị đứt đoạn và ông đã khiếu nại với tòa đốc lý, yêu cầu cho thêm thời gian kinh doanh.

Trong cuốn sách “Thế  hệ kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên” do Hội Kiến trúc sư Việt Nam xuất bản, phần về kiến trúc sư Vũ Đức Diên ghi ông thiết kế nhà Thủy Tạ, nhưng ghi quê ông ở Hà Nam là không chính xác. Năm 1990, trong bài phỏng vấn kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh về việc ông thiết kế và giám sát thi công Lễ đài độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945, hỏi chuyện ai thiết kế nhà Thủy Tạ, ông trả lời là kiến trúc sư Vũ Đức Diên. Sở dĩ Ngô Huy Quỳnh biết vì sau khi ra trường, ông đã làm ở văn phòng của kiến trúc sư Vũ Đức Diên. Như vậy, ông Nguyễn Huy Ái đã mời ông Diên thiết kế.  

Kiến trúc sư Vũ Đức Diên (1906 - 1961), quê gốc Thanh Hóa nhưng sinh tại Khánh Hòa. Ông thi đỗ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, học ban Kiến trúc khóa 4 (1929 - 1934), cùng lớp với ông Nguyễn Xuân Tùng. Sau khi tốt nghiệp, ông cùng với Nguyễn Xuân Tùng mở văn phòng kiến trúc sư ở góc phố Hàng Gai và Rue Beauchamp (nay là Lê Thái Tổ). Vì hai ông mở chung văn phòng nên có người cho rằng thiết kế nhà Thủy Tạ là của hai ông. Báo “Ngày nay” số ra ngày 20-12-1936 đăng bài về Hội Ánh sáng do ba kiến trúc sư sáng lập là Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp và Vũ Đức Diên. Chủ trương của Hội Ánh sáng là chống lại bóng tối trong kiến trúc, đưa ra quan điểm văn minh: Nhà lớn hay nhỏ phải chan hòa ánh sáng tự nhiên. Từ chủ trương đó, nhóm Tự lực văn đoàn đã nhân thành phong trào phá bóng tối cho nhà dân.

Một công trình mang tư tưởng này do Vũ Đức Diên thiết kế, nay vẫn còn nguyên vẹn, là nhà số 136 phố Bùi Thị Xuân (Hà Nội). Nếu Vũ Đức Diên lãng mạn, thích hoạt động xã hội, yêu văn nghệ thì Nguyễn Xuân Tùng tài ba lại có máu phiêu lưu, thích thách thức bản thân. Chùa Quán Sứ ở Hà Nội hiện nay do Nguyễn Xuân Tùng và Nguyễn Ngọc Ngoạn thiết kế. Năm 1942, Nguyễn Xuân Tùng mò mẫm lên Sơn La, vào những con suối trong rừng sâu đãi vàng, nhưng số vàng đãi được không xứng đáng nên năm 1943 ông trở về Hà Nội mua một thuyền đinh lớn để chở hàng. Một chiều hè năm 1944, ông nhảy xuống sông tắm rồi bị chết đuối.

Cách đây mấy năm, có một bài viết, trong đó tác giả cho rằng kiến trúc sư người Pháp Lagisquet thiết kế công trình nhà Thủy Tạ. Sở cứ để tác giả viết như vậy là trong sao y bản chính bản vẽ mặt tiền nhà Thủy Tạ có chữ ký của Thống sứ Bắc Kỳ Auguste Tholance, Đốc lý Henri Virgitti và người vẽ là Lagisquet, Thư ký Hội đồng. Tuy nhiên, Francois Lagisquet đang giữ chức Phó Đốc lý thành phố (từ ngày 24/4/1934 - 25/4/1936), là công chức, lại làm Thư ký Hội đồng nên theo quy định ông này không thể thiết kế cho Nguyễn Huy Ái, nhưng có quyền sửa bản thiết kế để nâng tầm công trình. Hơn 20 năm trước, chính Francois Lagisquet đã vẽ lại mặt tiền của Nhà hát Lớn thành phố khi ông tham gia công trình này.

Vì thế, câu trả lời chính xác là: Vệc thiết kế nhà Thủy Tạ gồm 3 kiến trúc sư Vũ Đức Diên, Nguyễn Xuân Tùng và Francois Lagisquet.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ai đã thiết kế nhà Thủy Tạ?